My giật mình, cười vang: “Thì mẹ em chứ mẹ nào”. Bị chồng vặn vẹo: “Mẹ em thì không phải mẹ anh đâu nhỉ”, My lúng túng bào chữa: “Thì em vẫn quen gọi như hồi còn yêu nhau, chưa biết gọi thế nào cho phải”. My kể, những câu chuyện nhầm lẫn kiểu “mẹ anh – mẹ em” thế này khá phổ biến.Nếu vợ chồng My có con thì chỉ cần gọi “ông bà ngoại – ông bà nội” là ai cũng hiểu. Là vợ chồng son, My không thể gọi “mẹ anh – mẹ em” vì sẽ bị vặn vẹo: “Là vợ chồng rồi còn mẹ anh với mẹ em gì”. Cô cũng không thể gọi “mẹ đẻ - mẹ chồng” vì như thế càng nặng tính phân biệt hơn, đã là người một nhà thì mẹ nào cũng là mẹ cả.
“Cuối cùng, mình gọi tên hai mẹ cho nhanh. Mẹ Thanh tức là mẹ mình, còn mẹ Nguyệt, tức là mẹ chồng” – My chia sẻ.
Cũng mới kết hôn và gặp phải cảnh bối rối trong việc gọi “mẹ anh – mẹ em” như My là Nhung (Cầu Diễn, Hà Nội). Nhung đến xấu hổ vì có lần hai vợ chồng sang thăm cô em họ bên chồng ốm, Nhung vui miệng kể chuyện có động đến “mẹ em”, cô em họ “lắm chuyện” vặc lại ngay: “Anh chị kết hôn rồi mà vẫn còn ‘mẹ em’ cơ à? Thế mẹ anh khác mẹ chị, còn mẹ chị không phải mẹ anh sao?” khiến hai vợ chồng nhìn nhau… “cứng lưỡi”.Vợ chồng Nhung ở riêng, ngày thường Nhung vẫn luôn miệng nói “mẹ anh, mẹ em” mà không thấy chồng ý kiến gì. Chồng Nhung bảo gọi thế nào cũng được, quan trọng là chúng ta đối xử với bố mẹ thế nào. Tuy nhiên, người ngoài nhìn vào thì không được hay lắm. Sau sự cố với cô em họ, Nhung thay đổi: cô gọi mẹ đẻ mình là mẹ trong ấy (quê Nhung ở Nghệ An), còn mẹ chồng là “mẹ ngoài này” (mẹ chồng ở Hải Phòng). Tương tự, cô cũng dùng cách này để gọi bố đẻ và bố chồng.Còn với Thảo (Ba Đình, Hà Nội) dù mới lấy chồng nhưng cô không gặp khó khăn trong cách gọi bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng. Thảo là con gái miền Nam, làm dâu đất Bắc. Vì thế, cô gọi bố mẹ chồng bằng cách xưng hô của người miền Bắc là “bố mẹ”, gọi bố mẹ đẻ theo cách người miền Nam là “ba má”.
Theo Mẹ và Bé