Từ đó bạn có thể hiểu chính xác những gì bạn sẽ phải vượt qua để “chữa lành” trái tim đã bị tổn thương của mình.
1. Tình yêu tan vỡ – bị từ chối
Khi một trong hai người không còn tình cảm với người kia, việc tất yếu sẽ là chia tay và dù muốn hay không thì người còn lại sẽ rơi vào tình huống là người bị từ chối tình cảm. Và lúc này sẽ là rất khó khăn cho người ở lại khi phải buộc lòng mình gọi người mà mình yêu thương là “người cũ”. Thậm chí đôi khi người ở lại còn tự dối lòng mình bằng cách lấp liếm hộ người ra đi những lý do không thực tế cho sự chia tay đó.
2. Níu kéo
Khi đã bị từ chối tình cảm, sau một vài ngày tự dày vò, đau khổ, khóc lóc... bạn thường có xu hướng tìm cách để hẹn gặp đối phương để mong có một cuộc trò chuyện với mục đích cố gắng níu kéo chuyện tình đã tan vỡ của mình. Bạn có thể vứt bỏ lòng tự trọng để có được một cuộc “đàm phán” theo cách của bạn với mong muốn hai bạn có thể trở lại mối quan hệ như xưa. Bạn có thể dùng biện pháp dọa dẫm như nhịn ăn, dọa tự tử nếu người ấy không quay trở lại... bất chấp điều đó có thay đổi được gì hay không bạn hầu như không cần bận tâm.
3. Đau khổ
Đây là cảm xúc khó khăn nhất mà bạn phải vượt qua trong giai đoạn “thất tình”. Bạn sẽ cảm thấy trái tim mình như tan vỡ, bạn không còn tin vào cuộc sống, không còn hy vọng vào tương lai và thậm chí bạn không còn tin tưởng rằng mình có thể yêu được một ai khác, bạn cảm thấy mình là người bất hạnh nhất thế gian, bạn chán ghét cuộc sống và hoảng sợ khi người đàn ông khác có ý đồ tán tỉnh bạn.
4. Tự buộc tội mình
Khi bạn đã cố gắng níu kéo, cố gắng để anh ấy có thể quay trở về bên bạn nhưng mọi nỗ lực của bạn đều bất thành. Điều này khiến cho bạn thấy mọi tội lỗi đều từ phía bạn mà ra, vì bạn mà anh chàng đó không cảm thấy hạnh phúc, vì bạn mà anh ấy cảm thấy chán nản, vì bạn không nỗ lực hết mình nên đã không giữ được trái tim anh ấy... Bạn sẽ tìm đủ mọi chứng cứ để buộc tội bản thân mình mặc dù trên thực tế không phải như vậy và không phải bạn cứ bi lụy nhận mọi trách nhiệm thì mọi chuyện có thể thay đổi.
5. Uất ức, trầm cảm
Bạn sẽ cảm thấy chán nản, uất ức xâm chiếm toàn bộ tâm trí mình. Bạn thậm chí có thể vùi mình trong một “núi” đồ ăn chỉ để quên được anh ấy. Tuy nhiên khi bạn càng cố quên, cố gạt bỏ hình ảnh của người cũ thì bạn lại càng nhớ nhung và khổ sở.
6. Tức giận
Sau khi bạn thoát khỏi cảm giác u uất, trầm cảm, thì toàn thân bạn như bị căng ra bởi sự tức giận. Bạn sẽ sẵn sàng nổi điên nếu có ai đó làm điều gì khiến bạn không hài lòng hoặc đối với bạn những người xung quanh đều gây cho bạn cảm giác “chướng tai, gai mắt”, khó chịu... Đó là những cảm xúc tự nhiên và bạn cần phải vượt qua nó.
7. Chấp nhận
Sau một thời gian dài vật vã với mối tình đã qua, cuối cùng, bạn sẽ cân bằng được cảm xúc, bạn thường cho rằng mình sẽ không sống nổi khi không có anh ấy bên cạnh nhưng sau tất cả bạn vẫn tồn tại khỏe mạnh, thậm chí có nhiều thứ thay đổi theo chiều hướng tích cực trong cuộc sống của bạn kể từ khi anh ấy chia tay với bạn. Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra và chấp nhận thực tế đó. Tuy nhiên để lấy lại thăng bằng trong cuộc sống cũng phụ thuộc vào bản lĩnh và cách nhìn nhận để vượt qua cảm giác chia tay của bạn!
8. “Vết thương” tình ái bắt đầu lành lại
Khi bạn đã biết chấp nhận, có nghĩa là “vết thương” trong trái tim bạn đã bắt đầu lành lại. Thời gian này là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu hẹn hò trở lại. Nếu bạn cảm thấy chưa sẵn sàng hẹn hò ngay lập tức thì bạn thường sử dụng mọi khoảng thời gian để thưởng thức mọi thú vui trong cuộc sống của bạn. “Vết thương” chuyện tình tan vỡ có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để lành lặn trở lại, tất cả phụ thuộc vào sự sâu sắc của mối quan hệ đó.
Theo AWT/Afamily