Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm

A Lử |

Theo chân anh em A Hù xuyên đêm, ngược núi đá săn loại chuột rừng ở núi “Trúng Chua“ (tên gọi tiếng địa phương) ở xã Co Tòng, huyện Thuận Châu (Sơn La) mới hiểu được để thưởng thức thứ thịt đặc sản này quả không đơn giản chút nào.

Có dịp ngược núi lên bản Pá Chả A, xã Co Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (một trong 6 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu) để đón tết Canh Tý cùng A Dơ - một người bạn dân tộc Mông từng học cấp 3 với tôi.

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 1.

Chiến lợi phẩm của 3 anh em chúng tôi sau một đêm dài vất vả.

Người Mông bản Pá Chả A sống rất tình cảm và mến khách. Đêm 23/1 (tức 29 tháng Chạp tết Nguyên đán Canh Tý 2020), trong mâm cơm Tết với gia đình A Dơ, tôi được người thân, hàng xóm nhà A Dơ chúc rượu nhiệt tình.

Là người lạ nên tôi khá ngại ngùng khi định mời rượu bà con. Bởi, đối với người dân vùng cao nếu mời rượu không đúng lại bị phạt gấp đôi.

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 2.

Anh Phá A Hù bên cạnh đàn chuột rừng mình săn được.

Trong không khí rôm rả của đón Xuân Canh Tý, tôi chăm chú lắng nghe mọi người đàm đạo. Với đôi tai thính của một người làm nghề "viết lách", tôi chợt nghe được câu chuyện săn chuột rừng trên núi "Trúng Chua" của anh Phá A Hù với thằng em trai tên A Ly của mình ngồi ngay bên cạnh tôi.

Thấy tôi tò mò hỏi, A Hù bảo: Cán bộ muốn ăn thịt chuột rừng à!. Nếu vậy, tối nay anh em tôi dẫn cán bộ lên núi săn chuột nhé. Mùa này, chuột rừng nhiều lắm. Anh em tôi đi dò rồi.

Thằng em họ A Ly của A Hù nhìn chằm chằm vào tôi và hỏi: Nhìn cán bộ ăn mặc thế này chắc không leo núi được đâu?. Sau một hồi giải thích, A Hù nói: Chú em cứ cầm đèn chạy trước ô tô, cán bộ cũng là người Mông còn đi khỏe hơn chú.

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 3.

Theo anh Hù, chuột rừng trên núi đá "Trúng chua" thịt rất thơm ngon, không có mùi như chuột nhà.

Tôi nhấc ly rượu ngô thơm lừng lên xin phép nhà A Dơ để cùng anh em A Hù lên núi săn chuột rừng. Người bạn thân của tôi không quên nhắc nhở: "Trên đấy, rắn, muỗi nhiều lắm bạn phải cẩn thận đấy".

Sau đó, A Dơ lấy cho tôi bộ quần áo cũ và đôi ủng để tiện di chuyển trong đêm. Trong lúc tôi đang thay quần áo, A Hù đã chạy xồng xộc tới. Trên người A Hù và A Ly, vai vác nỏ; lưng buộc mũi tên và dao; trên đầu buộc chiếc đèn pin nhỏ gọn.

Đúng 19h30, 3 anh em chúng tôi bắt đầu xuống phát từ bản Pá Chả A lên núi "Trúng Chua". Giải thích tên núi "Trúng Chua" với tôi, A Hù bảo: "Đây là tiếng địa phương. "Trúng Chua" có nghĩa là núi đá. Núi này chuột nhiều vô kể, anh em tôi thăm dò rồi".

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 4.

Với giá bán 1 con là 25.000 đồng, chuột rừng còn giúp bà con bản Pá Chả A kiếm thêm đồng ra đồng vào.

Cuốc bộ ngược con dốc vó ngựa cũng phải chùn chân gần 2h đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh núi "Trúng Chua". Trong quãng thời gian nghỉ ngơi để hồi sức, A Ly kể: Anh em tôi đặt bắp ngô thử đàn chuột ở đây một tuần rồi.

Chuột nhiều lắm. Chỉ tay sang đỉnh núi bên cạnh, A Ly nói nhỏ: Núi này, hôm qua tôi đặt gần 20 bẫy bán nguyệt, sáng mai kiểu gì cũng có thịt chuột rừng để ăn.

Theo A Hù, đàn chuột rừng ở núi này cực kỳ thông minh. Phải có kinh nghiệm mới săn được chúng.

"Anh em tôi làm rãnh, thả ngô, thóc ở đây gần một tuần để đàn chuột ăn quen. Sau đó dùng bẫy bán nguyệt bẫy và dùng nỏ mới săn được. Nếu thả thức ăn một hai ngày mà đặt bẫy thì hầu như không bao giờ được.

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 5.

Bên cạnh việc săn được chuột rừng, A Hù và A Ly còn bắn được vài con sóc rừng.

Sau 15 phút nghỉ ngơi, A Hù và A Ly tỏa ra mỗi người một hướng. Tôi cùng A Hù đi một hướng. Di chuyển trên con đường đá lởm chởm, núi rừng âm u, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng một số tiêng kêu, tiếng hú lạ khiến tóc gáy tôi dựng ngược lên. 

A Hù trấn an: "Không có gì đâu, có tôi đây cán bộ không phải lo. Những tiếng này là chuột rừng, chim rừng và sóc rừng thôi".

Đến gần nơi có tiếng kêu lạ, trước mặt chúng tôi xuất hiện 2 đốm sáng nhỏ. A Hù nói nhỏ chuột rừng đây. Rồi A Hù vội lên dây nỏ và lấy chiếc mũi tên đeo ở lưng đặt lên rãnh nỏ và ngắm thẳng vào trung tâm 2 đốm sáng.

Nghe tiếng nỏ kêu Tinh, A Hù chạy vội vào gốc cây lôi ra một con chuột rừng khủng và đưa cho tôi. Cầm con chuột trên tay, tôi ước chừng nặng khoảng hơn 3 lạng.

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 7.

Sau chuyến xuyên đêm, ngược núi săn rừng cùng A Ly và A Hù, chúng tôi mới hiểu được để thưởng thức đặc sản chuột rừng không hề đơn giản chút nào. Thậm chí có người đã từng bị gãy tay, gãy chân do rơi xuống vực khi đi săn chuột rừng.

Cách đó hơn chục bước chân, chúng tôi gặp lại A Ly. Và lúc này, số lượng đốm sáng nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều với tiếng kêu rúc rích của đàn chuột rừng.

Hai anh em chúng nó lại nhanh nhẹn lên dây nỏ và tên bắn liên tiếp vào đàn chuột. Khoảng 5 phút sau, anh em nhà A Hù mỗi người cầm tay 10 con chuột rừng.

Xuyên đêm, trèo núi cùng anh em A Hù săn chuột rừng béo mẫm - Ảnh 8.

Đàn chuột rừng nằm la liệt dưới nền đất bởi mũi tên của A Ly và A Hù.

3h sáng ngày 24/1 (tức 30 Tết), tổng cộng chúng tôi săn được 40 con chuột rừng.

Lúc này, anh em chúng tôi ai cũng đã thấm mệt., A Hù đưa tôi về ngủ tại chiếc lán tạm - nơi mà 2 anh em A Hù thường nghỉ mỗi khi lên núi "Trúng Chua" săn đặc sản chuột rừng. Trong khi đó, với sức trẻ của mình, A Ly vẫn tiếp tục công việc bắn chuột rừng.

Sáng hôm sau tỉnh giấc, tôi không biết A Hù và A Ly đã dậy từ lúc nào không hay. Trước mặt tôi là nồi thịt chuột rừng nấu gừng với mùi thơm phức bốc lên trông rất hấp dẫn. Dùng xong bữa sáng, chúng tôi lại xuôi dốc trở về bản Pá Chả A để tiếp tục vui xuân cùng bà con.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại