Xung đột ở Dải Gaza: "Cú chuyển mình" khiến Israel ngỡ ngàng

Xuân Mai |

Khác với nhiều năm trước, sự cải tiến về vũ khí cũng như chiến lược của các nhóm vũ trang Palestine buộc Israel phải tính toán lại phương án đối phó.

Hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” của Israel đánh chặn một quả rốc-két phóng từ Dải Gaza hôm 11-5 Ảnh: REUTERS

Hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” của Israel đánh chặn một quả rốc-két phóng từ Dải Gaza hôm 11-5 Ảnh: REUTERS

Đụng độ giữa Israel và lực lượng Hồi giáo vũ trang Hamas những ngày qua được xem là khốc liệt nhất kể từ cuộc chiến năm 2014 tại Dải Gaza. Căng thẳng leo thang sau khi Israel hạn chế tiếp cận khu vực thành cổ Jerusalem trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, trục xuất nhiều gia đình Palestine sinh sống lâu năm ở phía Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư.

Điểm yếu của "Vòm sắt"

Kể từ khi giao tranh giữa quân đội Israel và nhóm vũ trang Palestine nổ ra trên Dải Gaza hôm 10-5, theo giới chức y tế Dải Gaza, ít nhất 119 người Palestine, gồm 31 trẻ em thiệt mạng và hơn 830 người bị thương. Số thương vong phía Palestine được cho là còn tiếp tục tăng. Trong khi đó, các đợt tấn công rốc-két của phong trào Hồi giáo Hamas khiến ít nhất 7 người Israel và 1 công dân Ấn Độ thiệt mạng.

Đòn tấn công "ăn miếng trả miếng" giữa hai bên đến nay đã cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật của các nhóm vũ trang Palestine, cụ thể là nhóm Hamas, cũng như điểm yếu của hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm sắt" thuộc lực lượng Israel.

Theo tờ Jerusalem Post, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm 12-5 cho biết 1.050 quả rốc-két và đạn cối do lực lượng Hamas tại Dải Gaza phóng đi đã bay về phía nước này trong 3 ngày qua tính từ tối 10-5 (giờ địa phương). Trong số đó, 850 quả đã rơi xuống Israel trong khi 200 quả rơi xuống Dải Gaza và vùng giáp ranh. Theo phát ngôn viên IDF Hidai Zilberman, lá chắn "Vòm sắt" của Israel đã đạt được tỉ lệ đánh chặn 85%-90% đối với các rốc-két lao xuống khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, một số đã gây thiệt hại cho Israel, như một quả rơi trúng đường ống dẫn dầu gần Ashkelon gây hỏa hoạn lớn. Theo giới chuyên gia, tỉ lệ đánh chặn của "Vòm sắt" rất ấn tượng nhưng chưa đủ để đối phó sự áp đảo từ phía bên kia chiến tuyến.

Hệ thống "Vòm sắt" do Công ty Công nghệ quốc phòng Rafael phát triển và đã có kinh nghiệm thực chiến trong một thập niên qua. Hiện có 10 hệ thống "Vòm sắt" di động đang được sử dụng ở Israel. Người đứng đầu Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel, Moshe Patel, cho biết hơn 2.400 rốc-két đã bị đánh chặn trong 10 năm qua tính đến tháng 1 năm nay.

Một khẩu đội "Vòm sắt" hoàn chỉnh thường được bố trí 3-4 bệ phóng, mỗi bệ được lắp khoảng 20 tên lửa đánh chặn Tamir. Hệ thống này được thiết kế để đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn rốc-két, đạn pháo, đạn cối nhưng cũng có thêm chức năng đánh chặn tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ. Với khả năng đánh chặn từ khoảng cách tối đa lên đến 70 km, "Vòm sắt" được đánh giá đủ sức bảo vệ khu vực rộng khoảng 150 km2 an toàn trước mối nguy tấn công bằng tên lửa. Theo hãng Deutsche Welle (Đức), các chuyên gia tính toán rằng cần có 13 hệ thống như thế để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Israel.

Cục diện thay đổi

Tuy hiệu quả cao nhưng chỉ riêng "Vòm sắt" thì không đủ độ bao quát trước hàng ngàn rốc-két của Hamas. Theo tờ The Jerusalem Post, phong trào Hamas dường như đang thực hiện chiến lược "giội mưa rốc-két" để kiểm tra giới hạn của "Vòm sắt".

Trong cuộc chiến tại Dải Gaza năm 2014, lực lượng Hamas phóng gần 4.000 quả rốc-két nhưng trải dài trong hơn 50 ngày và nhiều nhất là vài chục quả mỗi ngày. Ngoài ra, phần lớn các tên lửa này được bắn ở hành lang Gaza vì Hamas có số lượng tên lửa hạn chế có khả năng vươn tới Tel Aviv và các khu vực khác. Nhưng trong cuộc chiến đầu tuần này, Hamas dường như đã bắn thành công hơn 100 quả rốc-két trong vòng vài phút, trong đó có một số lượng lớn tập trung vào thủ đô Tel Aviv. Dường như quy mô chiến dịch tấn công lần này đã khiến giới lãnh đạo quân đội, tình báo Israel bất ngờ.

Những đòn tấn công của lực lượng Hồi giáo Hamas từ Dải Gaza nhằm vào Israel hồi năm 2014 ít hiệu quả nhưng đòn đánh lần này đã gây ra thương vong cho phía Israel. Điều này đặt ra nghi vấn liệu Hamas đã nắm được điểm yếu của "Vòm sắt" là không thể đánh chặn hiệu quả khi bị tấn công bởi số lượng lớn tên lửa, rốc-két.

Đây được đánh giá một bước nhảy vọt cả về số lượng rốc-két được sử dụng nhằm vào Tel Aviv và khả năng của nhóm này khi bắn một lượng lớn rốc-két cùng lúc. Câu hỏi lớn hơn được đặt ra là liệu ước tính của giới tình báo Israel có chính xác hay không khi cho rằng phong trào Hamas chỉ có vài trăm quả rốc-két có thể vươn tới Tel Aviv. Trong trường hợp Hamas có nhiều tên lửa tầm xa hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của Israel đối với cuộc giao tranh lần này.

Hơn nữa, một tên lửa Tamir được cho là có giá khoảng 80.000 USD. Đây là một trong những nguyên nhân chúng chỉ được phóng đánh chặn khi các rốc-két hướng tới khu vực đông dân cư. IDF cho biết Israel đang đối diện với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ thiết bị bay không người lái của Hamas ở Dải Gaza. Hamas gọi đây là "thiết bị bay không người lái tự sát Shehab".

Nếu Hamas và Hezbollah bắt tay...

Khác với Hamas, các quan chức tình báo và an ninh quốc gia Israel từ lâu đã cảnh báo rằng phong trào Hồi giáo Hezbollah có đủ số lượng tên lửa để tấn công nước này với hơn 1.000 quả rốc-két trong một ngày, số lượng có thể xuyên thủng lá chắn "Vòm sắt". Phong trào Hezbollah có hơn 150.000 tên lửa, bao gồm hàng trăm tên lửa tiên tiến, điều đó đồng nghĩa với việc 1.000 tên lửa được phóng đi mỗi ngày thậm chí không ảnh hưởng gì đến kho vũ khí của nhóm này.

Nhiều chuyên gia lo ngại bạo lực giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza có thể lan rộng đến những nơi khác trong khu vực sau khi 3 rốc-két được bắn về phía Tây Galilee từ lãnh thổ Lebanon nhưng rơi xuống Địa Trung Hải. Động thái này diễn ra được cho là có liên quan đến phong trào Hezbollah ở Lebanon nhằm ủng hộ các lực lượng ở Dải Gaza.

Dù vậy, chuyên gia quân sự Lebanon Nizar Abdel Qader cho rằng Hezbollah không có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp nếu can thiệp vào các cuộc đối đầu giữa Palestine và Israel. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Máy bay không người lái thuộc Trường ĐH Bard (Mỹ), phong trào Hamas và Hezbollah đã phát triển và vận hành các máy bay không người lái nhắm vào Israel trong gần một thập niên qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại