Yếu tố “mới” trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung

Kiều Anh |

Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung có gì giống và khác so với cuộc Chiến tranh Lạnh từng diễn ra trước đó và đâu là căn nguyên cho sự đối đầu giữa 2 nước?

Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Mỹ đang đẩy 2 nước đến "bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới" thì cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Trump thông báo rằng "cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu". Vậy Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra hay chưa và có yếu tố "mới" nào trong cuộc chiến này so với Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô từng diễn ra trước đó?

Yếu tố “mới” trong cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Trung

Theo nhà phân tích Richard Fontaine - Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh Mỹ mới và Ely Ratner - cựu phó chủ tịch điều hành trung tâm này nhận định trên Washinton Post, trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc dường như có xu hướng rơi vào kịch bản của Chiến tranh Lạnh khi 2 nước lớn này hiện đang cạnh tranh gay gắt với nhau về địa chính trị, quân sự và hệ tư tưởng.

Hai bên cũng tranh giành đồng minh và tầm ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc đều muốn tránh rơi vào một cuộc chiến tranh nóng mang tính hủy diệt nhưng cả hai lại không sẵn sàng nhượng bộ nhau hay thừa nhận tầm ảnh hưởng của đối phương. Cuộc cạnh tranh giữa 2 nước cũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực một cách đồng thời và không có điểm kết thúc. Tất cả những đặc điểm trên dường như khá giống với cuộc Chiến tranh Lạnh từng diễn ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô, cạnh tranh Mỹ - Trung ngày nay có nhiều đặc điểm đa dạng và khác biệt hơn. Liên Xô và phương Tây hình thành nên những khối liên minh đối trọng với nhau, chẳng hạn như khối Warsaw và NATO. Các quốc gia không thuộc phe nào tại những khu vực chiến lược tương đối ít, trong khi không gian cạnh tranh là các cuộc chiến ủy nhiệm. Bên cạnh đó, hầu như có rất ít các hoạt động về kinh tế diễn ra giữa 2 khối.

Rõ ràng, gần như không có đặc điểm nào trong số các đặc điểm trên thể hiện trong trật tự thế giới hiện nay. Trung Quốc thiếu các yếu tố để có thể đại diện cho "Khối Phương Đông", trong khi mạng lưới liên minh của Mỹ tập trung vào quân sự chứ không phải kinh tế. Trên thực tế, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ cũng chính là đối thủ chính trị lớn nhất của quốc gia này. Các đồng minh của Mỹ cũng chưa sẵn sàng để tham gia vào một cuộc đối đầu toàn diện với Bắc Kinh và gần như bất kỳ nước nào cũng muốn tận dụng những lợi ích về kinh tế cũng như an ninh từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Rõ ràng việc phát động thành lập một liên minh quân sự chống Trung Quốc như chính sách thời Chiến tranh Lạnh hay một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện với Bắc Kinh là không phù hợp bởi chiến lược này sẽ không thể thành công, nhất là khi lợi ích các nước đan xen và ràng buộc mật thiết với nhau.

Thay vì biểu hiện như một sự lặp lại của Chiến tranh Lạnh, một kiểu cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang xuất hiện. Các tham vọng của Bắc Kinh đang gia tăng trên toàn cầu và ngày càng xung đột với Mỹ, trong khi Washington cần có một hướng tiếp cận mới nhằm thích ứng với thực tế hiện nay.

Chuyên gia Alan Dupont thuộc tổ chức tham vấn rủi ro chuyên phân tích về các vấn đề địa chính trị, tài chính và an ninh quốc gia Cognoscenti Group cho rằng, cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay "không giống như cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên bởi khía cạnh đối đầu chủ yếu giữa Mỹ và Liên Xô là địa chính trị”. Vào thời điểm đó, “cả 2 hệ thống cùng với các quốc gia đi theo mỗi bên không có nhiều vấn đề về quan điểm thương mại và tài chính".

“Đó là lý do tại sao tôi cho rằng những chia rẽ trong cuộc xung đột này - cuộc đối đầu ngày càng tồi tệ hơn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có nguy cơ trở nên rất nghiêm trọng", chuyên gia này đánh giá.

“Chương tăm tối nhất trong quan hệ 2 nước”

Theo các chuyên gia phân tích chính trị, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở nên tồi tệ hơn giữa bối cảnh 2 nước đều thể hiện rằng họ sẵn sàng đối đầu với nhau theo nhiều cách.

"Có quá nhiều rủi ro gây leo thang căng thẳng. Tôi cho rằng, hiện nay khá rõ ràng là chúng ta đang ở trong chương tăm tối nhất của quan hệ Mỹ - Trung", Todd Mariano, giám đốc Eurasia Group nhận định với CNBC trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 2/7.

Trong những năm qua, những tranh cãi giữa 2 quốc gia tập trung vào bất bình đẳng thương mạnh và cạnh tranh về công nghệ, những vấn đề làm nổ ra cuộc chiến thuế quan đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu.

Ông Wang Jisi, Chủ tịch Viện Nghiên quốc Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định: "Mọi người thường so sánh mối quan hệ Mỹ - Trung ngày nay với mối quan hệ Liên Xô - Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo quan điểm của tôi, quan hệ Mỹ - Trung ngày nay thậm chí còn tồi tệ hơn mối quan hệ Liên Xô - Mỹ bởi tình trạng căng thẳng Liên Xô - Mỹ ít nhất vẫn ở trạng thái "lạnh", bất chấp một số khoảnh khắc "nóng", chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962".

Ông cũng chỉ ra rằng mối quan hệ này "hiện đang trải qua sự chia rẽ mạnh mẽ" sau "4 thập kỷ" hai bên thúc đẩy sự hợp tác kinh tế.

Chuyên gia Trung Quốc này đánh giá: "Một câu hỏi đặt ra là đối đầu Trung - Mỹ kéo dài và gây tổn thất với cả 2 bên như thế nào so với cuộc cạnh tranh Liên Xô - Mỹ? Ngoài ra, liệu một sự kiện bất ngờ nào đó trong căng thẳng Trung - Mỹ hiện nay có leo thang thành một cuộc đụng độ chết chóc hay không?"

Căn nguyên sự đối đầu Mỹ - Trung

Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Trước tiên, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều luôn ở trong tình trạng bất đồng với nhau trong nhiều vấn đề bởi mỗi bên đều coi đối phương là mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất của mình. Vì thế, việc hai nước dè chừng nhau, tăng cường vị thế để làm giảm khả năng đối phương đe dọa đến lợi ích cốt lõi của mình, luôn tìm cách đạt được lợi thế cũng như đảm bảo đối phương không chiếm ưu thế là một phần tất yếu trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ngay cả khi sự thay đổi bên trong Mỹ và Trung Quốc xảy ra thì điều này cũng không thể loại bỏ những đặc điểm trên, ít nhất là trong tương lai gần. Mỗi quốc gia đều nỗ lực tránh để mình rơi vào vị trí mà đối phương có thể đe dọa đến an ninh, sự thịnh vượng và các vấn đề nội bộ. Hơn nữa, bởi cả 2 nước đều không thể chắc chắn nước còn lại sẽ làm điều gì trong tương lai nên Mỹ và Trung Quốc đã chủ động cạnh tranh quyền lực và tầm ảnh hưởng trong một loạt vấn đề.

Theo Stephen M. Walt nhận định trên Foreign Policy, căn nguyên của sự đối đầu Mỹ - Trung hiện nay không xuất phát từ phong cách lãnh đạo, hệ tư tưởng hay kiểu chế độ mà liên quan nhiều hơn đến sự phân bố quyền lực và các chiến lược cụ thể mà 2 bên theo đuổi.

Mặc dù sự đối đầu Mỹ - Trung là thực tế không thể tránh khỏi và rõ ràng sẽ không sớm chấm dứt nhưng một điều không thể phủ nhận là cả 2 nước đều không muốn rơi vào những cuộc xung đột không cần thiết, cũng như tạo điều kiện tốt nhất có thể để hợp tác trong những vấn đề mà 2 bên có lợi ích đan xen, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hoặc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Một bên sẽ không thể loại bỏ mọi rủi ro xung đột, do đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải hiểu rõ về những “lằn ranh đỏ” của mình cũng như của đối phương để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trong tương lai./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại