Yakuza và chiếc vòi bạch tuộc trong làng giải trí Nhật Bản

Lê Công Vũ |

Khán giả theo dõi đêm chung kết Hoa hậu Quốc tế năm 2013 không khỏi bất ngờ khi thấy tân hoa hậu Bea Santiago nhận vương miện từ tay á hậu chứ không phải hoa hậu tiền nhiệm. Họ không biết rằng hoa hậu năm 2012, cô Ikumi Yoshimatsu, đã bị chính ban tổ chức cuộc thi cấm tham dự đêm chung kết.

Ikumi Yoshimatsu là một trong số ít những nghệ sỹ dám đứng lên nói thẳng về mối quan hệ giữa tội phạm có tổ chức và ngành giải trí.

Ikumi Yoshimatsu là một trong số ít những nghệ sỹ dám đứng lên nói thẳng về mối quan hệ giữa tội phạm có tổ chức và ngành giải trí.

Câu chuyện lại càng trở nên “nóng” hơn nữa sau một cuộc họp báo được cô Ikumi và luật sư tổ chức để làm rõ sự việc. Đây là lần đầu tiên mà giới báo chí quốc tế có cơ hội vén tấm màn bí mật để nhìn vào mạng lưới những mối quan hệ chằng chịt giữa ngành công nghiệp giải trí Nhật và tội phạm có tổ chức.

Cái bóng sau cánh gà

Tội phạm có tổ chức tại Nhật Bản có lịch sử kéo dài hơn bốn thế kỷ. Kể từ thời Mạc phủ Tokugawa đã có cả một giai cấp những người bề ngoài thì là dân hành khất, đánh đàn rong nhưng thật ra chuyên làm nghề ăn trộm, bảo kê, buôn lậu, v.v…

Thất bại của Đế chế Nhật trước quân Đồng minh trong Thế chiến II giống như “món quà trời ban” cho các đối tượng này. Chúng giàu lên nhanh chóng nhờ việc điều hành mạng lưới chợ đen. Để củng cố lực lượng và phân chia địa bàn hoạt động, các băng nhóm tội phạm có tổ chức tương tự như mafia dần hình thành dưới một tên gọi chung: Yakuza.

Nhà báo lão thành Jake Adelstein có kinh nghiệm 12 năm điều tra tội phạm cho nhật báo Yomiuri Shimbun, tờ báo lớn nhất nước Nhật. Kể cả khi đã rời khỏi Nhật Bản ông vẫn là một chuyên gia về thế giới ngầm tại đất nước mặt trời mọc.

Adelstein viết trên một số tờ báo nước ngoài nhân vụ việc hoa hậu Ikumi: “Yakuza là những “ông chủ” thật sự của ngành giải trí Nhật Bản. Hơn chục năm sau khi Thế chiến II kết thúc, các câu lạc bộ, quán bar, sàn nhảy mọc lên như nấm ở Nhật. Yakuza quản lý gần như tất cả những cơ sở này. Kể cả những cơ sở không do Yakuza sở hữu cũng phải nộp tiền bảo kê cho họ. Nhiều tay Yakuza từ chỗ làm ông chủ sàn nhảy, quán bar trở thành doanh nhân kinh doanh phim ảnh, băng đĩa,… Họ thường xuyên sử dụng tay chân để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh và chèn ép người lao động.”

Adelstein cho biết Yamaguchi-gumi, nhóm Yakuza lớn nhất Nhật Bản, khai trương một trường đào tạo ca sỹ và diễn viên mang tên Kobe Geinosha vào năm 1957. Tuy cơ sở này sớm bị cảnh sát buộc đóng cửa nhưng Yamaguchi-gumi và các nhóm Yakuza khác vẫn luôn tìm cách hiện diện trong ngành giải trí.

Ikuo Suho, người được gọi là “ông trùm của làng giải trí Nhật”, khởi đầu là một anh lái xe cho ông trùm Kouichi Hamada của băng đảng Inagawa-kai. Thông qua công ty quản lý nghệ sỹ Burning Productions của Ikuo Suho mà Inagawa-kai trở thành một “tay chơi” lớn trong ngành giải trí ở Nhật.

Ikuo Suho cũng có liên quan trực tiếp đến vụ scandal xoay quanh hoa hậu Ikumi Yoshimatsu. Chỉ một tuần sau khi Ikumi đăng quang, cô được đại diện của Burning Productions đưa đến gặp Ikuo. Ông ta tìm cách khiến Ikumi “đầu quân” cho công ty của mình bằng những lời đề nghị lương khủng và đưa cô đi tiếp xúc những “ông lớn” khác trong ngành công nghiệp giải trí.

Trong một cuộc gặp gỡ như thế, hoa hậu đã lọt vào “mắt xanh” của Genichi Taniguchi, thành viên hội đồng quản trị tập đoàn K-Dash. Ông ta đề nghị cô Ikumi quan hệ tình dục nhưng bị từ chối, từ đó nảy sinh mối thù giữa hai người.

Quyền lực của các công ty quản lý tài năng ở Nhật là vô cùng lớn. Không nghệ sỹ nào dám ra bất kỳ quyết định liên quan đến công việc của mình mà lại không được công ty quản lý đồng ý trước. Các phương tiện truyền thông phải tìm mọi cách để lấy lòng ông chủ của các công ty quản lý như Burning Production và K-Dash nếu muốn được làm ăn với nghệ sỹ.

Genichi Taniguchi sử dụng quyền lực của Ikuo Suo để buộc các đài truyền hình, hãng phim, công ty băng đĩa không được làm ăn với Ikumi. Cô vốn là một diễn viên, người mẫu nổi tiếng nhưng lại bị một loạt đối tác đơn phương cắt đứt hợp đồng.

Sự việc diễn ra công khai nhưng không một tờ báo nào dám điều tra cả. Theo lời của một phóng xin viên giấu tên: “Ai cũng sợ Ikuo Suo như sợ ông ba bị. Ai cũng biết là Ikuo Suo và Genichi Taniguchi rất thân với nhau… Không toà soạn nào muốn đứng về phe cô hoa hậu cả vì sợ bị Ikuo Suo trả thù”.

Hiểu rằng không thể tiếp tục mong chờ vào các phương tiện truyền thông, hoa hậu Ikumi đã tự mình đứng lên nói ra sự thật. Sự ủng hộ mà công chúng Nhật dành cho cô khó mà đong đếm hết được.

Nhờ vào sự dũng cảm của Ikumi, cả một phong trào chống quấy rối phụ nữ mang tên STALKER-ZERO đã lan trong khắp xã hội và buộc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khi ấy phải đưa ra một số điều luật bảo vệ quyền phụ nữ mới.

Bản thân Ikumi cũng nhận được nhiều lời mời tham gia các dự án nghệ thuật nước ngoài. Mới đây nhất cô đã xuất hiện trong bộ phim 6 Underground của đạo diễn người Mỹ nổi tiếng Micheal Bay.

Côn đồ… cho thuê

Hoa hậu Ikumi đã giúp cho nhiều nghệ sỹ lấy đủ dũng khí để thẳng thắn tố cáo các hành vi tội phạm trong ngành giải trí Nhật. Vậy nhưng theo lời giải thích của nhà báo Jake Adelstein: “Các doanh nghiệp giải trí muốn cũng không thể cắt quan hệ với Yakuza được. Yakuza nắm trong tay vô số bí mật mờ ám của bên doanh nghiệp, từ ăn bớt tiền công nghệ sỹ đến hối lộ giới quan chức. Chỉ cần doanh nghiệp dám ho he một chút thì tất cả những bí mật sẽ bị tung lên mặt báo, doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa”.

Yakuza hiểu rằng công chúng không ưa gì mình, và kể cả những nghệ sỹ nổi tiếng nhất khi bị phát hiện có quan hệ với Yakuza cũng sẽ chịu sự phản đối dữ dội từ chính fan hâm mộ.

Vào năm 2011, danh hài, người dẫn chương trình Shimada Shinsuke đã bị buộc phải công khai xin lỗi và nghỉ hưu sớm. Báo chí đã phát hiện anh là bạn thân của một số ông trùm Yamaguchi-gumi và có cổ phần trong nhiều công ty do Yamaguchi-gumi làm chủ. Shimada Shinsuke đành phải từ giã công việc của mình trong khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Để tránh những chuyện lùm xùm, các băng đảng Yakuza hiếm khi can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của công ty giải trí. Chỉ trong trường hợp hãn hữu lắm chúng mới sử dụng đến vũ lực. Sau khi đạo diễn nổi tiếng Itami Juzo sản xuất một bộ phim chế giễu Yakuza vào năm 1992, ông bị một nhóm côn đồ cầm dao rạch mặt ngay trước cửa nhà mình.

Trong khi đạo diễn phải nằm viện, chính phủ Nhật buộc phải mở một chiến dịch chống tội phạm có tổ chức trên toàn quốc. Vậy mà ba năm sau, người ta tìm thấy xác Itami Juzo dưới chân một toà chung cư và một tờ giấy trên bàn làm việc của ông ghi rằng vị đạo diễn tự tử vì mình bị người đời buộc tội ngoại tình oan. Chỉ có gia đình và bạn bè Itami Juzo tin rằng ông không tự tử mà bị Yakuza trả thù.

11 năm sau, nhà báo Jake Adelstein đã lần ra được một trong những tên côn đồ từng rạch mặt Itami, nay là một ông trùm của băng Goto-gumi. Tên Yakuza thẳng thắn thừa nhận với Adelstein: “Chúng tôi đã dàn dựng mọi chuyện sao cho giống như là Itami Juzo tự tử… Một đám chúng tôi kéo ông ta lên nóc toà nhà rồi nói: “Hoặc là mày nhảy xuống thì may ra còn sống, hoặc là bọn tao bắn chết mày”. Ông ta chọn cách nhảy lầu”.

Yakuza và chiếc vòi bạch tuộc trong làng giải trí Nhật Bản - Ảnh 2.

Nhiều người nổi tiếng phải công khai xin lỗi vì đã xuất hiện trong các sự kiện do Yakuza tổ chức.

Thường thì Yakuza chỉ ra tay khi nhận được sự yêu cầu từ phía bên công ty giải trí. Kazuo Kasaoka là ông trùm đời thứ hai của băng Matsurua-gumi tại thành phố Kobe, nơi đặt trụ sở Burning Productions. Một trong những nguồn thu quan trọng của băng đảng là các “hợp đồng” bí mật với Ikuo Suo. Ông ta từng thuê Matsurua-gumi làm những việc như phá hoại sân khấu biểu diễn của đối thủ cạnh tranh hay quấy rầy gia đình các nghệ sỹ dám làm trái lời ông ta. Bản thân Kazuo Kasaoka còn nhiều lần đứng ra tổ chức những bữa tiệc thác loạn cho lãnh đạo Burning Productions và các đối tác.

Kazuo Kasaoka chỉ ngừng làm ăn với Suo vào năm 2005 sau khi được thuê ám sát nữ diễn viên Miki Mizuno vì cô này quyết định đi đầu quân cho công ty quản lý khác. Ông trùm thẳng thừng từ chối lời đề nghị này. Bản thân nữ diễn viên và gia đình của cô sau đó cũng không gặp bất kỳ mối đe dọa nào. Vậy nhưng từ khi rời khỏi Burning Productions, Miki Mizuno không nhận được thêm bất kỳ vai chính nào khác. Gần như chắc chắn rằng Ikuo Suo đã gây áp lực lên các hãng phim để buộc họ không thuê cô.

Miki Mizuno chỉ là một trong hàng trăm trường hợp nghệ sỹ bị đưa vào “sổ đen” do làm trái lời các ông chủ công ty quản lý tài năng. Một trường hợp đáng chú ý khác liên quan đến SMAP, một trong những nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất mọi thời đại tại Nhật.

Vào năm 2016, ba thành viên của ban nhạc quyết định rời khỏi nhóm vì bất đồng với bên công ty chủ quản Johnny Productions. Chỉ qua một đêm mà ba nghệ sỹ này biến mất hoàn toàn khỏi sóng truyền hình và trên kệ đĩa. Họ phải chuyển qua những công việc khác như đóng phim, vẽ tranh, và lập kênh Youtube.

Các cựu thành viên SMAP có thể dựa vào sự cưu mang lượng fan hâm mộ đông đảo khi bị công ty quản lý ruồng bỏ. Rất nhiều nghệ sỹ khác không được may mắn như thế. Họ phải chịu lép vế nếu muốn được tiếp tục có việc để mà làm.

Khó khăn và hy vọng

Sau vụ scandal của hoa hậu Ikumi Yoshimatsu, không chỉ chính quyền mà bản thân ngành truyền thông – giải trí Nhật Bản cũng phải tự xem lại mình. Càng ngày có nhiều sân khấu, đài truyền hình,… tuyên bố sẽ không làm ăn với bất kỳ công ty quản lý tài năng nào có liên quan đến Yakuza. Đây là việc nói dễ hơn làm.

Đài truyền hình quốc gia NHK năm nào cũng tổ chức một chương trình đại nhạc hội vào đêm 31-12. Đến thời điểm chuẩn bị phát sóng chương trình năm 2015, NHK mới tá hoả nhận ra hơn một nửa ca sỹ tham gia biểu diễn và đối tác liên quan có quan hệ với Yakuza. Đài truyền hình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cho phát sóng chương trình và sau đó hứng chịu sự chỉ trích của công luận.

Yakuza và chiếc vòi bạch tuộc trong làng giải trí Nhật Bản - Ảnh 4.

Mối quan hệ giữa Yakuza và ngành giải trí Nhật Bản đã kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Cục Cảnh sát quốc gia Nhật đã thành lập một đội chuyên trách gồm 50 người nhằm xoá bỏ sự thống trị của Yakuza đối với ngành công nghiệp giải trí. Cục trưởng Takaharu Ando tuyên bố trước báo chí trong buổi ra mắt đội chuyên trách: “Các công ty giải trí đến nay chỉ mới thay đổi bộ mặt bên ngoài chứ chưa thật sự chịu cắt đứt quan hệ với tội phạm có tổ chức. Đội chuyên trách cùng với bộ luật mới do chính phủ ban hành sẽ chặt đứt những cái vòi bạch tuộc của Yakuza đang len lỏi trong ngành giải trí”.

“Bộ luật mới” mà ông Takaharu nhắc tới là Luật Quan hệ với tội phạm có tổ chức. Theo luật này, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có quan hệ tài chính với Yakuza cũng sẽ bị xử phạt rất nặng. Kể từ khi được ký ban hành vào năm 2017, bộ luật đã có tác dụng rất tốt trong việc đẩy lùi ảnh hưởng của Yakuza trong các ngành xây dựng, bất động sản, du lịch,…

Tuy hiện nay chưa có một nghiên cứu chính thức về lĩnh vực giải trí nhưng nhiều nhà quan sát đang hy vọng rằng trong tương lai gần, “ngành công nghiệp không khói” sẽ có thể rũ bỏ hoàn toàn những khoảng tối của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại