Ngồi vào cái ô nhỏ bên cạnh là những đồng nghiệp nhỏ to đủ các cung bậc. Gõ gì trên màn hình cũng được cả tòa soạn biết, một môi trường như thế không dễ cho sáng tạo.
Lướt qua biển thông tin trên web, blog, facebook và twitter biết chọn gì cho mình, không quên "tờ báo nhỏ" của riêng mình là đưa gì lên để "cúng phây" lôi kéo friend, thêm followers.
Thời báo in chưa có internet người viết đọc vài tờ báo, đưa mẩu tin vài trăm chữ là bạn đọc vui rồi. Nay phải đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn - work more for less – nhưng độc giả không vừa lòng, vì họ có lựa chọn khác, đó là mạng xã hội.
Định "làm" vài tin nóng nhưng ngó vào mạng xã hội đã tràn ngập. Tin tức cần khác biệt và thời điểm, có người đưa rồi và thời điểm không còn, tin không còn giá trị.
Công cụ IT của các nhà báo không khác với so với blogger hay facebooker, đều có máy tính, smartphone, máy ảnh số. Blogger và facebooker xuất bản không cần phép trong khi tin của mình cần có TBT duyệt, TBT lại cân nhắc nhiều yếu tố khác. Vì thế, đừng hỏi tại sao khoảng cách giữa mạng xã hội và báo chí đang xa dần.
Báo in ra đời vào thế kỷ 19 tưởng rằng thống trị truyền thông. Nhưng tivi là báo hình đã làm cho báo in mất thế thống trị. Internet ra đời với công nghệ web đoán trước được cái chết của báo in. Chưa hết. Mạng xã hội ra đời, facebook, twitter tràn ngập, báo trước sự nguy khó của báo online và dần kết liễu báo in.
Một nửa dân Việt Nam có facebook, dân số 90 triệu nhưng có tới 120 triệu SIM với giá 50$/smartphone, từ bà bán hàng rong tới trẻ trâu Mù Cang Chải có thể mua và lướt net. Nguồn tin thì vô kể, hỏi sao những tờ báo chậm chân, quản lý cứng nhắc không ngắc ngoải mới lạ.
Năm 1981 tại hội nghị tin học toàn quốc, những nhà tin học Việt Nam cãi nhau nảy lửa, liệu rằng chiếc PC bé nhỏ trên bàn có thể thay thế được máy tính lớn chiếm cả một tầng không?. Ngày nay không ai nói về máy tính lớn nữa.
Smartphone ra đời lại thách thức tiếp PC với công nghệ 2G, 3G và giờ đây là 4G. Xem tin về công nghệ hôm nay, trên thế giới mỗi ngày có 200 ngàn PC được bán ra nhưng số smartphone được mua gần gấp 10 lần.
Tin tức online phải ngắn gọn và cần cho độc giả smartphone. Đó là thách thức khác không hề nhỏ đối với người viết.
Cách đây hai tháng (4-2017) một bài báo nhỏ của nhà báo nữ gây tiếng vang về vụ đất đai. Đọc kỹ thấy tin không có gì mới so với mạng xã hội đã đưa tràn ngập kể cả live stream, nhưng nó gây tiếng vang đó là tờ đầu tiên lên tiếng.
Bài báo lên trang có tới mấy chục ngàn like và gần 700 comments, có lẽ là một trong những bài viết được đọc nhiều nhất của tờ báo online lớn trong thời gian gần đây.
Thử vào mạng xã hội đọc một tin do một facebooker nữ trẻ hơn, viết ngắn nhưng đầy tin tức sẽ thấy số like không hề kém. Một sự kiện lớn thì số like của cô ấy là hàng trăm ngàn cho mỗi status. Số người follow (theo) đã gần nửa triệu.
Tất nhiên, báo chí sẽ khác biệt facebooker ở sự xác tín của thông tin (tính kiểm chứng), nhưng để trận địa tin nóng, tin ban đầu lọt vào tay mạng xã hội, báo chia đã đánh rơi nửa thế mạnh vốn có của mình.
Mạng xã hội đã trở thành nguồn tin quan trọng nhất của báo chí nhưng cũng trở thành vũ khí sát thương chí mạng đối với rất nhiều cơ quan báo chí không bắt kịp thời cuộc.
Thách thức báo chí thế kỷ 21 không chỉ đến từ những qui định của thời chưa có internet với não trạng quản trị tờ báo từ khi báo in ra đời, mà đến từ chính những người cầm bút không vượt qua chính mình trong thế giới IT biến động không ngừng. Đó là "kẻ thù" nguy hiểm nhất của nhà báo.
Thời @ vừa làm báo vừa coi facebook cá nhân, nếu không thấy số friend tăng trong khi followers giảm dần, người cầm bút nên chuẩn bị CV cho công việc khác là vừa.