Giao thừa đáng nhớ
Tự nhận năm nay mình không ăn Tết, anh Châu Thành Toàn, nhân viên Trạm Y tế phường Đa Kao thuộc Trung tâm Y tế quận 1, TPHCM, tâm sự: “Gần 10 năm trong nghề, có lẽ đây là cái Tết khó quên nhất đối với tôi. Có những ngày trực Tết căng thẳng, việc nhiều hơn cả ngày thường vì trên địa bàn có ca COVID-19 khiến hơn 2.000 người cách ly, phong tỏa cả khu vực lớn ở Mả Lạng”.
Vẫn nhớ như in ngày 27 Tết, khi bất ngờ nhận được tin sẽ phong tỏa khu Mả Lạng do liên quan đến các mắc COVID-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất, hít một hơi thật sâu, anh Toàn cùng những đồng nghiệp vội lên đường.
“Đây là lần đầu tiên quận 1 có nơi bị phong tỏa rộng đến vậy. Chúng tôi dặn nhau phải làm thật tốt, lấy mẫu nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ người dân, trấn an tinh thần bởi không ít người sốc khi chỉ sau một đêm ngủ, cả khu vực bị cách ly ngay thời điểm cận Tết khiến họ khó chịu” - anh Toàn nhớ lại.
Ths.BS Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) nhớ lại, càng gần tới Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 đột ngột tăng cao. Lệnh “tổng động viên” của Ban giám đốc HCDC được ban ra, huy động toàn bộ nhân lực, sáng đèn suốt đêm, thay nhau hoạt động 24/24…
“Mặc dù Tết là thời gian thiêng liêng nhất trong năm để mỗi người được trở về với gia đình, nhưng mọi người không ngại khó khăn khi được huy động lấy mẫu xét nghiệm, trực ở nơi cách ly ngay trong thời điểm cuối năm.
Đến 23 giờ đêm 30 Tết, chúng tôi vẫn còn nhận được tin báo ở các điểm lấy mẫu. Cả ngày quay cuồng với điều tra, truy vết, xem xét số liệu... Tất cả chúng tôi đã trải qua một đêm giao thừa đáng nhớ như thế” - BS Nga tâm sự.
Giấc ngủ mệt mỏi sau một đêm thức trắng để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay trong những ngày Tết. Ảnh:HCDC
Theo BS Nga, công tác chống dịch luôn có những áp lực, nhưng đối với đợt bùng lên ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất thì áp lực có khác hơn, vì số lượng ca bệnh dồn dập chỉ trong vòng vài ngày. Là đơn vị chủ lực trong đại dịch COVID-19 tại TPHCM, 100% cán bộ, nhân viên HCDC đều không nghỉ phép, những người mua vé xe, vé tàu đều trả hết để tham gia vào “trận chiến”.
Từng bộ phận ai vào việc nấy, khẩn cấp lên đường, đội giám sát đi từng khu cách ly kiểm tra; đội điều tra, truy vết lên đường đến tận từng nhà dân; đội phân tích đánh giá nguy cơ sáng đèn suốt đêm tìm ra các mối liên quan giữa từng ca bệnh…
"Số mẫu cần phải lấy ngay trong những ngày Tết là rất lớn. Với tinh thần "thần tốc, quyết liệt", chúng tôi gác lại sau lưng tất cả, chạy đua với thời gian để "tìm COVID-19" theo phương châm mở rộng xét nghiệm, phong toả hẹp. Phải tìm ra kẻ thù càng sớm càng tốt. Dịch COVID-19 không còn là chuyện của riêng ai cả. Dù thức trắng mệt nhọc đến mấy, chúng tôi chỉ mong tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính". Một nhân viên y tế bộc bạch
Ai cũng hối hả, tất bật với công việc chỉ với mục tiêu duy nhất: chặn đứng ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, không để lây lan ra cộng đồng. “Chưa bao giờ chúng tôi trải qua một cái Tết với đầy áp lực như thế này. Tết thì ai cũng muốn được sum họp, nghỉ ngơi, đi chơi, nhưng khi có dịch thì chúng tôi vẫn sẵn sàng lên đường vì sự bình yên của người dân” - BS Lê Hồng Nga khẳng định.
Giữ thành phố bình yên
Thời điểm này, khoa Xét nghiệm của HCDC vẫn miệt mài với các mẫu bệnh phẩm các quận huyện gửi về để xét nghiệm COVID-19. Chị Nguyễn Thị Kim Trà, phòng tổ chức hành chính HCDC được phân công hỗ trợ cho khoa Xét nghiệm cho hay, chị đặt vé xe về quê ăn tết 2 tháng trước, cuối cùng phải hủy vé do cơ quan phân công.
“Từ 28 Tết đến nay, chúng tôi đều làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, có hôm đến nửa đêm và ngủ lại cơ quan luôn. Dù rất đuối nhưng các anh chị khác cũng làm đến 4-5 giờ sáng nên mình có thêm động lực để cố gắng. Chúng tôi chưa ăn Tết ngày nào hết!” - chị Trà nói.
Là con trai một, lại còn mỗi cha già, năm nào anh Châu Thành Toàn cũng về nhà ăn Tết với cha. “Năm nay dù rất nhớ cha, nhưng tôi chỉ dám về lúc chiều tối. Do mình tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ cao nên không dám gần cha nhiều. Chỉ mong dịch mau qua để cuộc sống trở lại bình yên” - anh Toàn trải lòng.
Còn BS Hồng Nga tự hào: “Tôi may mắn có gia đình nhỏ và gia đình lớn luôn ủng hộ và chia sẻ.
Mọi người đều hiểu công việc có ý nghĩa mà mình đang thực hiện cho xã hội, cho cuộc sống cộng đồng, do vậy đều động viên tôi trong cả năm qua và đặc biệt trong dịp Tết.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết, hệ thống các quận huyện đã nỗ lực “chiến đấu” trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh trong đợt tết vừa qua. Đợt cao điểm này hoàn toàn khác với các đợt dịch trước vì hoàn cảnh dự đoán khó và lại xảy ra trong những ngày tết.
Theo bác sĩ Dũng, khi có ca bệnh ở Chí Linh (Hải Dương) ngày 29/1, HCDC đánh giá đây là đợt cao điểm lớn. Do vậy, từ ngày 1/2, HCDC thống nhất 100% cán bộ, công nhân viên của HCDC có mặt ở TPHCM. Với vai trò đầu tàu trong phòng chống dịch, HCDC triển khai nhiều biện pháp như xét nghiệm thần tốc, nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, phát hiện chuỗi lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất, công tác cách ly, hậu cần...
Từ khi xảy ra đợt dịch này, tính đến nay HCDC đã thực hiện hơn 45.000 mẫu xét nghiệm. Trải qua 11 ngày liên tiếp, Thành phố không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng; chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn dừng lại ở 35 trường hợp. “Thời điểm này TPHCM tạm yên chứ chưa hết dịch nên chúng tôi vẫn chưa thể hậu Tết” - ông Dũng nói.