Theo thông báo, các phi hành đoàn của máy bay Su-25 đã tấn công các cứ điểm của Ukraine ở khu vực Donetsk. Cuộc tấn công được thực hiện bằng rocket S-8. Các mục tiêu bị tấn công từ độ cao cực thấp, chỉ 25 m.
Thông tin sơ bộ cho thấy tất cả các mục tiêu được chỉ định đều đã bị tấn công.
Bộ Quốc phòng dẫn lời một phi công cho biết: “Chúng tôi được lệnh loại bỏ cứ điểm của đối phương. Chúng tôi tiếp cận khu vực đúng giờ, bắn trúng mục tiêu, thực hiện cơ động chống tên lửa, quay trở lại sân bay và hạ cánh”.
Nga đánh chặn 12 tên lửa nhằm vào Belgorod
Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/1 cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ sáu tên lửa Tochka-U và sáu tên lửa Olkha trên Vùng Belgorod.
“Sáng nay, 3/1, một nỗ lực khác của Ukraine nhằm thực hiện một cuộc tấn công vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga với tên lửa phóng từ Tochka-U và Olkha đã thất bại. 12 tên lửa đã bị bắn hạ trên Vùng Belgorod”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Phía Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Cùng ngày, Thống đốc Sevastopol - ông Mikhail Razvozzhayev cho biết trên Telegram rằng một tên lửa đã bị bắn hạ trên vùng biển gần thành phố thuộc bán đảo Crimea.
Theo thông tin ban đầu, không có thiệt hại nào về cơ sở hạ tầng. Tình hình hiện đang nằm trong tầm kiểm soát.
Thành phố Sevastopol là nơi đặt căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen Nga.
Ukraine tự quyết định cách sử dụng tên lửa Mỹ
Đại sứ Mỹ tại Ukraine - Bridget Brink hôm 2/1 cho biết các chỉ huy quân đội Ukraine sẽ tự quyết định cách sử dụng tên lửa của bệ phóng HIMARS mà Washington cung cấp cho nước này.
Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 30 hệ thống pháo phản lực phóng loạt cơ động cao HIMARS kể từ giữa năm 2022. Các loại đạn mà Washington cung cấp cho Kiev có tầm bắn lên tới 160 km, nhưng Ukraine đã nhiều lần yêu cầu tên lửa tầm xa hơn.
Trả lời phỏng vấn tờ Strana hôm thứ Ba, Đại sứ Brink cho biết các chỉ huy quân đội Ukraine sẽ “đưa ra quyết định một cách độc lập về phạm vi tấn công” bằng đạn cho hệ thống HIMARS mà Mỹ dự định cung cấp trong “tương lai gần”.
Theo một bài báo của tờ Washington Post được đăng tải hồi đầu năm 2023, Ukraine thực hiện các vụ phóng HIMARS bằng cách sử dụng “tọa độ cụ thể do quân đội Mỹ cung cấp”, nhưng lại tự chọn mục tiêu. Một quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh rằng Mỹ cung cấp tọa độ và thông tin nhắm mục tiêu “nhưng chỉ trong vai trò cố vấn”.
Hồi tháng 10, Kiev khoe về việc sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa hơn do Mỹ “bí mật” cung cấp. Trên thực tế, Nhà Trắng đã gửi một số lượng nhỏ tên lửa loại này cho Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu săn mìn Anh tặng cho Ukraine
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không cho phép hai tàu săn mìn mà Anh tặng Ukraine đi qua lãnh hải của nước này trên đường tới Biển Đen.
Tháng trước, Anh tuyên bố sẽ chuyển hai tàu săn mìn của Hải quân Hoàng gia Anh cho Hải quân Ukraine để giúp tăng cường các hoạt động trên biển của Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây đã thông báo với các thành viên trong liên minh rằng nước này sẽ không cho phép các tàu săn mìn Anh đi qua Eo biển Bosphorus và Dardanelles trên Biển Đen chừng nào xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt Công ước Montreux 1936, ngăn chặn việc đi lại của tàu quân sự thuộc các bên tham chiến.
Công ước không áp dụng với các tàu trở về căn cứ, nhưng cả Nga và Ukraine đều không bày tỏ ý định đưa tàu chiến đi qua các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ tới Biển Đen trong lúc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó cũng cảnh báo các quốc gia không giáp Biển Đen không đưa tàu chiến đi qua các eo biển nói trên.
Theo Công ước Montreux, tàu chiến của các bên không tham chiến có thể đi qua các eo biển trong thời gian chiến tranh. Nhưng công ước cũng ghi rõ Ankara có quyền đưa ra quyết định cuối cùng về việc di chuyển của tất cả các tàu chiến, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy mình có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai Montreux một cách khách quan và tỉ mỉ để ngăn chặn leo thang ở Biển Đen, Ankara cho biết. Nước này duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Kiev và Mátxcơva bất chấp xung đột.