Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) chụp ảnh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2017. Ảnh: AP
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mối quan hệ này dường như tiến triển tốt đẹp cho đến gần một tháng trước, khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel. Trung Quốc vẫn chưa lên án lực lượng này. Bắc Kinh cũng phủ quyết đề xuất do Mỹ hậu thuẫn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng trước vì không kêu gọi ngừng bắn trong cuộc xung đột ở Gaza.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột ở Gaza đã bộc lộ những hạn chế trong mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Israel. Tuy nhiên, mức độ tác động đối với chính sách Trung Quốc của Israel vẫn còn phải xem xét.
Ông Gedaliah Afterman, Giám đốc Chương trình chính sách châu Á tại Viện Ngoại giao và Quan hệ đối ngoại Abba Eban ở Israel, nhận định việc Trung Quốc không lên án Hamas đã khiến Israel nhận ra rằng Trung Quốc đang chọn đứng về phía bên nào.
Theo nhà phân tích Afterman, chuyến thăm Trung Đông của đặc phái viên Trung Quốc Zhai Jun cho đến nay không có điểm dừng ở Israel cũng phản ánh ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh đối với các quốc gia Arab so với đối tác kinh tế Israel.
Ông Zhai đã đến thăm Qatar, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Jordan trong hai tuần qua, nhưng không tới Israel và Palestine. Đặc phái viên Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và nhấn mạnh lệnh ngừng bắn là cần thiết.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia, ông Zhai cũng nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng các cuộc đàm phán hòa bình trên cơ sở “giải pháp hai nhà nước là lối thoát thực tế duy nhất”.
Ông Guy Burton, nhà bình luận về quan hệ Trung Quốc - Trung Đông có trụ sở tại Brussels, nhấn mạnh: “Do Trung Quốc và Israel có quan điểm khác nhau về diễn biến của cuộc xung đột, tôi không nghĩ hai nước này có đủ khả năng để thúc đẩy bất kỳ hình thức đối thoại nào”.
Theo quan điểm của ông, trong khi Bắc Kinh kêu gọi tiến trình hòa bình mà không đưa ra kế hoạch cụ thể sau đó, Israel lại bác bỏ hiện trạng này và lựa chọn sử dụng vũ lực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng nước này sẽ không đồng ý ngừng bắn vì điều đó đồng nghĩa với việc đầu hàng Hamas.
Khói bốc lên sau vụ tấn công bằng rocket gần thành phố Haifa, Israel ngày 13/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyên gia phân tích Burton cho hay trong bối cảnh cuộc xung đột ở Dải Gaza đang bước sang tuần thứ 4, Trung Quốc đang củng cố vị thế ở thế giới Arab rộng lớn hơn.
Hôm 27/10, Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vữn” ở Gaza. Theo Liên hợp quốc, Israel và Mỹ nằm trong số 14 quốc gia bỏ phiếu phản đối dự luật do các nước Arab đề xuất.
Trong khi Ngoại trưởng Israel Eli Cohen không ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố nghị quyết này phản ánh yêu cầu mạnh mẽ của đa số các quốc gia, nhấn mạnh rằng lịch sử không công bằng với người Palestine không nên tái diễn.
Trung Quốc và Israel đã thúc đẩy quan hệ kinh tế trong thập kỷ qua, đặc biệt là về đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến của Tel Aviv. Theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Israel, trong số các khoản đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ cao, phần lớn vốn đổ vào khoa học đời sống, các công ty phần mềm và công nghệ thông tin.
Thương mại song phương cũng tăng trưởng nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Israel sau Mỹ.
Kim ngạch thương mại chủ yếu xuất phát từ hoạt động nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Israel, đã tăng hơn gấp đôi từ 8,22 tỷ USD năm 2013 lên 17,62 tỷ USD năm 2022.
Hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã mời Thủ tướng Netanyahu tới thăm cấp nhà nước vào thời điểm mối quan hệ giữa Mỹ và Israel gặp nhiều bất đồng. Ông Netanyahu đã xác nhận chuyến thăm này, được cho là được lên kế hoạch hồi tháng trước, nhưng đã không diễn ra sau khi xung đột nổ ra.
Các nhà phân tích cho rằng quan hệ Trung Quốc - Israel, cũng như lập trường của Trung Quốc về xung đột Israel - Palestine, phần lớn bị ảnh hưởng bởi động lực địa chính trị và lập trường thân Israel của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Ông Afterman cho rằng Trung Quốc và Israel đã cố gắng duy trì mối quan hệ đối tác kinh tế cùng có lợi, bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang trong những năm qua. Theo ông, Bắc Kinh vẫn quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác kinh tế với Israel.
“Cuộc xung đột ở Dải Gaza đã bộc lộ những hạn chế trong mối quan hệ Trung Quốc - Israel và có lẽ đã hạn chế triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chính trị chặt chẽ hơn giữa hai nước”, ông nhận định.