Thật ra, do rất kén người ăn nên phần lớn người nuôi ngỗng chỉ ấp trứng để nuôi con lấy thịt chứ ít nơi chuyên nuôi ngỗng đẻ để bán trứng. Hơn nữa ngỗng là loại gia cầm thường hay chết dịch hàng loạt nên không được nông dân ưa chuộng như các loại gia cầm khác. Cũng chính vì vậy mà trứng ngỗng ngày càng trở thành của hiếm trên thị trường.
Nhưng hiếm chứ không quý. Bởi trứng ngỗngcũng giống trứng vịt, thậm chí còn không được sạch bằng.
Về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng tuy giàu prôtein hơn trứng gà một chút (trứng ngỗng 13,5% còn trứng gà chỉ 12,5%) nhưng đổi lại lượng lipid cao hơn (trứng ngỗng 13,2%, trứng gà 11,6%). Hàm lượng các vitamin của trứng ngỗng cũng thua trứng gà.
Đặc biệt vitamin A, rất cần cho phụ nữ có thai, ở trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng đã có lời khuyên, thay vì cố ăn trứng ngỗng một cách không thích thú, các bà bầu nên sử dụng trứng gà.
Đừng ăn quá nhiều để rồi mang họa
Cần khẳng định ngay rằng, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào khẳng định khi mang thai nếu ăn trứng ngỗng thì con thông minh, khoẻ mạnh hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác. Quan niệm ăn bảy trứng sẽ sinh con trai, chín trứng sinh con gái cũng là không có cơ sở khoa học. Không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa trứng ngỗng với sự hình thành giới tính và phát triển trí thông minh của trẻ.
Trên thực tế, nếu mẹ ăn uống đủ chất thì con sinh ra sẽ khoẻ mạnh, trí thông minh được phát huy tối đa. Để có đủ chất, người mẹ nên ăn uống đa dạng, trong đó trứng cũng là thực phẩm quan trọng.
Theo Eva