Theo RIA Novosti, 24 trong tổng số 51 thành viên thuộc Hội đồng vùng Veneto đã ký vào dự thảo nghị quyết này.
Theo một trong số tác giả của nghị quyết – cố vấn Hội đồng vùng Luciano Sandona, các cuộc tranh luận về nghị quyết mới này sẽ được bắt đầu vào 14.00 giờ (tức 15.30 giờ theo giờ Moscow) ngày 18/5.
Chính trị gia này cho hay có đầy đủ cơ sở để tin rằng nghị quyết sẽ được thông qua, mặc dù các đại diện của Đảng Dân chủ cầm quyền tại Ý chắc chắn sẽ phản đối kịch liệt việc này.
“Chúng tôi tin nghị quyết này sẽ thông qua. Quan trọng là trên cơ sở luật pháp quốc tế nghị quyết lên án chính sách phân biệt đối xử và bất công của EU khi không muốn công nhận ý nguyện của chính quyền và nhân dân Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý.
Chúng tôi cũng yêu cầu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt vô lý chống lại Nga mà đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Ý cũng như cho khu vực của chúng tôi” - ông Sandona nhấn mạnh.
Trước đó ông Stefano Valdegamberi – người đầu tiên ký vào dự thảo nghị quyết mới nói rằng, tài liệu này xuất hiện sau khi các doanh nhân địa phương, những người phải chịu thiệt hại nặng nề do lệnh cấm vận của EU với Nga đưa ra những yêu cầu kiên quyết trước Hội đồng vùng.
“Nghị quyết của chúng tôi sẽ là một hành động chính trị quan trọng với ý nghĩa: Chúng tôi có can đảm để nói “không” với chính sách chống lại Nga của chính phủ Ý và EU.
Chúng tôi là khu vực đầu tiên đang tiến hành lấy ý kiến thông qua nghị quyết như thế này. Và tôi hy vọng các vùng khác của Ý sẽ theo gương chúng tôi” - ông Valdegamberi nêu quan điểm.
Nếu nghị quyết này được thông qua, Chủ tịch Hội đồng vùng Veneto Roberto Chambetti và người đứng đầu khu vực Luca Dzaya có quyền đệ trình vấn đề bãi bỏ lệnh trừng phạt lên chính phủ và quốc hội Ý cũng như các cơ quan của EU.
Sáng kiến của các nhà lập pháp vùng Veneto có lẽ khó nhận được sự đồng tình từ Roma.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti, cựu Chủ tịch Hạ viện Ý và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ý Pier Ferdinando Casini đã gọi sự kiện này chỉ mang tính “tuyên truyền” vì “nó không giải quyết được bất cứ chuyện gì”.
“Ý cần có quan điểm thống nhất chung về vấn đề này. Quốc hội cần làm việc về vấn đề này để triệt để ngăn chặn mọi hành động tùy tiện xuất phát từ các vùng hành chính” – chính trị gia nổi tiếng nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ý chia sẻ ông có cùng quan điểm với cựu Chủ tịch EU, cựu Thủ tướng Ý Romano Prodi, người coi các biện pháp trừng phạt là “hành động tự sát tập thể”, đồng thời khẳng định, Nga là “đối tác chính của Italy trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và những cố gắng để lập lại trật tự cho tình hình hỗn loạn hiện nay trên thế giới”.