Tỷ lệ nhân lực làm R&D trên dân số của Việt Nam còn thấp
Cách đây 1 năm, trong khuôn khổ Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững, Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn từng đưa ra các lý do vì sao Samsung Việt Nam không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, ông Tuấn cho rằng, tính cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm thể hiện ở giá thành của từng thiết bị nhỏ. Nếu như nhà cung cấp đạt được chất lượng và giá thành cung cấp ổn định thì không lý gì Samsung lại không mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam.
"Đây là môi trường mở, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng và cạnh tranh bình đẳng. Không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp Nhật Bản hay doanh nghiệp Việt Nam", đại diện Samsung nói.
Theo đó, để trở thành nhà cung cấp cho Samsung, bên cạnh các vấn đề như quản lý chất lượng, thì ông Tuấn cho rằng do sản xuất linh kiện cho Samsung (phần lớn là điện thoại và linh kiện trên điện thoại) ngày càng tinh vi, ngày càng nhỏ, nên phải thay đổi theo chu kỳ 6 tháng một lần.
"Chính vì vậy, việc thay đổi dây chuyền, thay đổi công nghệ đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn, chỉ có thể làm được khi có rất nhiều vốn. Mà có khi, lúc có nhiều vốn thì doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ, chứ cũng chẳng đầu tư vào sản xuất làm gì cho mất thời gian", ông Tuấn phát biểu.
Ngoài ra, ông Tuấn cho hay, các doanh nghiệp, đối tác Samsung Việt Nam cần tập trung trong những mảng khác, ví dụ như nghiên cứu và phát triển (R&D). Ở Việt Nam, doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển rất thấp. Trung bình chỉ 0,2-0,3% trên doanh thu. Samsung lại đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.
"Cùng một con ốc, ngày hôm nay các anh bán 1 đồng, thì sang năm sau các anh bán con ốc đó chỉ 0,8 đồng hoặc thấp hơn. Hoặc anh có thể bán con ốc với chất lượng tốt hơn nhưng bằng giá. Đó là yêu cầu. Nếu như không có R&D thì không bao giờ làm được việc đó", ông lý giải.
Thực tế, theo nghiên cứu do Bộ KH&CN và Tổ chức SIRO’s Data61 của Australia hợp tác tiến hành, so với mức đầu tư trung bình của các nước khu vực và quốc tế, mức đầu tư cho R&D của Việt Nam còn khá thấp. Năm 2019, ngân sách cho R&D tại Việt Nam bằng 0,53% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng (chỉ có Indonesia và Philippines là có cường độ R&D thấp hơn).
Sự hạn chế của nguồn lực R&D thể hiện qua số lượng các nhà nghiên cứu tính trên một triệu dân.
Tỷ lệ nhân lực làm R&D trên dân số của Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia khác, tỷ lệ này chỉ tương đương 20% so với tỷ lệ trung bình của khu vực EU, tương đương 7,6% của Hàn Quốc, tương đương 29,8% của Malaysia, tương đương 58% của Thái Lan. Nguồn nhân lực R&D của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực nhà nước (84,13%), trong khi khu vực ngoài nhà nước chiếm 13,8%.
Nhìn sang tốc độ phát triển R&D của Hàn Quốc
Liên quan đến hướng phát triển cho R&D tại Việt Nam, nghiên cứu chung của Bộ KH&CN Việt Nam và Tổ chức SIRO’s Data61 cũng đặt vấn đề: Việt Nam và Hàn Quốc cùng có một xuất phát điểm là đi lên từ một nước thuần nông nghiệp, vậy làm thế nào để Việt Nam có thể nhanh chóng bứt phá, bắt kịp với Hàn Quốc?
Báo cáo nêu, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình của việc "bắt kịp" thành công nhờ cường độ đầu tư cho R&D. Trong những năm 1980 và 1990, đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nước đang phát triển với sản xuất lao động giá rẻ, Hàn Quốc chuyển trọng tâm sang phát triển và áp dụng các công nghệ mức trung bình trên tất cả các lĩnh vực.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động R&D của riêng họ. Đầu tư cho R&D tăng vọt từ 28,6 triệu USD năm 1971 lên 4,7 tỷ USD vào năm 1990 và lên 12,2 tỷ USD vào năm 2000. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu cho R&D trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình hằng năm trong giai đoạn 1981-1991 ở Hàn Quốc là 24,2%/năm.
Nhóm nghiên cứu mô phỏng tác động của chi tiêu cho R&D đối với nền kinh tế Việt Nam, với giả định rằng Việt Nam đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc và tốc độ tăng trưởng chi cho R&D trung bình là 24,5%/năm trong 10 năm tới, cho đến năm 2030.
Sự gia tăng chi tiêu cho R&D cũng có tác động đến sự gia tăng tiêu dùng và đầu tư, chủ yếu là do thu nhập của lao động có kỹ năng và lao động phổ thông có sự gia tăng. Trong đó, mức tăng tiêu dùng và đầu tư thu được từ đầu tư R&D lần lượt chiếm 20,2% và 11% tổng tiêu dùng và đầu tư vào năm 2045.
Nếu Việt Nam đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc thì tác động sẽ tăng cao hơn. Đầu tư cho R&D dự kiến sẽ đóng góp tới 15% tổng GDP dự báo vào năm 2045. Mức tăng tiềm năng trong tiêu dùng và đầu tư cũng cao hơn, lần lượt là 25,4% và 15%, so với 20,2% và 11% khi Việt Nam tăng đầu tư R&D theo mục tiêu của Bộ KH&CN.
Sự tăng nhiệt đầu tư R&D của doanh nghiệp Việt Nam
Thực tế cho thấy, dù trong bối cảnh COVID-19, các ông lớn công nghệ trên thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D như: Samsung xây dựng trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD, Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á...
Theo giới chuyên gia, đây là dấu hiệu tốt, nhưng cũng sẽ mang đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài đã có nhiều tiềm lực.
Song thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh đáng kể trong đầu tư R&D. Điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông…
Năm 2010, Viettel đã thành lập viện nghiên cứu riêng (Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel) theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới. Từ năm 2014, Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế, tương đương 2.500 tỷ đồng, đầu tư vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.
Trước đó, PVN cũng đã hợp tác với Bộ KH&CN chế tạo giàn khoan thế hệ mới phục vụ hoạt động khai thác dầu khí.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 64% vào R&D quốc gia. Tỷ lệ này ở Singapore là 52%, Hàn Quốc là 77% và Trung Quốc 77%. "Đây là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp chủ động tham gia R&D để nội địa hoá công nghệ nước ngoài và tăng cường đổi mới sáng tạo", báo cáo kết luận.