Mỗi giai đoạn đều có sự chuyển biến mà chúng ta cần phải thích nghi, điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh.
Ai mà không một lần rơi vào khoảng lặng
Hôn nhân được nhìn nhận theo nhiều cách. Rất nhiều người cho rằng hôn nhân đơn giản chỉ là sự gắn kết giữa hai con người theo quy luật tự nhiên để duy trì nòi giống, họ sống chỉ vì trách nhiệm mà vô tình bỏ qua những điều thú vị khác. Còn nhiều người lại nhìn hôn nhân dưới con mắt màu hồng, cho rằng đối tác sẽ luôn là một người hoàn hảo từ lúc yêu nhau cũng như sau khi kết hôn. Cũng có số người e dè, cẩn trọng trong việc kết giao và chuẩn bị “tinh thần thép” trước khi bước vào hôn nhân,… và dù cho bạn thuộc nhóm người nào, suy nghĩ ra sao về hôn nhân thì cũng cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để vượt qua những khoảng lặng chẳng mấy dễ chịu.
Ba năm, năm năm hay mười năm? Là những thời điểm mà người ta thường đặt câu hỏi về những khoảng lặng sẽ xây ra cho cuộc hôn nhân của họ. Nhưng câu trả lời là chẳng có mốc thời gian nào cụ thể, bạn chỉ có thể cảm nhận nó khi nó đến. Có những người rơi vào khoảng lặng ngay sau kết hôn, bởi vỡ mộng về đối tác, lúc yêu nhau thì mọi thứ đều tốt đẹp nhưng khi sống cùng nhau, mới phát hiện những bất đồng. Có nhiều người sau 10 năm kết hôn, hay con cháu đầy đàn rồi lại quyết định đệ đơn ly hôn bởi đơn giản họ thấy cuộc sống nhàm chán, không còn cảm xúc bên nhau… rất rất nhiều những khoảng lặng mà không thể định rõ thời gian.
Có 1001 nguyên nhân khiến hôn nhân rơi vào khoảng lặng, ví dụ như những bất đồng kéo dài khiến cảm xúc yêu đương không còn mặn nồng như xưa, hay những trách nhiệm cỏn con mà sinh cãi vã, thậm chí đơn giản vì phải phấn đấu cho sự nghiệp mà cả vợ lẫn chồng đều phải bù đầu bù cổ với công việc, đâm ra lạnh nhạt cuộc sống gối chăn,… Cuộc sông hôn nhân thăng trầm khó đoán, ai mà không một lần rơi vào những khoảng lặng, thậm chí tồi tệ hơn là khủng hoảng hôn nhân, nhưng điều quan trọng là ta phải kịp thời phát hiện và mau chóng tìm cách để thoát khỏi nó.
Hôn nhân được nhìn nhận theo nhiều cách. (Ảnh minh họa)
Một thứ gia vị cần thiết
Dĩ nhiên chẳng ai muốn nốt trầm giăng xuống cuộc hôn nhân của mình. Nhưng cuộc sống luôn là thế, có thăng ắt có trầm, điều quan trọng là ta sẽ tìm cách giải quyết ra sao, đối mặt để tìm hướng giải quyết hay trốn chạy để rồi cuộc sống cứ âm ỉ mãi nốt trầm buồn.
Người ta sợ những khoảng lặng bởi chúng làm cho cuộc sống gia đình trở nên nghẹt thở, cùng ăn cùng ngủ dưới một mái nhà nhưng cảm giác như đang ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Đàn ông thường ít có sự kiên nhẫn vì thế khi hôn nhân rơi vào khoảng lặng thường đi tìm thú vui bên ngoài, lâu dần thành thói quen khó bỏ, thậm chí họ sẽ yêu người khác ngoài vợ nhưng lại giữ tâm lý cố hữu không ly hôn.
Về phía người phụ nữ khi xảy ra trường hợp trên, phản công theo hai cách, thứ nhất là tự làm mới mình, tìm cách chứng minh cho chồng thấy giá trị của bản thân. Cách thứ hai là “ông ăn chả bà ăn nem”, đây là cách khá phổ biến trong thời điểm hiện nay, khi mà chị em phụ nữ cũng độc lập kinh tế. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác thì chung quy cũng là vì muốn thoát khỏi những bế tắc tạm thời của cuộc sống. Nếu sớm nhận ra tình yêu chân thành và trách nhiệm lẫn nhau thì những khoảng lặng cũng chỉ như là một thứ gia vị cay cay cần thiết cho những món ăn hàng ngày.
Thật bất ngờ khi nhiều người cho rằng họ vừa sợ vừa thích những khoảng lặng. Sợ vì mỗi lần như thế họ lại chẳng thể chuyện trò cùng nhau, cảm giác ăn chung mà chẳng ai nói lời nào, ngủ chung mà chẳng đầu ấp tay gối, cảm xúc chợt tan như bong bóng xà phòng,… rất đáng sợ. Thế nhưng sau mỗi lần như thế, cảm xúc yêu thương tràn về như sóng vỗ, tình cảm lại mặn nồng và mãnh liệt hơn, cảm giác như được yêu lần nữa.
Lại có lúc không thể vượt qua khủng hoảng, ly thân tạm thời cũng là một phương cách hay, sống xa nhau giúp cả hai tránh được những suy nghĩ căng thẳng diễn ra hàng ngày để có thời gian, điều kiện nhìn lại chính mình và người bạn đời. Có rất nhiều cặp đôi đã hàn gắn và sống hạnh phúc sau đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, giải pháp này chỉ hữu hiệu với những ai có thiện chí vun đắp gia đình, hàn gắn đổ vỡ, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và biết bỏ qua lỗi của nhau…
Tóm lại, những khoảng lặng của hôn nhân giống như thứ gia vị của cuộc sống, giúp cho cuộc sống hôn nhân tốt hơn hay tệ hơn… tất cả đều tùy thuộc vào “người nêm”.
Nhưng đôi khi, hôn nhân cũng cần những nốt thăng (Ảnh minh họa)
Bí quyết vượt qua những khoảng lặng “chết người”
1.Tình yêu chân thành chính là điều tiên quyết giúp cả hai vượt qua bất kỳ khủng hoảng nào trong hôn nhân.
2.Khi những cảm xúc cứ trôi dần theo cuộc sống cơm áo gạo tiền, cả hai hãy cùng dành thời gian để đi xa một chuyến, vứt bỏ tất cả để tìm lại mật ngọt của tình yêu ban đầu.
3.Đôi khi cuộc sống cần những khoảng lặng để hiểu và yêu nhau hơn. Chính vì thế, hãy cho đối phương cơ hội cũng như cho chính mình cơ hội.
4.Hãy xem những khoảng lặng như là phép thử của cuộc hôn nhân, một thứ gia vị của cuộc sống.
5.Lắng nghe đối phương, trò chuyện cùng nhau, những câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chính là sợi dây kết nối cả hai.
6.Đừng vội phán xét lẫn nhau khi chưa tìm hiểu rõ căn nguyên của vấn đề.
7.Đừng quyết định vội vàng, hãy luôn nắm tay nhau mà nghĩ về cái chung của cả hai.
8.Không nên xem thường chuyện gối chăn, hãy luôn tạo cảm xúc mới mẻ cho “đối tác” của mình.
Theo Lady Luxury