Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn

Ngọc Văn - Quang Phúc |

Sáng 28/2 tại Huế diễn ra lễ di quan, an táng cụ Lê Thị Dinh (còn gọi là Cô Dinh) - người được xem là “cung nữ cuối cùng”, “cung nữ đặc biệt” của triều Nguyễn. Lễ tang diễn ra trang trọng trong tình cảm sẻ chia ấm áp của người thân, con cháu, gia tộc và người dân Huế.

Trước đó vào 13h45’ ngày 21/2 tại phủ Kiên Thái Vương (đường Phan Đình Phùng, TP Huế), cụ Lê Thị Dinh - người được xem là “cung nữ cuối cùng” triều Nguyễn, đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 102 tuổi.

Cụ Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai thứ ba của vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ Dinh theo đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại về ở tại cung An Định (Huế) để chăm lo cho Hoàng Thái hậu.

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 1.

Cô Dinh thời còn trẻ. Ảnh T.L

Bà là người hầu cận đức Từ Cung cho đến ngày Hoàng Thái hậu qua đời tại Huế vào năm 1980.

Sau khi đức Từ Cung mất, cụ Dinh về ở tại phủ Kiên Thái Vương (đường Phan Đình Phùng, TP Huế) cùng các con và chuyên lo thờ tự, hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn là Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định, Bảo Đại.

Những năm qua, cụ Dinh được biết đến như là “cung nữ cuối cùng” của triều Nguyễn tại Huế (1802-1945).

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 2.

Phủ Kiên Thái Vương.

Cụ Dinh còn là một trong các nhân chứng lịch sử hiếm hoi về triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam tại Cố đô Huế.

Nhiều nhà nghiên cứu khi nhắc đến cụ Dinh thường gọi bằng danh xưng thành kính là “Cô Dinh”. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TT-Huế qua trao đổi với PV, khi nhắc đến cụ Dinh cũng dùng đến danh xưng này.

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 3.

Tang lễ cụ Dinh tổ chức theo nghi thức Phật giáo.


Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 4.

Và gắn với lễ nghi truyền thống dân gian.

Còn theo chia sẻ mới đây về một bài viết có tên là “Cô Dinh” của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, công việc của những người như “Cô Dinh” trong nội cung gọi là hầu cận. Các bà hầu cận nội cung này là những người được phép đụng chạm trực tiếp đến thân thể của các thái hậu, quý phi…, như để tắm rửa, mặc áo quần, chải đầu vấn khăn, làm tốt (trang điểm)…

“Họ phải là những người có vai vế cao như công chúa, quận chúa, thân cận trong hoàng tộc. Họ khác với các nữ quan hay thị nữ làm các tạp vụ, tạp dịch trong nội cung là người ngoài, thường phải giữ khoảng cách. Đối với các bà hầu cận đương nhiệm trong nội cung thì dù có là công chúa, quận chúa, người ta cũng gọi là Cô (viết hoa, nói gọn đi từ “lệnh Cô”).

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 5.

Lễ di quan.

Gọi bằng Cô đây cũng để phân biệt với cấp bậc của các bà vợ vua trong tam cung, lục viện. Các bà phi, tần, mỹ nhân trong nội cung này cao thấp có các bậc là Bà (lệnh Bà), Dì (lệnh Dì) và Chị (lệnh Tỷ).…” (theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách).

Sau khi Cô Dinh qua đời, tang lễ được gia đình, tang quyến tổ chức trang trọng, ấm áp, với sự thăm viếng, động viên của lãnh đạo của cấp chính quyền, đoàn thể tại Huế, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cơ quan báo chí…

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 6.

Tang quyến.

Tang lễ Cô Dinh diễn ra theo nghi thức Phật giáo gắn với truyền thống dân gian. Vào sáng 28/2, linh cữu của cụ Dinh đã được an táng tại khu nghĩa trang nhân dân thuộc thôn Dạ Lê Thượng (nay là phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, TT-Huế).

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 7.

Người thân, bà con dòng tộc đến chia buồn, tiễn đưa Cô Dinh về nơi an nghỉ cuối cùng. Mọi người đều tuân thủ quy định phòng chống COVID-19.


Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 8.

Nghi thức trước khi mai táng cụ Dinh tại khu nghĩa trang nhân dân ở thị xã Hương Thủy.

Cạnh nơi Cô Dinh yên giấc nghìn thu là phần mộ của người chồng Nguyễn Như Đào (tài xế một thời của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu). Cụ Đào qua đời cách đây gần 9 năm, hưởng thọ 96 tuổi.

Hình ảnh tang lễ Cô Dinh - “cung nữ cuối cùng” triều Nguyễn:

Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 9.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 10.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 11.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 12.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 13.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 14.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 15.
Xúc động tang lễ ‘cung nữ đặc biệt’ triều Nguyễn - Ảnh 16.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại