Đó là lời khuyên của các chuyên gia tâm lý cho các cặp vợ chồng: Mỗi
bên phải tìm hiểu tâm lý “khách hàng” để cung ứng những “sản phẩm” phù
hợp, luôn “chăm sóc khách hàng” chu đáo, thực hiện những “dịch vụ hậu
mãi” hấp dẫn và có kế họach “bảo trì” thường xuyên.
Câu chuyện của anh Đông bạn tôi là một ví dụ.
Sau khi tìm hiểu và quyết định ký “Hợp đồng hôn nhân”, anh và vợ sắp
cưới là chị Thu có cuộc “Gặp gỡ khách hàng” để thống nhất các điều khoản
chung như sẽ sống ở đâu, kế họach chi tiêu, công tác “đối ngọai” với
hai bên gia đình, “đối nội” trong nhà (phân công công việc, sở thích và
thói quen của từng người v.v…).
Mọi chuyện được thông qua dễ dàng. Riêng
việc chị Thu thú nhận là không rành khỏan “ bếp núc”, anh Đông vui vẻ
“duyệt” với điều kiện 3 tháng sau khi cưới sẽ là thời gian chị Thu đi
học nấu ăn. Ngược lại, anh Đông cũng hứa sẽ giảm bớt “tần số nhậu” để về
nhà ăn cơm với vợ.
Khi nào đi xa hay bận đột xuất, anh luôn gọi điện về. Những bữa cơm ấm cúng và tràn ngập tiếng cười do khiếu hài hước của anh. Thỉnh thoảng, anh chị cùng trao đổi, bàn bạc về những khúc mắc trong công việc.
Có gì không hiểu, anh hỏi chị và ngược lại. Thỉnh thoảng, rảnh rổi, anh mua vé đưa chị đi xem phim, nghe hòa nhạc hay có thể là một chuyến ra ngọai ô vào ngày cuối tuần. Tất nhiên là anh luôn giữ bí mật những “phương án bảo trì” đó đến phút chót vì bí mật là yếu tố gây bất ngờ và thu hút sự chú ý của “khách hàng” tốt nhất.
Chăm sóc "khách hàng" duy nhất trong hợp đồng hôn nhân. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mỗi khi “khách hàng” của anh có vấn đề trục trặc như có chuyện không vui ở công ty hay bị nhức đầu sổ mũi… anh luôn chủ động “quan tâm giải quyết” như an ủi, động viên hay tất tả đi mua thuốc, nấu cháo… Anh kết luận : “Nếu chịu khó để ý, mình không thiếu cách để làm hài lòng “khách hàng”.
Dù công việc ở công ty rất bận rộn nhưng anh Đông luôn nhớ những dịp
quan trọng của “khách hàng”. Anh nói : “Các công ty bảo hiểm lớn không
bao giờ quên sinh nhật của khách hàng, luôn gửi tặng lịch mỗi khi tết
đến và đôi khi là những món quà thú vị”.
Vì thế, tất cả các mốc kỷ niệm đều được anh ghi nhớ. Kỹ niệm ngày anh gặp chị lần đầu tiên là một bữa tối có rượu sâm banh tại một nhà hàng sang trọng. Ngày lễ tình yêu, anh tặng chị một bó hồng nhung và một sợi dây chuyền bằng ngọc lục bảo…
Sinh nhật chị, anh về sớm, chuẩn bị bữa tối, có đầy đủ bánh kem và nến…“Đôi khi chính cô ấy cũng không nhớ những mốc ấy. Nhưng không sao, mang lại niềm vui cho “khách hàng” chính là niềm vui của mình !”. Anh nói.
Có lần, tôi nói: “ Nếu các phương thức “bảo trì” giống nhau thì sẽ mau chán lắm!”. Anh Đông cười rất tươi: “Đúng thế ! Vì vậy, mình luôn phải thay đổi kịch bản. Ngày Phụ nữ Việt Nam vừa rồi, mình “bao” bà xã một chuyến du lịchđảo “hết sức tuyệt vời” như cô ấy nói.
Lần khác, anh tâm sự: “Để lôi kéo khách hàng, các nhà sản xuất thường đổi mới bao bì sản phẩm. Còn mình lôi kéo “khách hàng vợ” bằng những dịch vụ ngày càng hoàn hảo hơn. Một trong những “dịch vụ” đó là làm sao để công việc nội trợ của chị nhẹ nhàng hơn. Thế là, sinh nhật vợ năm nay, anh tặng chị một cái bàn là hơi nước. Việc là quần áo nhanh hơn nhiều. Món quà kỹ niệm hai năm ngày cưới là một cái máy rửa chén…”Khỏi phải nói là bà xã mình phấn khởi thế nào!”. Anh hồ hởi.
Rồi anh kết luôn: “Đó là do mình tìm hiểu và đón trước nhu cầu của “khách hàng”, gây cho“khách hàng” sự ngạc nhiên thú vị. Vì thế, mình không bao giờ sợ “khách hàng” bỏ rơi “ nhà thầu” là mình mà chuyển sang dùng “sản phẩm” hoặc “dịch vụ” khác”.
Theo Phụ nữ Online