Hàng ngày, đại diện từ các thương hiệu thời trang cao cấp dừng lại ở nhà máy Daiichi Orimono nằm tại Fukui, tỉnh Fukui, phía bắc Kyoto để nói về các hoạt động kinh doanh và kiểm tra những đơn hàng mới nhất. Khi bước vào bên trong, chào đón họ là tiếng may móc ồn ào, phát ra từ những cỗ máy nằm ngay ngắn và thẳng hàng trong nhà xưởng.
Daiichi Orimono là một sự khác thường. Nó sống sót và tiếp tục phát triển khi ngành công nghiệp dệt may Nhật Bản đang suy thoái mạnh mẽ. Thậm chí, công ty này tiếp tục khẳng định được mình và gây dựng được tên tuổi lẫy lừng trong lĩnh vực dệt may toàn cầu, khiến những thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất thế giới cũng phải tìm đến.
Những nghệ nhân dệt vải
Nhìn bề ngoài, dệt vải có vẻ là công việc đơn giản. Tuy nhiên, nó đỏi hỏi những kỹ năng thực sự tốt của một nghệ nhân. Quy trình dệt các loại vải khác nhau cũng rất khác biệt, đòi hỏi sự tinh chỉnh với máy móc để có được những tấm vải hoàn hảo nhất. Đây là yếu tố tạo nên sự thành công của Daiichi Orimono và thu hút được những thương hiệu lớn.
Ngay cả khi sản phẩm làm ra chưa thu hút được người dùng, Daiichi Orimono vẫn giữ nó trong kho bởi họ tin rằng chất lượng hoàn hảo sẽ đưa khách hàng đến với mình. Thực tế, phương thức này của công ty vẫn phát huy hiệu quả và góp phần xây dựng cho thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp thời trang cao cấp.
Ông Ryuji Yoshioka, chủ tịch Daiichi Orimono.
Ryuji Yoshioka, chủ tịch Daiichi Orimono, tiếp quản công ty từ cha khoảng 35 năm trước khi nó còn là nhà thầu phụ của đế chế dệt may khổng lồ Teijin. Lúc đó, quận Fukui là một trong những trung tâm sản xuất hàng dệt may lớn của Nhật Bản. Chúng ra đời nhằm cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc.
Tách mình khỏi đám đông, Daiichi Orimono quyết định hoạt động theo hướng tập chung vào chất lượng sản phẩm và mở rộng các mặt hàng thay vì chỉ sản xuất hàng thể thao và vật liệu công nghiệp.
Những sản phẩm mới đầu tiên của công ty là loại vải đặc biệt, được dùng là buồm cho du thuyền và dù lượn. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Nhật Bản suy thoái, nhu cầu với những mặt hàng này cũng sụt giảm.
“Hàng dệt chất lượng cao không khó để sản xuất miễn là bạn đầu tư nhiều tiền trang bị máy móc hiện đại. Chúng tôi nhận ra rằng nếu chúng tôi tiếp tục cạnh tranh theo cách này, vốn là thế mạnh của những doanh nghiệp Trung Quốc, chắc chắn chúng tôi sẽ thua”, Yoshioka nhấn mạnh.
Chính vì thế, công ty quyết định sản xuất những loại sản phẩm chất lượng cực cao mà chỉ máy móc không thể đáp ứng được. Khác biệt với phần còn lại của thị trường, những sản phẩm của công ty lọt vào mắt xanh của những thương hiệu thời trang danh tiếng bậc nhất thế giới.
Lăn lộn tìm khách hàng
Ngoài cải tiến sản phẩm, Daiichi Orimono cũng chọn cách bán trực tiếp tới tay khách hàng, vốn chiếm khoảng 70% hoạt động kinh doanh của công ty.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu, chẳng ai muốn sản phẩm của Daiichi Orimono vì chúng quá đắt. Không chịu đầu hàng, đích thân lãnh đạo công ty đã ra nước ngoài tìm đối tác. Đây chính là nền móng cho mạng lưới bán hàng ở nước ngoài của công ty.
“Trong những ngày ấy, không công ty nào ở Fukui thực hiện điều này. Họ còn nghĩ là tôi đang đi nghỉ”, Yoshioka nhớ lại.
Doanh số bán hàng của Daiichi Orimono theo năm tài khóa kết thúc vào tháng 7.
Làm điều chưa ai nghĩ tới, Yoshioka đã thu về quả ngọt. Chính thời gian ông lăn lộn ở nước ngoài tìm khách hàng cũng là lúc sản phẩm của công ty đến được với những thương hiệu thời trang cao cấp bậc nhất thế giới.
Họ sử dụng vải của công ty cho các sản phẩm ngoài trời và đồ thể thao. Họ tiếp tục thúc đẩy công ty trong việc tạo ra những sản phẩm mềm và nhẹ, vốn đang ngày càng được ưa chuộng.
Những công ty Nhật Bản từng quay lưng với Daiichi Orimono vì giá thành quá đắt cũng nhận ra sai lầm và sửa chữa nó.
Thành công của Daiichi Orimono một lần nữa cho thấy vai trò của chất lượng trong nỗ lực xây dựng thương hiệu, điều mà nhiều công ty Nhật Bản vẫn đang miệt mài theo đuổi.
Không chỉ mang lại thành công cho bản thân, Daiichi Orimono còn tạo ra động lực để mở ra cơ hội đảo ngược sự suy giảm của ngành công nghiệp dệt may một thời nổi tiếng của Nhật Bản.