Theo truyền thông Ý, dự thảo nghị quyết của chính phủ cho biết khu vực cách ly sẽ bao gồm khu vực Lombardy với khoảng 10 triệu dân (xấp xỉ ngang với tâm dịch Vũ Hán ở Trung Quốc), cùng với 11 tỉnh ở 4 trong số 19 khu vực khác của nước này đến 3-4.
11 tỉnh sẽ bị phong tỏa cùng với Lombardy gồm Modena, Parma, Piacenza, Reggio Emilia và Rimini của vùng Emilia-Romagna; Venice, Padua và Treviso của vùng Veneto - Asti; Alessandria của vùng Piedmont; Pesaro và Urbino của vùng Marche.
Lombardy, Emilia-Romagna và Veneto là 3 điểm nóng bùng phát dịch tại Ý, chiếm tới 85% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 92% số ca tử vong ở nước này.
Chính quyền yêu cầu đóng cửa toàn bộ bảo tàng, các trung tâm văn hóa. Ảnh: AP
Ngoài ra, cùng với việc đóng cửa toàn bộ trường học, đại học đến ngày 3-4, chính quyền Ý cũng sẽ yêu cầu đóng cửa toàn bộ bảo tàng, các trung tâm văn hóa, khu nghỉ dưỡng, bể bơi, hộp đêm, câu lạc bộ thể hình ở các khu vực có dịch. Các quán bar, nhà hàng vẫn được hoạt động, song phải đảm bảo mọi người ngồi cách xa nhau ít nhất 1 m. Giới chức địa phương khuyến cáo người dân trong vùng dịch ở trong nhà nhiều nhất có thể.
Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh bất cứ ai vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đối mặt với án tù. Dự thảo nghị quyết sẽ mở rộng khu vực cách ly và gọi là "vùng đỏ" nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chính phủ Ý sẽ huy động thêm 20.000 y, bác sỹ tăng cường cho các bệnh viện thiếu nhân lực, tăng số lượng giường chăm sóc đặc biệt từ 5.000 đến 7.500 trong những ngày tới. 5.000 hệ thống thông gió sẽ được triển khai tới các khu vực chăm sóc đặc biệt. Đây là một trong nhiều biện pháp được chính phủ áp dụng trong cuộc họp nội các suốt đêm sau khi nước này có thêm hàng chục ca tử vong trong một ngày.
Cơ quan phòng vệ dân sự Ý cuối ngày 7-3 cho biết trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận thêm hơn 1.247 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 5.883 ca. Đây là ngày Ý ghi nhận thêm số ca nhiễm dịch nhiều nhất kể từ khi dịch bùng phát. Các ca nhiễm bệnh chủ yếu tập trung ở tâm dịch Lombardy.
Người phụ nữ đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm ở thành phố Milan. Ảnh: AP
Cũng trong ngày 7-3, Ý ghi nhận 36 trường hợp tử vong, nâng số người chết lên 233 ca. Như vậy, Ý tiếp tục là quốc gia có nhiều người tử vong nhất bên ngoài Trung Quốc, là tâm dịch lớn nhất của châu Âu.
Chủ tịch Viện Y tế quốc gia, ông Silvio Brusaferro, nói trong họp báo rằng phần lớn các ca tử vong ở nước này là đàn ông trên 80 tuổi và có bệnh tiềm ẩn. Cũng trong ngày 7-3, ông Nicola Zingaretti, lãnh đạo đảo Dân chủ của Ý - một trong các đảng cầm quyền quốc gia, được chẩn đoán nhiễm dịch và tự cách ly ở nhà. Ông Zingaretti là chính trị gia cấp cao đầu tiên xác nhận nhiễm virus.
Hai ủy viên hội đồng ở Lombardy, khu vực có có nhiều ca nhiễm nhất ở Ý, đã có kết quả dương tính với virus vào tuần trước. Một sĩ quan cảnh sát là thành viên của đội an ninh cho ông Matteo Salvini, lãnh đạo của Liên đoàn miền Bắc, cũng có kết quả dương tính vào hôm 6-3.