Khói lửa bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 24/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trên Kênh phát thanh quân đội Israel, ông Smotrich cho biết cuộc xung đột này tiêu tốn của Israel khoảng 1 tỷ shekel (246 triệu USD) mỗi ngày, song không đề cập đánh giá thiệt hại gián tiếp về kinh tế hiện đang bị tê liệt một phần do giao tranh giữa hai bên.
Trước đó, S&P Global đã hạ dự báo triển vọng kinh tế của Israel từ mức ổn định xuống mức âm. Ông Smotrich cho rằng việc S&P Global hạ dự báo triển vọng kinh tế Israel phát đi tín hiệu báo động.
Trong khi đó, tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia ngày 25/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng xung đột Hamas-Israel đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế của các quốc gia gần đó như Ai Cập, Liban và Jordan. Bà bày tỏ lo ngại cuộc xung đột này sẽ cướp đi nhiều sinh mạng, tàn phá và làm suy giảm hoạt động kinh tế. Bà nhấn mạnh khó khăn chồng chất khi xung đột tại Trung Đông xảy ra tại thời điểm tăng trường kinh tế chậm chạp, lãi suất cao và chi phí nợ tăng do COVID-19 và xung đột,...
Cũng tại sự kiện này một ngày trước, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Ajay Banga nhận định xung đột Hamas-Israel có thể giáng đòn“nghiêm trọng” đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).