Đàn ông vẫn phải chi nhiều hơn cho các khoản gọi là “tình phí”. Với các chàng có thói quen kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, đây cũng là mục phải ghi chép đầy đủ. Chính là một anh chàng như thế.
Hết yêu thì phải thanh toán tiền “chè nước”
Suốt hai năm yêu nhau, Chính không bao giờ cho Kim trả tiền khi họ đi chơi với nhau, vì “đó là nghĩa vụ của đàn ông”. Anh cũng không bao giờ quên tặng hoa, quà trong các ngày lễ mà phụ nữ vẫn coi trọng, luôn chỉn chu và đẩy đủ không chê vào đâu được. Ấy thế nên anh rất sốc khi mới đây, Kim đòi chia tay.
Vốn vẫn coi Kim là người phụ nữ của đời mình nên Chính ra sức thuyết phục Kim nghĩ lại, hứa sẽ thay đổi những điểm mà cô chán ghét. Trước sự kiên quyết của người yêu, anh khóc lóc, vật nài, hết nhờ người thân, bạn bè năn nỉ đến lôi cả bố mẹ, anh em của Kim vào nói hộ, nhưng vô hiệu.
Lần thứ 5 xuất hiện ở nhà Kim sau khi cô nói chia tay, Chính không khóc lóc nữa. Với vẻ mặt lạnh lùng của một người bị làm tổn thương, anh lôi ra một cuốn sổ: “Những món quà anh tặng em, em cứ giữ mà dùng. Chi phí chung khi hẹn hò với nhau, vì em đã phá vỡ mọi chuyện nên phải chia đôi. Tất cả 17 triệu bốn trăm năm mươi tám nghìn đồng”.
Thấy cô bạn gái đờ người vì sốc, Chính có phần hả hê, bảo: “Thôi anh về. Anh để cuốn sổ lại cho em kiểm tra thoải mái nhé. Mấy ngày nữa anh qua, hoặc em chuyển khoản cho anh cũng được”. Chính về, Kim mở ra xem, thấy ghi chi tiết từ tiền ăn uống, mua vé xem phim đến trà đá, gửi xe, tiền vé vào công viên Thủ Lệ…
“Có gì anh tặng, trả hết đây!”
Thường chuyện đòi lại quà cáp, tình phí của các chàng trai xuất phát từ cảm giác cay cú. Làm thế để trả đũa cho bõ tức dù cũng biết đó là hành động chẳng hay ho gì, vì thế họ hiếm khi kể lại cho ai. Ấy thế mà cũng có chàng bô bô kể lại cho các “chiến hữu” như một cách chứng tỏ cái tôi của mình. Đó là Hữu, 21 tuổi, một thiếu gia đất Hải Phòng, đang học ở Hà Nội.
“Bọn mày đều biết tao rồi, tao yêu em nào cũng chơi đẹp. Kể cả khi bị tao đá, các em cũng tâm phục khẩu phục. Nhưng em Thủy này láo quá nên tao phải cho một bài học”, Hữu nói với đám bạn.
Cái “láo” của Thủy là dám đòi chia tay Hữu, trong khi từ trước đến giờ chỉ có Hữu “đá” các em sau khi đã no xôi chán chè. Điều đó như một cái tát vào mặt thiếu gia kiêu hãnh. Anh chàng bèn bảo: “Được thôi, tùy em. Đã không yêu nhau nữa thì mai anh sẽ trả hết những kỷ vật em tặng để khỏi vấn vương tình cảm. Em cũng thế. Váy áo, giày, túi, ví… em cứ giữ mà dùng, nhưng vòng nhẫn dây chuyền thì trả anh”.
Miêu tả vẻ mặt tái mét của Thủy cho đám bạn, Hữu hả hê giải thích: “Mấy thứ nữ trang vớ vẩn đó tao đâu có cần, nhưng tao biết thừa nó đã bán mất vài món rồi, đừng hòng kiếm đâu ra tiền mà sắm lại. Những em khác, tao tặng là tặng luôn, thậm chí khi chia tay còn tặng thêm mấy thứ để đền bù. Nhưng nó thì tao sẽ đòi bằng được”.
Chưa trả hết nợ thì vẫn phải… yêu
Trong thời gian yêu nhau, Vinh phải hỗ trợ gia đình bạn gái mấy lần khi ông bố của cô làm ăn thất bát, bị đầu gấu đến nhà đập phá đòi nợ, và mẹ cô phải đi cấp cứu mà không có tiền trả viện phí. Tổng số tiền mà Vinh cho bạn gái vay đã xấp xỉ 200 triệu đồng. Cũng vì mang ơn Vinh nên Hân, bạn gái anh, đã hai lần bỏ qua cho chuyện “léng phéng” của người yêu. Hân cố chấp nhận lời trần tình của Vinh rằng, mấy cô kia chẳng qua khuấy động bản năng đàn ông của anh chứ chẳng có giá trị gì, Hân mới là người anh muốn lấy làm vợ.
Nhưng đến lần thứ ba bắt quả tang Vinh dẫn “gái” về “mây mưa” tại căn phòng mà họ sống chung với nhau, Hân hết chịu nổi và tuyên bố cắt đứt. Vinh lại biện minh và thề thốt, nhưng cô không nghe nữa. Cô nói vẫn luôn nhớ nợ anh tiền, và sẽ viết giấy cam kết trả đủ trong hai năm. Nhưng chàng người yêu phóng túng của cô không chịu: “Nếu vậy thì hai năm nữa em mới được chia tay. Từ giờ đến đó, em vẫn phải là người yêu của anh giống như trước đây”.
“Giống như trước đây” nghĩa là họ vẫn sống chung, cô vẫn nấu nướng, giặt giũ phục vụ anh và cả “chuyện ấy” vẫn phải tiếp tục. Không chịu nổi việc bị Vinh “đòi thực hiện nghĩa vụ trên giường” khi đã hết tình hết nghĩa, Hân phải điên cuồng vay nóng khắp nơi, trả lãi cao để trả hết nợ cho người yêu nhằm thoát thân.
Có lẽ khi đòi lại bạn gái những món quà hay khoản tiền mình đã bỏ ra hồi còn yêu nhau, các chàng trai chỉ muốn “dạy một bài học” cho cô gái dám bỏ mình. Nhưng có lẽ bài học duy nhất mà các cô tiếp thu được là: Sau này có yêu ai thì nhìn người cho cẩn thận, thấy những ai giống “cố nhân” thì hãy “bỏ dép mà chạy”.
Theo Datviet