Ai bảo lấy chồng Tây là lai căng, mất gốc?

lenhi |

Tôi không bao giờ nghĩ đàn ông Việt kém cỏi hơn đàn ông nước ngoài ở bất cứ điểm nào.

Đơn giản, xã hội nào mà không có loại đàn ông ăn ở thất đức, bạc tình phai nghĩa, mặn nồng thuở mới lấy về rồi dần dà chán vợ chán con? Có điều báo chí và truyền thông các nước chẳng dại gì mà lôi những hình ảnh không đẹp của văn hóa nước họ khoe ra với thế giới mà thôi.

Cách đây lâu rồi, tôi từng nhận trả lời mấy câu hỏi phỏng vấn cho một bài báo nhỏ về chủ đề yêu người nước ngoài. Sau khi bài báo đó được xuất bản lên mạng, tôi hơi phật lòng chút xíu. Một là vì tiêu đề của bài báo hơi đi lạc với ý tưởng của tôi khi tôi kể câu chuyện của mình. Hai là câu chuyện minh họa của tôi dường như lại rất ăn nhập với ý tưởng của bài báo ấy, tình cờ ngẫu nhiên không? Nhưng rồi tôi nghĩ,có lẽ đầu đề như vậy thì mới thu hút được người đọc, và bản chất của hai vấn đề (quan điểm của bài báo và quan điểm của tôi) cũng có những điểm chung nhất định. Hơn nữa chả ai biết đấy là mình, nên tôi cũng chẳng quan tâm.

Nhưng dù mẹ tôi không biết, bạn bè tôi không biết, chẳng ai biết, thì bản thân tôi vẫn biết và suy nghĩ về nó. Thế nên tôi cứ băn khoăn vất vưởng mãi.Trước khi bắt đầu cái tâm sự dài dòng này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, là tôi không muốn đề cập đến những tình yêu mộng tưởng ảo ảnh về vật chất, những cô gái Việt Nam sang Hàn bị lột truồng xếp hàng đợi kén vợ, hay những cô gái ngây thơ, đôi khi vì hoàn cảnh, muốn lấy chồng ngoại để đổi đời rồi bị những tên râu xanh cậy có tiền mà đi “mua vợ” và rút cục cuộc đời lâm vào bi kịch chỉ vì kém hiểu biết. Tôi đang nói đến những tình yêu thật sự và nghiêm túc khi người ta có cơ hội tìm hiều và đến với nhau.

Cách đây 3 năm, cô tôi có nói với tôi rằng, sang nước ngoài đừng có yêu chàng Tây nào. Một thầy giáo đáng kính cũng nói với tôi rằng, tôi không được dẫn chàng mũi lõ nào về giới thiệu với bố mẹ tôi cả. Cách đây 3 năm, tôi nghĩ chả đời nào mình sẽ yêu một người ngoại quốc, không cùng văn hóa, không cùng chữ nghĩa. Tôi nghĩ cái hồn của một dân tộc rất khó để hiểu được nếu không sinh ra và lớn lên ở dân tộc ấy. Cái hồn Việt Nam còn khó hơn rất nhiều, vì người Việt bản chất rất lắt léo và phức tạp từ suy nghĩ đến lối sống.

Cũng vì thế nên người mình thường sống rất tình cảm và thù cũng rất dai.Sống một mình ở cái đất nước được định nghĩa bằng chữ “tự do”, dần dần tôi mới nhận ra, cô tôi, và ông thầy giáo đáng kính, cũng như rất nhiều người Việt Nam khác, thật có phần ích kỷ.Tôi biết một người đàn bà cũng có con yêu một anh chàng người Trung Quốc, rồi họ lấy nhau, bà mẹ kia khóc hết nước mắt, đau khổ u uất vì “mất con”.Bất giác tôi nghĩ về người con gái kia.

Chị ta cảm thấy thế nào khi người sinh ra mình, nuôi nấng và yêu thương mình đâm ra khóc lóc và đau khổ khi con gái bà đã tìm thấy hạnh phúc và bến đỗ của cuộc đời? Vừa buồn, lại vừa buồn cười.Tôi không bao giờ nghĩ đàn ông Việt kém cỏi hơn đàn ông nước ngoài ở bất cứ điểm nào. Thật sự đàn ông Việt Nam không hề thiếu những người gallant, thông minh, lịch thiệp và biết thông cảm với người phụ nữ mình yêu. Họ có thể hy sinh rất nhiều thứ để đem lại hạnh phúc cho tình yêu của đời mình.

Họ là những người đàn ông biết dắt xe vào nhà cho vợ, biết nấu cơm rửa bát khi vợ mệt mỏi, biết chăm con khi vợ đi công tác, biết đem đến cho vợ những niềm vui bất ngờ nho nhỏ và đáng yêu, biết bỏ qua những thú vui nhậu nhẹt với bạn bè để về với vợ con. Nhưng vấn đề là tôi không muốn so sánh 2 thể loại đàn ông.Sai lầm cơ bản của người ta khi phê phán (hay ủng hộ) những người phụ nữ chọn cho mình 1 tình yêu ngoại quốc là so sánh đàn ông Việt Nam với đàn ông nước ngoài. Tôi cũng đã từng so sánh như vậy, nhưng rồi tôi nhận ra, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự so sánh ấy cũng là khập khiễng và thiếu khách quan.Bài báo nhỏ đó có đề cập rằng nhiều phụ nữ Việt Nam thà ở vậy còn hơn lấy đàn ông Việt.

Nếu có người phụ nữ nào tuyên bố cô ta thà sống độc thân đến hết đời còn hơn lấy đàn ông Việt, tôi sẽ cho là cô ta hoặc là đã có rất nhiều quá khứ đau lòng trong chuyện tình cảm, hai là không hề suy nghĩ một cách nghiêm túc và chín chắn, nếu ko muốn nói là có phần thiển cận.Có lẽ vì nợ với bản thân, không muốn đánh đồng mình với những người phụ nữ đó, nên tôi cứ băn khoăn về bài viết đó mãi, dù nó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cho lắm.Quan điểm của tôi về chuyện này thực sự vô cùng đơn giản. Đó là họ, những cặp đôi Việt-Tây, yêu nhau là vì họ yêu nhau.

Một cô gái Việt bỗng nhiên gặp được một người mà mình toàn tâm toàn ý, một người ngọt ngào lại đáng yêu, lạnh lùng nhưng tình cảm, hoặc thông minh và hài hước, cô ta không còn quan niệm Việt hay Tây nữa, mà đơn giản là cô ấy muốn chia sẻ những khổ đau và hạnh phúc với người này, muốn được anh ta che chở và muốn được chăm sóc anh ta.Thế giới đang cố gắng từng ngày để xóa đi sự phân biệt chủng tộc, để con người ta sống với nhau hòa thuận và bình đẳng.

Phân biệt chủng tộc không hẳn phải là bạo lực máu xương. Nó có thể đơn giản là sự chụp mũ hay phán xét tính cách của một hay nhiều người vì màu da hay nguồn gốc của họ. Ngay cả ở cái đất nước đa chủng tộc này, con người ta cũng khó mà vứt đi những quan niệm cũ kỹ, dớ dẩn không đóng góp gì cho sự tiến bộ của nhân loại, rồi vì cái đầu óc không mở cửa được của mình mà vô tình làm tổn thương người khác.Tôi không đồng ý với những người Việt Nam phản đối việc phụ nữ nước mình lấy người nước ngoài vì những lý do trời ơi đất hỡi như “Việt Nam thiếu gì đàn ông mà phải yêu người nước ngoài”, “Lấy Tây vì tiền”, “Đàn ông Tây làm sao hiểu phụ nữ Việt” hay những lý do thiển cận và thiếu cơ sở như vậy. Nếu chính những người đàn ông nói ra những điều này thì lại càng đáng trách.

Bởi hỡi ôi, cuộc đời có dài lắm đâu, liệu ai ai cũng có thời gian đi tìm hoài cho mình một người đàn ông Việt Nam hoàn hảo? Tôi thấy thương cho những người phụ nữ chỉ đơn giản là muốn đi theo hạnh phúc của đời mình mà sao quá khó khăn, vì chính sự ích kỷ của những người thân thiết nhất của mình.

Theo PhunuToday

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại