Sau 2 năm khởi nghiệp với túi xách và tranh gạo, anh Khưu Tấn Bửu đã rinh về "giải thưởng" OCOP 4 sao do UBND TP Cần Thơ chứng nhận.
Khởi nghiệp với 30 triệu đồng
Những ngày đầu năm mới, gian hàng về tranh gạo và túi xách gạo của anh Khưu Tấn Bửu (26 tuổi; ngụ TP Cần Thơ) đặt tại số 41 Cách Mạng Tháng Tám (phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhộn nhịp hẳn lên khi nhiều nhân viên tất bật làm đơn hàng cho khách. Ít ai biết, để khởi nghiệp thành công như ngày hôm nay, anh Bửu đã trải qua nhiều tháng ngày vất vả.
Thời học cấp 3, Bửu rất mê tranh, đặc biệt là những bức tranh gạo. Ước mơ một ngày nào đó có một cửa hàng chuyên về tranh gạo được Bửu ấp ủ. Đến khi vào đại học, anh tìm hiểu về tranh gạo và đã có những sản phẩm đầu tay bán qua mạng như những bức tranh gạo về hoa sen, các con vật…
Tuy nhiên, đôi khi có những bức tranh gạo khá to, mà khách lại đặt hàng qua mạng nên việc đóng gói khó khăn. Còn làm những bức tranh nhỏ thì không thể chuyển tải hết ý tưởng của tác giả nên anh Bửu đã nghĩ ra việc đính gạo lên túi xách, và việc khởi nghiệp của chàng trai này bắt đầu từ đây.
Với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu đồng, anh Bửu ra chợ mua nhiều loại túi xách và sau đó là công đoạn đính hạt gạo lên.
"Tôi sử dụng gạo Hương Lài cho sản phẩm của mình. Khi rang gạo, tùy theo độ lửa thì gạo sẽ có cấp độ màu khác nhau, tổng cộng có 32 cấp độ màu gạo rang từ đen đến trắng. Để có màu đỏ thì tôi dùng củ dền, cần màu tím thì dùng hoa đậu biếc, màu vàng thì dùng nghệ… Những rau củ này nấu lấy nước, rồi cho gạo rang vào ngâm sẽ cho ra những màu tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Có 12 màu được nhuộm từ rau, củ, mỗi màu sẽ có 10 cấp độ màu. Chẳng hạn như màu vàng có 10 cấp độ màu từ vàng lợt đến vàng đậm…", anh Bửu thông tin.
Tổng cộng có khoảng 120 cấp độ màu để Bửu phối gần xa, độ dài, độ rộng trên túi xách.
Sau khi có nguyên liệu, với bàn tay điêu luyện, anh Bửu sẽ đính trên túi xách và kết dính bằng keo theo hình dạng hoa văn, hoặc theo các chủ đề khác nhau. Đối với túi xách có kích thước 20 x 25 cm cần khoảng 300 gram gạo và được đính trong 4-5 ngày sẽ cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh.
Thị trường đón nhận
Thời gian đầu, khi tung ra thị trường bộ sưu tập về túi xách gạo, anh Bửu gặp khó khăn trong việc tiếp cận với khách hàng do ý tưởng không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Bửu trải lòng: "Sau thời gian thử thách đó, tôi nhận ra rằng chính khách hàng là người cho mình ý tưởng để khắc phục và cải tiến để có những sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn như tới đợt 20-11 thì tôi sẽ làm những sản phẩm túi xách gạo chuyên về tri ân thầy cô thì rất được nhiều người mua".
Theo anh Bửu, đối với túi xách gạo nếu được xài kỹ lưỡng có độ bền lên tới 15 năm. Với giá bán trung bình 800.000 đồng/túi, túi xách gạo của chàng trai trẻ này không chỉ bán thị trường trong nước mà còn được bán ra nước ngoài bằng con đường xách tay.
"Có nhiều khách hàng họ mua sản phẩm túi xách gạo thấy đẹp và bền nên đã mua rồi tặng cho bạn bè ở nước ngoài. Thậm chí cũng có khách nước ngoài đặt hàng online. Trung bình mỗi tháng tôi bán khoảng 30 túi xách và tranh gạo. Nhưng dịp Tết này, đơn đặt hàng tăng gấp đôi và đến nay tôi đã có lợi nhuận. Nhớ lại những ngày tháng khởi nghiệp trước đây, có lúc muốn bỏ cuộc vì quá áp lực. Nhưng tôi đã cố gắng hết mình và đã được đền đáp xứng đáng", anh Bửu tâm sự.
Vào tháng 11-2020 vừa qua, UBND TP Cần Thơ đã chứng nhận sản phẩm tranh gạo của anh Bửu xếp hạng 4 sao trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP góp ý Bửu nên làm mã code và truyền thông rộng rãi để mọi người biết đến, những sản phẩm tranh gạo phải mang màu sắc của Cần Thơ để làm quà tặng đặc trưng cho du khách.
Trong tương lai, chàng trai trẻ này ấp ủ một dự án táo bạo là hình thành một làng nghề chuyên về tranh gạo và túi xách gạo gắn với du lịch, một mặt vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, mặt khác để thỏa sức để anh Bửu sáng tạo.
Anh Bửu chia sẻ: "Túi xách gạo giúp tôi thỏa mãn sức sáng tạo của mình. Tôi đã làm nhiều bộ sưu tập về túi xách gạo: gạch bông, hoa chuối, sen, trò chơi dân gian… những thứ gần gũi với tuổi thơ. Tôi dự định đến tháng 9-2021 sẽ làm làng nghề về tranh gạo và túi xách, sẽ là một địa điểm check-in cho du khách".