Xúc động giây phút đoàn tìm kiếm dù kiệt sức nhưng rất vui mừng nhường chai nước, gói mỳ cuối cho phi công

Duy Anh |

Đoàn tìm kiếm đã thấm mệt do phải di chuyển hàng giờ trong rừng sâu, sông suối chảy xiết, trời mưa tầm tã nhưng khi tìm được 2 phi công, đoàn vui mừng và thở phào nhẹ nhõm.

Cuộc gọi khẩn của Chủ tịch tỉnh và sự hỗ trợ nhanh chóng từ Viettel

Chiều qua (7/11), Cấp ủy, Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn Viettel Bình Định tổ chức lễ tuyên dương các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác hỗ trợ thông tin và tìm kiếm cứu nạn 2 phi công gặp sự cố trong vụ máy bay rơi một ngày trước.

Trong buổi lễ, anh Nguyễn Quang Ẩn, nhân viên kỹ thuật tại Cụm Viettel Tây Sơn - Vĩnh Thạnh thuộc Chi nhánh Công trình Viettel Bình Định, cùng các thành viên của đội hỗ trợ tại các phòng ban Viettel đã được khen thưởng vì những đóng góp tích cực.

Tổng số tiền thưởng dành cho tập thể và cá nhân trong sự kiện này là 20 triệu đồng, trong đó anh Ẩn được nhận 5 triệu đồng vì những nỗ lực đặc biệt của mình, thông tin này được đăng tải trên báo Bình Định.

Xúc động giây phút đoàn tìm kiếm dù kiệt sức nhưng rất vui mừng nhường chai nước, gói mỳ cuối cho phi công - Ảnh 1.

Giám đốc Viettel Bình Định - ông Phạm Tấn Tiến (thứ 2 bên phải) tặng giấy khen cho anh Nguyễn Quang Ẩn, nhân viên kỹ thuật tại Cụm Viettel Tây Sơn - Vĩnh Thạnh thuộc Chi nhánh Công trình Viettel Bình Định (thứ 3 bên phải) (Ảnh: Báo Bình Định).

Trước đó, theo thuật lại của tờ Tuổi trẻ, vào 14h chiều 6/11, khi đang chuẩn bị cuộc họp tại trụ sở ở TP Quy Nhơn, ông Phạm Tấn Tiến - Giám đốc Viettel Bình Định nhận được cuộc gọi từ ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Chủ tịch tỉnh Bình Định thông tin ngắn gọn cho ông Tiến về vụ rơi máy bay huấn luyện Yak-130 và 2 phi công đã nhảy dù ở huyện miền núi Tây Sơn, yêu cầu Viettel Bình Định triển khai giải pháp kỹ thuật để phát hiện vị trí 2 phi công.

Ngay khi nhận được thông tin cần ứng cứu, Viettel ngay lập tức huy động lực lượng lắp trạm di động và xe phát sóng di động định vị trên các đỉnh đồi phục vụ việc tìm kiếm.

Từ khu vực nghi ngờ, Viettel đã tiến hành kiểm tra lịch sử thuê bao của 2 phi công và khoanh vùng những trạm phát sóng mà phi công có thể nhảy xuống.

Tuy nhiên, địa hình vùng đồi núi gây khó khăn cho công tác xác định vị trí trạm phát sóng phục vụ, đội ngũ kỹ thuật của Viettel phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: Xoay chỉnh hướng và góc ngẩng ăng-ten, tăng công suất phát tối đa của các trạm phục vụ đồng thời tận dụng các giải pháp phát sóng băng tần thấp để ưu tiên tập trung tăng cường hướng phủ sóng vào khu vực vùng đồi núi và vị trí phi công có thể đáp trước đó.

Được biết, đội hỗ trợ ứng cứu của Viettel Construction chi nhánh Bình Định gồm 2 nhân viên kỹ thuật Nhà trạm và nhân viên kỹ thuật Dây máy. 

Khi nhận được lệnh từ cấp trên, 2 cán bộ lập tức di chuyển nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Dù kiệt sức nhưng rất vui mừng vì tìm được 2 phi công

Báo Bình Định thuật lời Đại tá Trần Thanh Hải - Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 cho biết, công tác tìm kiếm 2 phi công gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa to, địa hình hiểm trở, khu vực phi công nhảy dù rộng lớn với rừng núi rậm rạp. 

Đêm tối buông xuống, nhưng quyết tâm không dừng lại, gần 600 cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng dân quân tự vệ và dân địa phương đã chia thành nhiều tổ, băng rừng xuyên đêm để tìm kiếm.

Trong quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng đã huy động flycam và nhờ đến đội kỹ thuật của Viettel Bình Định để xác định vị trí các phi công.

Nhờ những nỗ lực của đơn vị viễn thông, 2 phi công lần lượt bắt được sóng và thực hiện các cuộc gọi, gửi vị trí về đơn vị. 

Bên cạnh lực lượng chính quy, người dân địa phương thông thạo địa hình cũng tham gia tìm kiếm. Các anh Đinh Méc, Đinh Văn Denh (làng Xà Tang, xã Vĩnh An), anh Nguyễn Tùng (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) và anh Nguyễn Quang Ẩn (nhân viên kỹ thuật Viettel Bình Định tại cụm Tây Sơn - Vĩnh Thạnh) đã góp công lớn trong nỗ lực đưa 2 phi công trở về an toàn.

Xúc động giây phút đoàn tìm kiếm dù kiệt sức nhưng rất vui mừng nhường chai nước, gói mỳ cuối cho phi công - Ảnh 2.
Xúc động giây phút đoàn tìm kiếm dù kiệt sức nhưng rất vui mừng nhường chai nước, gói mỳ cuối cho phi công - Ảnh 3.

Niềm vui của lực lượng tìm kiếm khi tìm được vị trí của 2 phi công (Ảnh; Báo Bình Định).

Là người trực tiếp cùng tham gia cứu hộ, anh Nguyễn Quang Ẩn, 34 tuổi nói: “Khi đó là tầm 16h hơn, khi đang lắp trạm phát sóng tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn thì nhận được cuộc gọi của giám đốc kỹ thuật huyện. Ngay lập tức, tôi lên đường nhận nhiệm vụ. Mặc dù đã nhận được vị trí tọa độ của 2 phi công, nhưng do di chuyển trong rừng sâu, trời lại tối, tín hiệu lúc được lúc không nên tôi cùng đoàn cứu hộ phải vừa đi vừa hú gọi và cuối cùng cũng nhận được đáp lại của anh Quân. Và sau đó chúng tôi tiếp tục tìm thấy anh Sơn ở vị trí cách đấy chỉ 1km.

Lúc đó, cả đoàn đã thấm mệt do phải di chuyển hàng giờ trong rừng sâu, sông suối chảy rất xiết, trời thì mưa tầm tã, tuy nhiên khi tìm được 2 anh cả đoàn đều vui mừng và thở phào nhẹ nhõm".

Xúc động giây phút đoàn tìm kiếm dù kiệt sức nhưng rất vui mừng nhường chai nước, gói mỳ cuối cho phi công - Ảnh 4.

Vị trí tìm thấy 2 phi công chỉ cách nhau 1km (Ảnh: Viettel construction).

Kể lại chi tiết về hành trình tìm kiếm 2 phi công trên tở VnExpress, anh Ẩn cho biết khi được yêu cầu tham gia đoàn cứu hộ 2 phi công mất tích đã lập tức vào trạm phát sóng ở xã Vĩnh An xoay hướng ăng-ten thu phát về hướng núi để hỗ trợ sóng tìm kiếm.

Khoảng 17h30', khi nhận được thông tin vị trí của phi công gặp nạn từ công ty, anh Ẩn cùng hàng chục người cứu hộ tiến vào rừng sâu tìm kiếm.

Cứ đi được một đoạn anh Ẩn lại mở điện thoại dò sóng để xác định vị trí và điều hướng tới nơi phi công gặp nạn. Bốn người dân địa phương có nhiệm vụ phát lối đi, tìm đường gần nhất theo vị trí định hướng của anh Ẩn.

Đến 20h - mười tiếng sau khi hai phi công nhảy dù, đoàn cứu hộ tìm thấy Thượng tá Nguyễn Hồng Quân. Anh Quân mặc áo mưa và ăn mì gói, uống nước hồi sức, rồi được mọi người dẫn xuống núi.

"Lúc ấy cả nhóm đã mệt lả, dự định quay về, song khi tôi mở máy thấy tọa độ của anh Sơn (Đại tá Nguyễn Văn Sơn) cách đó khoảng 600 mét đường rừng", anh Ẩn kể lại với tờ VnExpress.

Xúc động giây phút đoàn tìm kiếm dù kiệt sức nhưng rất vui mừng nhường chai nước, gói mỳ cuối cho phi công - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Quang Ẩn (ngoài cùng bên trái) cùng lực lượng cứu hộ tìm thấy Đại tá Nguyễn Văn Sơn (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân).

Sợ anh Sơn trong rừng qua đêm mưa ướt lạnh sẽ rất nguy hiểm, đoàn thống nhất để các thành viên đuối sức hỗ trợ đưa phi công Quân xuống núi trước. Vài người còn lại tiếp tục dò dẫm từng bước một, mất gần 3 giờ nữa họ mới nghe tiếng gọi của phi công Sơn.

"Lúc tìm được anh Sơn, mọi người gần như kiệt sức, tất cả đều bị căng cơ và đói, khát. Còn một chai nước không ai dám uống và 2 gói mì, chúng tôi để dành cho phi công. Khi đi qua suối, khát quá cả đoàn đành uống tạm nước suối để tiếp tục hành trình", anh Ẩn kể thêm.

Tờ Tuổi trẻ dẫn thêm chia sẻ của anh Ẩn cho hay lúc tìm được, 2 phi công rất vui mừng, liên tục cảm ơn. Qua trò chuyện, họ cho biết đã cố gắng tìm đường xuống núi nhưng lội xuống thấy sông, lội lên thấy rừng, không xác định được phương hướng nên quyết định ở tại chỗ chờ lực lượng đến.

Như đã đưa tin, sáng 6/11, chiếc Yak-130 thuộc Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng tại sân bay Phù Cát đã gặp sự cố trong lúc bay huấn luyện.

Tổ bay gồm Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, đã cố gắng khắc phục tình huống nhưng không thành công.

Hai phi công buộc phải chuyển hướng máy bay đến khu vực đồi núi để tránh thiệt hại cho dân cư trước khi nhảy dù xuống địa bàn đồi núi xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại