Xung đột Trung Đông sẽ đi về đâu?

Phương Anh/VTC News |

Trong tháng 4, Trung Đông chứng kiến loạt leo thang chưa từng có trong các xung đột âm ỉ kéo dài, đặt ra câu hỏi về những giới hạn mới mà các bên có thể vượt qua.

Tháng 4 chứng kiến một loạt sự leo thang chưa từng có trong cuộc xung đột Iran-Israel âm ỉ kéo dài, với việc cả hai nước lần đầu tiên trong lịch sử tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào lãnh thổ của nhau.

Sau những cuộc tấn công này, trong bối cảnh chiến sự cũng đang kéo dài trên dải Gaza, nhiều yếu tố sẽ tác động đến an ninh khu vực và môi trường chính trị trong tương lai. Các chuyên gia của Viện Trung Đông, cơ quan nghiên cứu tại Washington đã bình luận về những điều cần thiết duy trì ổn định và các con đường ngoại giao có thể diễn ra.

Xung đột Trung Đông sẽ đi về đâu?- Ảnh 1.

Trung Đông chứng kiến loạt leo thang chưa từng có trong các xung đột âm ỉ kéo dài, đặt ra câu hỏi về những giới hạn mới mà các bên có thể vượt qua. (Ảnh minh họa)

Leo thang Iran-Israel làm khó đàm phán Israel - Hamas

Theo chuyên gia Randa Slim, quá trình hòa giải ba bên do Qatar, Ai Cập và Mỹ đứng đầu giữa Israel và Hamas cho đến nay đã không thể tạo ra thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo thứ hai, từ đó tìm kiếm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Nó cũng đồng thời khiến việc thả các con tin Israel và tù nhân Palestine bị giữ ở Israel không thành hiện thực.

Mặc dù không có bên nào trong cuộc đàm phán tuyên bố từ bỏ, nhưng cả hai bên xung đột, Israel và Hamas, đều không sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ cứng rắn cần thiết để đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc xung đột Iran-Israel sẽ chỉ làm phức tạp thêm triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Quá trình hòa giải Israel-Hamas bị trì hoãn trong khi những căng thẳng mới xuất hiện có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong động lực xung đột ở Gaza, do áp lực bên trong, bên ngoài hoặc cả hai, làm thay đổi đáng kể tính toán của các bên về giá trị của việc đạt được thỏa thuận.

Ngoài ra, tuy tổ hòa giải ba bên có quyền tiếp cận và được hai bên tham chiến chấp nhận nhưng cũng không được bên nào tin tưởng hoàn toàn. Mỗi thành viên trong nhóm đưa ra chương trình nghị sự riêng của mình, điều này khiến cho các cuộc đàm phán về mục tiêu mong muốn trở nên khó khăn. Quan điểm khác biệt từ bên trong cũng cản trở khả năng các bên đưa ra quyết định cuối cùng.

Sự gia tăng đối đầu giữa Iran-Israel cũng như sự leo thang ngày càng gia tăng trong các cuộc đụng độ ở biên giới Hezbollah-Israel, nơi các quy tắc từng chi phối các cuộc xung đột bị đảo ngược, chỉ càng tạo thêm yếu tố khó lường cho tình hình vốn đã đầy biến động. Các xung đột này đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc chiến ở Gaza và khiến các nhà lãnh đạo Israel và Hamas đưa ra quyết định khó khăn hơn. Tehran cũng có thêm vai trò tại bàn ra quyết định, làm phức tạp thêm quá trình đàm phán.

Xác định “ranh giới đỏ” mới

Theo chuyên gia Robert S. Ford, một trong những thời điểm nguy hiểm nhất trong chính trị quốc tế đang xảy ra khi các bên có vũ trang cố gắng vẽ lại “ranh giới đỏ” của họ, như Iran và Israel. Mỗi bên đều muốn thiết lập lại khả năng răn đe của mình đối với bên kia, và có thể tính toán sai lệch dẫn đến vượt qua các ranh giới và rơi vào một cuộc va chạm vũ trang ngoài ý muốn.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu sắp tới sẽ là phải là vạch ra ranh giới đỏ nằm ở đâu và các bên phải hiểu rõ "ranh giới đã được vẽ lại" của nhau.

Hành động ngoại giao của các bên thứ ba liên quan, bao gồm cả Mỹ, có thể giúp các bên đạt được sự thấu hiểu này. Trong trường hợp Iran và Israel không duy trì quan hệ trực tiếp, các chính phủ khác sẽ phải là người đưa ra thông điệp và có khả năng là người trung gian cho quá trình xác định các quy tắc mới. Các bên thứ ba cũng sẽ cần góp phần đảm bảo họ tôn trọng ranh giới đỏ của nhau.

Một vấn đề trước mắt là các cuộc tấn công của Hezbollah vào các cộng đồng ở miền bắc Israel, khiến cư dân ở đây phải sơ tán. Việc Washington hay các bên có trung gian thành công giữa Israel và Iran hay không sẽ đòi hỏi không chỉ việc sử dụng đòn bẩy mà còn là duy trì sự ảnh hưởng và tham gia liên tục. Trong khi đó việc duy trì ảnh hưởng của chính quyền Mỹ đối với Israel-Iran được cho là sẽ khó khăn hơn do họ có nhiều ưu tiên nội bộ ở Washington vào năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại