Trong cuộc triển lãm cuối cùng và cũng là lớn nhất của bộ truyện tranh đình đám Attack on Titan đang diễn ra gần đây, có rất nhiều những thông tin, chi tiết được hé lộ, phơi bày dưới rất nhiều phong thái và cách thức khác nhau. Nó được thể hiện từ đoạn phim, cho đến những bản phác thảo chưa từng công bố, hay đến những tấm poster được ghi chú cẩn mật và những vật phẩm đặc biệt.
Trong số đó, triển lãm đã có ra mắt một bộ bài tây với chủ đề những nhân vật trong Attack on Titan , với từng kí hiệu và ý nghĩa rất thú vị. Hãy cùng người viết đi tìm hiểu những ý nghĩa đặc biệt ấy nhé.
Team Titan Tiến Công - Quân Át
Trong bộ bài Tây (không tính Joker) thì quân Át được xem là quân bài chủ lực. Át là đại diện của những nhân vật quyền lực nhất với sức mạnh to lớn. Theo ngôn ngữ tiếng Latin thì Ace nghĩa là nhà vô địch, kẻ bất bại và số 1.
Trong số 4 quân át, át bích (Ace of Spade) được xem là quân bài đại diện cho sức mạnh tối cao và có quyền lực nhất trong bộ bài, còn quyền lực hơn cả những vị vua và các quân át khác. Chính vì vậy, biểu tượng Spade trên lá át bích được in to hơn các biểu tượng trên các quân át khác.
Đối với nhiều người, quân át bích có ý nghĩa tâm linh rất lớn, họ dùng biểu tượng Spade trên lá át bích để làm hình xăm, dùng làm biểu tượng của sự may mắn, chiến thắng và thịnh vượng...
Quân K - King
Zeke - Lá bài K rô đại diện cho 1 nhà quân sự tài ba, một vị tướng vĩ đại của La Mã, đó là Gaius Julius Caesar (100-44TCN). Xuất thân từ chiến trận, Caesar có tầm ảnh hưởng cực lớn đối với đế chế La Mã và cũng là nhân vật để lại nhiều di sản đối với lịch sử thế giới. Đáng tiếc, ông bị thuộc hạ làm phản và giết chết.
Ymir Fritz - K bích là biểu tượng của vua David, vua của vương quốc Israel thống nhất. David nổi danh không phải vì khả năng chinh chiến hay lãnh đạo mà bởi tài hoa nghệ thuật, đàn hát thơ ca của mình. (Ymir chắc là có tài thổi tù và).
Eren - Lá bài K chuồn chính là đại diện cho Alexander Đại đế (356-323TCN), nhà quân sự tài ba với tham vọng thống trị cả thế giới. Thực tế nếu ông có nhiều thời gian hơn cái "hạn sống" 32 năm thì có lẽ tham vọng kia không hề xa vời chút nào.
Bởi sau 13 năm chinh chiến trên yên ngựa, Alexander đã khiến hầu hết kẻ thù câm nín, phủ phục dưới chân mình. Nhưng vào đúng thời điểm cực thịnh của đời người, bất ngờ ông ra đi trong nuối tiếc của cả đế chế.
Uri - Lá bài K cơ được lấy hình tượng từ vua Charlemagne Charles Đại đế (742-814), ông là 1 vị vua vĩ đại, từng tại vị hơn 50 năm và làm chủ một nửa lãnh thổ châu Âu. Dưới thời ông, La Mã gần như đạt đỉnh cực thịnh.
Quân J - J là hiệp sĩ, viên chỉ huy quân sự, hoàng tử (Jack)
Reiner - Lá bài J rô là Hector, người con trai của vua Priamus. Người đã dẫn đầu người dân thành Troy cùng nhau chiến đấu kiên cường với quân đội Hy Lạp để bảo vệ quê hương của mình.
Erwin - Lá bài J chuồn là hiệp sĩ Lancelot. Ông được ngợi ca là một trong những dũng sĩ đại tài của thời vua Arthur.
Armin - Lá bài J bích là đại diện của Albrecht von Wallenstein – ông được mệnh danh là nhà quân sự tài tình của Hoàng đế La Mã.
Jean - Lá bài J cơ là La Hire, cánh tay phải đắc lực của thánh nữ Jeanne d’Arc và từng là người tùy tùng của vua Charles VII le Victorieux.
Một bộ bài thường có hai lá Joker và hình vẽ trên những lá bài này khác nhau tùy vào nơi phát hành bộ bài. Thông thường, một lá Joker sẽ có màu trắng đen, còn lá còn lại có màu sắc đầy đủ. Có khi, một lá Joker màu đỏ, và lá kia màu đen. Trong những trò cần phải so sánh lá Joker với nhau, Joker có màu thường mạnh hơn joker trắng đen.
Với những lá joker đỏ/đen, màu đỏ được tính là cơ hoặc rô, còn màu đen được dùng thay cho chuồn/bích. Hình trên lá joker thường là một thằng hề.
Cách dùng Joker rất khác nhau. Joker vốn là một quân bài tự do, không có luật chơi nào áp đặt lên được. Joker có thể không tham gia vào trò chơi. Nhưng ở Đức, Mỹ lá bài này rất phổ biến, thậm chí nó còn là một trong những lá bài quan trọng nhất trong trò chơi, là lá bài chủ cao nhất vì nó được phép đại diện nhiều lá khác nhau.
Floch - 9 Rô
Trong một thời gian dài, quân bài 9 Rô đã được gọi là "tai họa của xứ Scotland". Có giả thiết cho rằng chính trên lá bài 9 Rô, công tước Cumberland (1721-1765) đã viết lệnh tàn sát các tù binh bị thương sau trận Culloden (1746).
Một lời giải thích khác nói, trong một kiểu chơi bài do bà Marie, hoàng hậu của xứ Scotland đề xướng, con 9 Rô được xem là quân bài chủ cần tìm kiếm và người dân Scotland thích chơi kiểu bài này đến nỗi nhiều gia đình phải tán gia bại sản và thế là từ đó con số 9 Rô được biết đến dưới tên "tai họa".
Cre: Shingeki No Kyojin : Attack On Titan Việt Nam Fan Club