Anh “cá khô”

lananh |

Cư dân khu nhà trọ nói anh khó tính quá, không ai ở chung được quá một tuần. Có lẽ vì thế mà anh trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.

Dãy nhà trọ có tám phòng, ba phòng là mái ấm của các cặp vợ chồng, hai phòng của sáu nam và ba phòng của mười hai nữ. Nếu như nhà nữ chia đều bốn người một phòng, thì bên nhà nam lại có một nhà năm ông, nhà còn lại chỉ có duy nhất mình anh.

Cư dân khu nhà trọ nói anh khó tính quá, không ai ở chung được quá một tuần. Có lẽ vì thế mà anh trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Lúc tôi mới dọn về khu nhà trọ này, đã nghe mọi người xầm xì về anh, nào là keo kiệt, bủn xỉn, ti tiện. Còn lũ trẻ thì đặt cho anh biệt danh là “Anh cá khô”.

Buổi sáng anh thường dậy rất sớm, nấu một nồi cơm ăn từ sáng đến chiều, rồi cầm chổi quét sạch sân của cả dãy phòng trọ. Xong, anh xúc một tô cơm to ra ngồi trước cửa phòng (để tiết kiệm điện) vừa cắm cúi ăn vừa đọc sách. Anh ăn gì cả khu nhà đều biết là do lũ trẻ. Chúng chạy lại nhìn vào tô cơm của anh rồi chạy đi la làng: “Lại cá khô với dưa leo”. Bị chọc ghẹo như vậy nhưng anh chẳng giận ai, ai cần anh giúp chỉ ới một tiếng là anh sang ngay. Có lần, tôi dẫn xe ra chuẩn bị đi làm, đạp hoài không nổ, anh tháo bugi ra lau lau, thổi thổi, xe lại nổ. Chiều đó, tôi trả ơn anh bằng một tô canh chua cá đuối, anh bưng tô canh cảm động nói: “Chị nấu sao giống… má tôi”.

Qua lại thân tình, anh mới kể, quê anh ở miền Trung, ba anh mất sớm, mẹ anh một mình nuôi bảy đứa con, anh là con trai lớn, hai đứa kế đã lấy chồng. Anh phải phụ mẹ nuôi bốn đứa em còn lại ăn học bằng cách mỗi tháng gửi về nhà ít nhất hai triệu đồng, trong khi anh còn phải trả tiền nhà trọ, lo ăn uống và đi học đại học tại chức buổi tối. Vì vậy, anh phải nhận thêm hàng điện tử về sửa chữa. Từ hôm đó, thỉnh thoảng tôi lại bưng sang cho anh tô canh, anh cũng tặng lại tôi mấy con khô và khoe do chính tay má anh phơi. Mỗi lần như vậy, tôi nán lại nói với anh dăm ba câu chuyện, trao nhau vài quyển sách hay mới mượn được đâu đó.

Bà con nhà trọ đoán già đoán non tôi và anh yêu nhau. Mấy chị khuyên tôi tránh xa cái ngữ ấy ra, chồng vậy sao sống nổi nhưng tôi thì đã quyết. Mấy tháng sau, má anh vào thăm ba má tôi. Một lễ cưới chỉ tốn có ba triệu đồng diễn ra. Hai bên cùng nghèo nên dễ thông cảm. Chúng tôi trở lại nhà trọ ngay sau đó và nỗ lực làm việc theo kế hoạch anh đề ra là tốt nghiệp đại học rồi phải có nhà, có nhà rồi mới sinh con, có con rồi vợ phải đi học đại học… Để thực hiện kế hoạch đó, bữa cơm của chúng tôi vẫn thường trực… cá khô; thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ là mua hoa hồng về kết bó, kết giỏ bán; nhận hàng may gia công về đơm nút, làm khuy… Cực khổ lắm mới kiếm được đồng tiền nhưng khi có bà con, bạn bè nào bị tai ương bệnh hoạn là anh lại dốc túi cho, chẳng chút ngại ngần. Tính anh hiền và tốt đến mức chẳng nghĩ gì cho mình.

Sau ngày cưới được năm năm, anh tốt nghiệp đại học, đi làm và dần có một chức vụ nho nhỏ trong công ty. Chúng tôi cũng đã có một đứa con nhưng vẫn chưa có nhà. Anh thường áy náy nhận thiếu sót: “Tại anh! Anh sẽ cố gắng. Nhưng dù mình chưa có nhà, em vẫn phải đi học”. Tháng Bảy rồi, tôi đã ghi danh học đại học hệ đào tạo từ xa. Cầm tờ biên lai đóng học phí của tôi, anh cười sung sướng nói: “Hai đứa mình rất… xứng đôi”. Tôi lườm anh: “Anh là cá khô, vậy em là cá gì cho xứng đây?”. Anh trả lời gọn hơ: “Thì cá hấp!". Lúc đó, tôi rất muốn nói với anh: "Cá khô ơi, cá hấp rất yêu anh", nhưng cứ ngại thế nào. Chợt nhớ, dường như hai đứa chúng tôi chưa hề nói với nhau một lời yêu.

Theo Phụ nữ TPHCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại