Cũng may, bố mẹ chồng thương và thông cảm cho tính nết thẳng thắn, đôi khi có phần bỗ bã của nàng dâu trưởng, thậm chí, ông bà cụ còn quý cái nết thật thà ở tôi. Gần chục năm về làm dâu, ở chung nhà với bố mẹ chồng, cuộc sống gia đình luôn rộn rã, tươi vui. Chưa bao giờ vì chuyện nọ, chuyện kia mà xảy ra xích mích, cãi cọ.
Bố mẹ chồng tôi là giáo viên về hưu. Hai cụ sống cần kiệm, giản dị, thanh bạch và mang cốt cách của những nhà giáo mẫu mực. Chúng tôi chung sống theo nếp cũ trong ngôi nhà hai tầng kiểu Pháp cổ, xây dựng từ ngày xưa và được tân tạo thêm mỗi năm. Bố mẹ vẫn thường chỉnh sửa lời ăn tiếng nói cho tôi, trong những lần tôi lơ đãng mà không nghĩ ngợi trước khi “phát ngôn”.
Bố mẹ thông cảm nàng dâu trưởng ít học, sinh ra trong gia đình thuần nông nên đôi khi lời ăn tiếng nói kém chau chuốt, so với những cô gái sinh trưởng trong gia đình gia giáo khác.
Bố mẹ chồng tôi là giáo viên về hưu. Hai cụ sống cần kiệm, giản dị, thanh bạch và mang cốt cách của những nhà giáo mẫu mực. (ảnh minh họa)
Em trai chồng tôi cũng sống chung nhà với bố mẹ, tức là chung sống cùng vợ chồng tôi luôn. Chú hai mới lập gia đình. Hai vợ chồng chú ấy được bố mẹ thu xếp cho ở căn phòng nhỏ, sát phòng của hai vợ chồng tôi. Thú thực, nghe thấy vậy bụng tôi kém vui.
Anh em dù yêu thương, hòa thuận nhau bằng mấy, nhưng có gia đình vào, mỗi người một cuộc sống riêng, không tránh khỏi những va chạm thường nhật, chưa nói tới hoàn cảnh của chúng tôi, ăn chung mâm, ở chung nhà như thế này. Nhưng ý bố mẹ đã quyết, chúng tôi chỉ biết răm rắp nghe lời.
Vợ chú hai kém tôi 9 tuổi. Thím ấy là giáo viên dạy cấp 3, tính tình khéo léo, nhu mì, tháo vát. Mà quả thím ấy ngoan ngoãn lắm, đi thưa về gửi chu đáo không chỉ với bố mẹ chồng mà cả với anh chị chồng. Nhưng, có điều, trước đây, mình tôi là dâu, bố mẹ chẳng có ai để so sánh, nay thím ấy về làm dâu, vô hình chung tôi bị đem ra so sánh với thím ấy về mọi thứ, mặc dù có thể trong bụng hai cụ không hề có ý niệm.
Tôi vẫn như xưa, nói năng bỗ bã, đôi khi làm mếch lòng bố mẹ, trong khi thím ấy khéo ăn khéo nói, giỏi ngoại giao, lúc nào cũng khiến bố mẹ mát lòng mát dạ, quý mến như cục vàng.
Lợi thế của thím ấy là giáo viên dạy bộ môn văn học của một trường Trung học, đúng chuyên ngành của mẹ chồng trước đây. Họ có thể ngồi hàng giờ đọc và bình luận về một bài thơ, một truyện ngắn, thậm chí, cả những bài viết được đăng trên báo cùng nhau. Mấy lần đi làm về, đang lúi húi cất xe vào sân sau, tôi nghe tiếng cười vọng ra từ phòng mẹ chồng. Tôi chưa từng thấy bà cười sảng khoái, thích thú như thế.
Trong bữa cơm, mẹ kể chuyện cho bố nghe, hai cụ cười thích thú trước những lời phân tích bình luận sắc sảo, thông minh của nàng dâu thứ. Chồng tôi cũng không ngớt lời khen ngợi thím hai tài giỏi, làm tôi ăn cơm mà cục nghẹn chặn ngang cổ họng không thể nuốt trôi. Chẳng gì, thím ấy cũng được ăn được học đến nơi đến chốn, ắt phải hơn kẻ quê mùa, thô kệch như tôi chứ.
Dù bố mẹ luôn nói họ đối xử công bằng với hai anh em và hai nàng dâu, nhưng từ khi thím ấy về, rõ ràng hai cụ tỏ ra quý mến, yêu chiều thím ấy hơn hẳn. Có câu chuyện nào đó vui vẻ, dí dỏm mẹ chồng nhặt nhạnh được từ nhà ra ngõ, hay có món gì đó ngon nhất định phải đợi thím hai tan giờ đứng lớp, trở về nhà mới kể cho cả nhà cùng nghe. Không biết từ lúc nào, thím ấy trở thành nhân vật chính trong gia đình của tôi.
Bố mẹ chồng yêu mến, cưng chiều, chồng dịu dàng, tâm lý và tỏ ra hết sức hãnh diện về vợ, chẳng còn gì tuyệt vời bằng.
Còn tôi, nàng dâu trưởng gánh vác đủ việc nhà chồng, chỉ vì không biết giữ mồm, giữ miệng, nên đôi khi làm bố mẹ chồng phật ý. Sự đố kị như ngọn lửa âm ỉ trong con người tôi, phủ lên tôi những nghi ngờ, ghen tức nhỏ nhen, vô lối. Tôi không ngờ có lúc mình đổi thay.
Lần mừng thọ mẹ chồng, tự tôi đi tìm mua tặng mẹ chiếc khăn gấm thêu phượng. Mở món quà dâu trưởng tặng, mẹ tấm tắc khen con dâu khéo chọn, sắc màu, chất liệu, tất cả đều khiến mẹ ưng ý. Đến lượt nàng dâu thứ, cô lôi từ đâu ra cuốn sách cũ mèm, ố vàng làm quà biếu mẹ.
Mỗi lần khách khứa tới chơi, bố mẹ đều không ngớt lời khen ngợi em dâu. (ảnh minh họa)
Thím bảo rằng sách mới bày bán tràn lan trên thị thường, nhưng cầm tận tay cuốn sách từ ngày xưa còn lại, giá chỉ vài đồng vừa thấy giá trị bất biến của sách, của tri thức trong sự biến thiên của lịch sử. Mẹ tỏ ra cực kỳ hài lòng với món quà đậm ý nghĩa tinh thần của thím hai. Còn tôi, nỗi hậm hực, ghen tỵ bập bùng từ khoảnh khắc đó.
Có gì ấm ức tôi chỉ dám rỉ tai chồng, hòng tìm ở anh một sự đồng cảm, thấu hiểu. Tôi cho rằng, thím ấy là một phụ nữ đáo để, cậy nhiều chữ nên nhiều lần làm tôi mất mặt trước bố mẹ chồng, ví như món quà mừng thọ biếu mẹ hôm trước. Bề ngoài thím ấy thơn thớt nói cười, nhưng bên trong chẳng thể dám chắc đang nghĩ điều gì.
Cơn buồn ngủ ập đến làm chồng tôi lơ đãng, anh qua quýt kêu tôi chấp vặt, “ôm rơm rặm bụng” rồi thiếp đi, bỏ mặc người vợ đơn độc tức tối trong mớ so sánh hỗn độn với người em dâu. Tôi bực chồng vô tâm, giận em dâu giỏi che mắt bố mẹ.
Mỗi lần khách khứa tới chơi, bố mẹ đều không ngớt lời khen ngợi em dâu. Câu cửa miệng của mẹ chồng: “Con bé ngoan lắm, lại biết ý biết tứ, chẳng bao giờ làm bố mẹ phiền lòng. Cũng may có nó mà thằng Nam (tức chú hai) yên ổn, tu chí làm ăn”. Ông bà tỏ ra vô cùng hãnh diện. Nhà chồng là trưởng họ, thành thử ngày lễ, giỗ chạp họ hàng cô chú đều tụ họp vào đây.
Những lúc thế này, vai trò của dâu trưởng mới thực sự được khẳng định. Mẹ chồng già yếu, từ khi tôi về làm dâu, mẹ đã giao cho tôi toàn quyền quán xuyến, lo liệu việc nhà. Mệt thì có mệt, song không thể phủ nhận bản thân cảm thấy tự hào.
Lần giỗ lần này là lần đầu tiên thím hai tham dự kể từ khi về làm dâu, cũng là một dịp để mẹ xem xét mức độ phối hợp ăn ý của hai cô con dâu. Dĩ nhiên, tôi vẫn được mẹ giao quyền lo liệu cỗ bàn, phụ trách mời khách, chỉ đạo phần hậu cần, còn thím hai được mẹ gọi bằng cái tên trìu mến “cô trợ lý xinh đẹp”.
Tôi nghe nóng mặt, nhưng bụng bảo dạ tự nhủ đây là cơ hội tốt để thể hiện bản thân, khẳng định chỗ đứng không thể thay thế trong gia đình nhà chồng.
Vẫn như thường lệ, trước ngày giỗ, đại gia đình chúng tôi sẽ họp bàn để thống nhất số lượng khách mời và bàn tiệc. Tôi đứng ra thống kê danh sách và tổ chức tiệc, mẹ ngồi gật gù tỏ ý hài lòng về nàng dâu đảm đang, tháo vát lắm. Nhưng khi tôi vừa dứt lời, thím hai đã xin phép mẹ và anh chị đổi một vài món trong thực đơn chính.
Bấy lâu nay tôi đã hiểu lầm thím ấy. Một con người tốt và nhân hậu bị tôi phủ mờ bằng những nghi kị, ghen tức vô lối. (ảnh minh họa)
Thím ấy bảo đổi món vừa lạ miệng, lịch sự lại tiết kiệm chi phí. Thím nói tới đâu, mẹ chồng tôi mỉm cười, các nếp nhăn trên hai khóe mắt dãn ra, đôi mắt bừng sáng, bà tỏ ý vô cùng hài lòng. Kết thúc buổi họp, mẹ không ngớt lời khen hai chị em dâu chúng tôi biết đoàn kết, phối hợp ăn ý trong khâu tổ chức hậu cần.
Mẹ khen nhưng trái với cảm xúc vui vẻ, tự hào đáng lẽ phải có, tôi thấy như bị dội nước lạnh vào đầu. Tất cả bởi thím hai. Thím ấy thể hiện bản thân trước đủ mọi thành viên trong gia đình, chẳng khác nào hạ nhục tôi nhằm khiến vị trí dâu trưởng của tôi lung lay trong mắt mọi người.
Quả có đúng, cô, chú tôi đều tấm tắc khen thím với mẹ chồng về một nàng dâu đảm đang, có đầu óc quán xuyến, thông minh lại rất dịu dàng. Hôm ấy, tôi đã bỏ về phòng khóc một mình trong nỗi ấm ức không sao giải tỏa được.
Cả nhà dự tiệc, mẹ chồng tôi ngắt lời tuyên bố một tin vô cùng quan trọng. Thím hai đã mang bầu được hơn hai tháng. Anh chị em vỗ tay rào rào, ai nấy hớn hở chúc mừng vợ chồng thím ấy. Tôi lúi húi nấu nướng trong bếp, chợt nhớ cậu con trai 5 tuổi không biết quanh quẩn chạy đi đâu. Thằng bé vốn hiếu động, nghịch ngợm, chẳng mấy khi để chân tay yên một chỗ.
Chợt mọi người xôn xao hướng về phía sân chính, thím hai ướt sũng bế trên tay đứa trẻ nhỏ chính là thằng Tí nhà tôi. Thím ấy hổn hển: “Em chạy qua ao, thấy có đứa bé đang “giã gạo”, nhảy xuống lôi lên, không ngờ lại là cu Tí nhà mình”. Thím bế cu Tí về được đến nhà, cũng là lúc thím hai gục xuống sân, toàn thân nhợt nhạt, đôi môi tím ngắt vì lạnh.
Rất may, thím hai chỉ bị động thai vì tốn lực nhảy xuống ao cứu cu Tí nhà tôi, còn cái thai trong bụng thím qua cơn chấn động vẫn bình yên trong lòng mẹ nó. Câu đầu tiên khi tỉnh dậy, thím hỏi: “Cu Tí có làm sao không chị?”, tôi nghe mà rớt nước mắt.
Bấy lâu nay tôi đã hiểu lầm thím ấy. Một con người tốt và nhân hậu bị tôi phủ mờ bằng những nghi kị, ghen tức vô lối. Lòng tốt vô vị lợi và tuyệt đối thuần khiết bị tôi bóp méo và đưa đẩy vào cái nhìn lệch lạc. Tôi đã sai. Tôi nắm tay thím hai, rưng rưng khóc. Mẹ chồng tôi tới thăm nàng dâu, bà nhìn hai chị em tôi, bà cũng sụt sùi cảm động.
Bố mẹ chồng chúng tôi thông báo đã mua cho vợ chồng thím hai một ngôi nhà nhỏ trên thị trấn để vợ chồng chú ấy an cư và lạc nghiệp. Cũng cần tạo dựng một cuộc sống riêng.
Ngày vợ chồng thím ấy dọn nhà chuyển đi, cả tôi và thím hai, chẳng ai bảo ai, cứ bịn rịn, rơm rớm chẳng muốn cách xa chút nào. Đến lúc chia xa, tôi mới nhận ra, tôi yêu quý và trân trọng thím ấy nhiều hơn những gì tôi nghĩ…
Theo Dạ Miên
Đang yêu