Ngày 9-8, một nguồn tin cho biết ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng gửi Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc cán bộ, công chức tỉnh Bình Thuận đi nước ngoài theo thư mời, tài trợ của doanh nghiệp.
Theo đó, yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo về tình hình cử, quản lý cán bộ, công chức của tỉnh đi nước ngoài từ năm 2014 đến nay và việc thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 21-7-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tổ chức đoàn ra, đoàn vào trong thời gian qua.
Đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác đối ngoại của địa phương theo quy định hiện hành.
Cạnh đó, thường xuyên cập nhật cụ thể tình hình công tác nước ngoài của địa phương, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất biện pháp chấn chỉnh cần thiết.
Trước đó, sau khi báo chí phản ảnh về việc hàng chục cán bộ, quan chức của tỉnh Bình Thuận đi Nhật, CHLB Đức đều do Công ty Trường Phúc Hải (TP.HCM) tài trợ, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận báo cáo. Ngày 20-7, UBND tỉnh đã có báo cáo về việc này.
Được biết cuối tháng 5-2018, Công ty Trường Phúc Hải đã đài thọ và tổ chức cho đoàn cán bộ hơn 10 người của Thành ủy và UBND TP Phan Thiết đi Nhật Bản để “tiếp cận hạ tầng giao thông đô thị ở Nhật Bản”.
Tiếp đó, từ ngày 1 đến 15-7, nhiều giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành của tỉnh Bình Thuận cũng được Công ty Trường Phúc Hải đài thọ sang CHLB Đức để… “tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng ven biển”. Sau khi đoàn này về nước, sẽ có một đoàn khác cũng là các quan chức, cán bộ tỉnh Bình Thuận và cũng do công ty này đài thọ đến CHLB Đức để “tiếp cận công nghệ 4.0”.
Tuy nhiên sau đó, do báo chí phản ảnh, ngày 18-7, chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu dừng chuyến đi CHLB Đức đợt 2.
Việc Công ty Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải bỏ tiền ra đài thọ các chuyến đi nước ngoài cho công chức tỉnh Bình Thuận gây nhiều dư luận trái chiều.
Lý do, trước đó công ty này được UBND tỉnh Bình Thuận giao hơn 1,2 triệu m2 đất tại vị trí tuyệt đẹp ở TP Phan Thiết để làm dự án lấn biển Hamubay.
Dự án lấn biển, bố trí, sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long và xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) với tên gọi Hamubay Phan Thiết được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư vào năm 2017 với diện tích khoảng 1.229.024 m2, tổng vốn đầu tư 950 tỉ đồng.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, hiện công ty đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, thi công kè thôn Tiến Đức và đường giao thông, san lấp mặt bằng, đạt 15% khối lượng.
Mặc dù chưa tiến hành bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho người dân nhưng trước đó Công ty Trường Phúc Hải đã ký hợp đồng kinh tế, giao cho Công ty Đất Biển Vàng (Đà Nẵng) treo baner, rao bán đất nền trên mạng và tổ chức hội nghị giới thiệu mở bán rầm rộ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thu Sơn , Bí thư Thành ủy Phan Thiết, xác nhận có biết việc doanh nghiệp mời một số cán bộ ở TP Phan Thiết đi “Tiếp cận hạ tầng giao thông đô thị ở Nhật Bản”. “Đi tham quan thì nói tham quan, chứ có làm việc với cơ quan quản lý nhà nước của Nhật Bản nào đâu mà nói học tập, tiếp cận” - ông Sơn nói. Một nguồn tin cho biết tính từ năm 2014 đến 2018, có rất nhiều cán bộ, công chức của tỉnh Bình Thuận được một số doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh này tổ chức và đài thọ đi nước ngoài. Địa bàn mà các cán bộ, quan chức tỉnh Bình Thuận “đi tham quan, học tập” thường là các nước châu Âu hoặc Mỹ. |