Phương Tây vượt “lằn ranh đỏ”, Nga - Ukraine không nhượng bộ đối phương
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái, phương Tây từ chối cung cấp vũ khí tấn công cho Kiev nhưng lập trường này đã dần thay đổi. Những lằn ranh đỏ mà chính Mỹ và các nước NATO đặt ra đã bị vượt qua. Ngay cả Đức ban đầu từ chối hỗ trợ vũ khí tấn công cho Ukraine cũng đã có sự dịch chuyển. Berlin hiện cam kết cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời nhất trí để các quốc gia sở hữu loại xe tăng này hỗ trợ cho Kiev. Thủ tướng Olaf Scholz gần đây cũng thông qua việc cung cấp xe chiến đấu bộ binh để hỗ trợ Ukraine đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga. Sự thay đổi lập trường của phương Tây đã cho thấy sự biến động và khó đoán của cuộc xung đột này.
Binh lính Ukraine ở Bakhmut ngày 7/2/2023. Ảnh: AFP
Trước câu hỏi liệu xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào, hầu hết các nhà phân tích an ninh, các quan chức và cựu quan chức đều nhận định với Defense News rằng: Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài ít nhất một vài năm hoặc thậm chí không bao giờ kết thúc. Cuộc xung đột này cũng đặt sức ép lên ngành quốc phòng Mỹ và châu Âu, đặc biệt trong việc sản xuất đạn dược và khiến Nga đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, nguy cơ leo thang hạt nhân vẫn chưa thể loại bỏ.
Một số nhà quan sát cho rằng kết cục cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ và phương Tây cho nước này nhưng họ cũng cảnh báo, định nghĩa về chiến thắng của các bên có lẽ không giống nhau.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định với báo giới trong chuyến thăm Đức vào tháng trước rằng: “Năm nay sẽ rất khó khăn để đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine hoặc các khu vực mà Nga kiểm soát. Điều đó không có nghĩa là nó không thể xảy ra hay sẽ không xảy ra mà là rất khó xảy ra".
Ông Milley cũng nhận định, cuộc xung đột có thể sẽ kết thúc trên bàn đàm phán vào một thời điểm nào đó. Các quan chức và chuyên gia cho rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào mùa xuân bởi Moscow đang điều thêm quân tới chiến trường và tiến công dồn dập gần đây.
Giữa bối cảnh xung đột bước sang năm thứ hai, sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine vẫn tiếp tục nhưng một số quốc gia bắt đầu xem xét lại kho vũ khí để đảm bảo khả năng phòng thủ của mình cũng như của NATO.
Cùng lúc đó, ở Mỹ xuất hiện một số quan điểm cho rằng liệu một cuộc xung đột ở châu Âu với thời gian kéo dài không xác định có gây ra phiền phức cho Washington hay không.
Khi được hỏi về khả năng xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài trong bao lâu, các nhà phân tích tại Mỹ và châu Âu đều đưa ra những nhận định tương tự với khung thời gian từ vài tháng cho tới vài năm và thậm chí "không xác định".
Yohann Michel, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin dự đoán "những tháng dài" đang ở phía trước trong khi Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân ở Washington dự đoán, giao tranh Nga - Ukraine sẽ kéo dài thêm một vài năm.
"Những cuộc chiến thường có xu hướng tiếp diễn lâu hơn so với dự đoán, đặc biệt là xung đột giữa các quốc gia. Lịch sử đã cho chúng ta thấy các cuộc chiến kéo dài như thế nào, nên có thể cuộc xung đột này sẽ diễn ra trong một vài năm", ông Kofman cho hay.
Trong khi đó, nhà phân tích Italy - Lucio Caracciolo thậm chí cho rằng "cuộc xung đột này sẽ không có hồi kết mà sẽ chỉ có những khoảng nghỉ dài cho các lệnh ngừng bắn".
"Nó sẽ chỉ kết thúc khi Nga hoặc Ukraine, hoặc cả hai nước sụp đổ bởi với cả hai, đây là vấn đề sống còn", ông Caracciolo đánh giá.
Ông Michel cho rằng có những nhân tố không biết trước sẽ xác định hồi kết của xung đột.
"Bên nào bắt đầu cuộc tấn công tiếp theo trước? Trời tiết đóng vai trò như thế nào? Ngoài ra, có cả những vấn đề về đạn dược. Bên nào thiếu đạn dược thì bên đó sẽ gặp rắc rối”, ông Michel đặt câu hỏi.
Còn theo ông Benjamin Jensen, một chuyên gia về chiến tranh tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế, cuộc xung đột càng kéo dài, các bên càng cạn kiệt nguồn lực và sẵn sàng đặt cược hơn. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều kiên trì theo đuổi các mục tiêu của mình và không chấp nhận nhượng bộ đối phương.
Chiến dịch tấn công mùa xuân của Nga
Theo ông Daniel Rice, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ, người năm ngoái trở thành cố vấn đặc biệt cho Chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine - Tướng Valerii Zaluzhnyi, ngày 24/2/2022, Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine nhưng do mặt đất không đóng băng nên xe bọc thép khó hoạt động và dễ trở thành mục tiêu. Tuy nhiên, mùa đông năm nay, Nga tiến hành các cuộc tấn công dọc các vùng đồng bằng mở và sẽ khó bị đánh bại hơn.
"Mối lo ngại ở đây là Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn và có thể giành được Kiev", ông Rice nhận định, đồng thời hối thúc phương Tây hỗ trợ vũ khí tấn công cho Ukraine để kết thúc cuộc xung đột này hay ít nhất là giành chiến thắng trong cuộc tấn công trên.
Thách thức của Ukraine, theo ông là việc huấn luyện và trang bị các phương tiện và vũ khí hiện đại để bao vây các lực lượng của Nga. Binh lính Ukraine sẽ phải học cách vận hành và duy trì các gói hỗ trợ gần đây của phương Tây, trong đó có xe chiến đấu bộ binh Marder và Bradley từ Mỹ và Đức cùng với xe tăng hạng nặng Challenger 2, Leopard 2 và Abrams từ Anh, Đức và Mỹ. Ngoài ra còn có xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC từ Pháp.
Các lực lượng của Nga đang cố gắng làm tiêu hao xe tăng của Ukraine bằng mìn, hào chiến và thiết lập tuyến phòng thủ "răng rồng". Ngoài ra, quy mô của vùng lãnh thổ mà Ukraine muốn giành lại khiến nước này cần có thời gian và thậm chí việc xây dựng lực lượng cần thiết sẽ phải mất khoảng 6 tháng, Thiếu tướng Mỹ đã nghỉ hưu Patrick Donahoe cho hay./.