Bức thư của em học sinh lớp 5 gửi tới 40 trường học mong không thả bóng bay ngày khai giảng
Em Nguyễn Nguyệt Linh hiện là học sinh lớp 5, trường Marie Curie, Hà Nội. Với mong muốn lễ khai giảng không thả bóng bay - rác thải nhựa lên trời, Nguyệt Linh đã lên ý tưởng viết một bức thư, tự tìm kiếm địa chỉ email và gửi thư cho hơn 40 trường học ở Hà Nội.
Nguyệt Linh đại diện cho thế hệ trẻ hiện nay đang phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề của vấn nạn rác thải nhựa. Sau khi theo dõi hành trình xuyên Việt chụp 3.000 bức ảnh về rác của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng, Nguyệt Linh nhận ra phần nào thực trạng của những chiếc túi nylon hay cốc nhựa, ống hút dùng một lần.
Bong bóng cũng không khác rác thải nhựa là mấy, và nếu bay lên trời, những chú chim sẽ bị ảnh hưởng.
Bức thư em Nguyễn Nguyệt Linh gửi tới các trường học ở Hà Nội.
Nguyên văn bức thư Nguyệt Linh gửi tới các trường học trên Hà Nội:
"Hà Nội, ngày 24 tháng 7, năm 2019.
Kính thưa Thầy/Cô hiệu trưởng,
Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội.
Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nylon tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.
Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển.
Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ. Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp:
Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển.
Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.
Con xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Nguyệt Linh (Marie Curie)".
Mỗi năm, vào mùa khai giảng, các trường học thường có truyền thống thả bong bóng lên trời. Ảnh minh họa.
Sau khi bức thư được gửi đi, 2 trường học trên địa bàn Hà Nội đã phản hồi và cam kết không thả bóng bay mỗi dịp khai giảng hay lễ hội.
Trước đó, trường THPT Anhxtanh đã ra quyết định không cho phép học sinh thả bóng bay trong lễ khai giảng. Thầy Đào Tuấn Đạt - hiệu trường, cho biết, hiện nay việc quản lý và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người mua và bán bóng bay chứa hydro chưa chặt chẽ.
Hầu hết các bình, chai khí ngoài thị trường đều không được kiểm định nên tiềm ẩn nguy cơ gây nổ. Vì thế, để hạn chế tối đa mức độ nguy hiểm, trường THPT Anhxtanh không cho phép học sinh thả bóng bay trong lễ khai giảng.
"Các ông bà sẽ chết vì tuổi già, còn chúng tôi sẽ chết vì rác thải nhựa"
Theo các nghiên cứu trên thế giới, một quả bong bóng được thả lên không trung đang giết chết những con chim biển và rùa biển vì chúng dễ dàng bị nuốt chửng và làm tắc nghẽn bên trong gây ra các vật cản gây tử vong.
Một con chim biển ăn một miếng nhựa từ khinh khí cầu có khả năng tử vong 20%. Con số này sẽ con tăng nữa, tùy theo số lượng mà nó tiêu thụ.
Bong bóng được xem là một dạng nhựa mềm, chỉ chiếm một trong 20 trường hợp chim biển nuốt phải nhựa - nhưng chúng đáng trách vì đã giết chết 2/5 chú chim.
Dù nhựa cứng chiếm phần lớn các thành phần sinh vật biển nuốt phải nhưng ít có khả năng gây chết hơn so với nhựa mềm.
"Trong số những con chim chúng tôi nghiên cứu nguyên nhân gây tử vong hàng đầu là tắc nghẽn đường tiêu hóa, tiếp theo là nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác do tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Mặc dù nhựa mềm chỉ chiếm năm phần trăm trong số các mặt hàng ăn vào nhưng chúng chịu trách nhiệm cho hơn 40% tỷ lệ tử vong.
Bong bóng hoặc mảnh vỡ bóng bay là những mảnh vỡ biển có khả năng gây tử vong cao nhất và chúng đã giết chết gần một phần chim biển ăn chúng" - Nghiên cứu sinh, tiến sĩ Lauren Roman cho biết.
Hai chú chim chết do ăn phải bóng bay và ống hút nhựa. Ảnh: Lauren Roman
Trong chương trình Cất Cánh số tháng 7 mang tên "Đừng chết trong rác thải nhựa", nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chia sẻ quan điểm của anh về một trong số vấn nạn đang báo động nhất hiện nay.
"Trường học, chính là nơi giáo dục các học sinh - chủ nhân tương lại của trái đất - về bảo vệ môi trường. Không có hành động giáo dục nào hiệu quả, ý nghĩa hơn là cần có hành động thiết thực như cấm dùng nhựa sử dụng 1 lần trong nhà trường.
Thậm chí không thả bóng bay lên trời dịp khai giảng tới, không chỉ vì rất lãng phí, không chỉ nguy hiểm cháy nổ từ khí hydro mà bong bóng hoặc mảnh vỡ bóng bay là những mảnh vỡ có khả năng gây tử vong cao nhất và chúng đã giết chết gần một phần năm số chim biển ăn chúng. Đó là kết quả nghiên cứu của Đại học Tasmania, lớn hơn rất nhiều so với nhựa cứng.
Và, chúng ta phải hành động, từ giảm dùng nhựa sử dụng 1 lần lẫn phân loại rác tại nhà... Tôi không muốn nghĩ đến cảnh tượng khi chúng ta già, chúng ta sẽ nghĩ gì khi thấy những đứa trẻ giơ biểu ngữ "Các ông bà sẽ chết vì tuổi già, còn chúng tôi sẽ chết vì rác thải nhựa"- anh nói.
Cách đây không lâu, ngày 2/6/2018, đoạn clip giải phẫu xác một chú cá voi ở Thái Lan được đăng tải lên mạng xã hội từng khiến cả thế giới chấn động. Sau nhiều nỗ lực, cuộc giải cứu cá voi đi tới thất bại.
Khám nghiệm tử thi cho thấy dạ dày cá voi chứa hơn 80 túi nhựa nặng đến 8 kg, khiến nó không thể qua khỏi dù được cứu chữa.
Con cá voi hoa tiêu đực nhỏ đã trở thành nạn nhân mới nhất sau khi được tìm thấy hầu như không còn sống tại một con kênh gần biên giới với Malaysia. Nó đã nôn ra 5 chiếc túi trong suốt quá trình giải cứu trước khi qua đời.
Bên trong chú cá voi ở Thái Lan là 80 túi nylon. Ảnh: Internet.
Trước vấn đề này, ông Thon Thamrongnawasawat, nhà sinh vật biển, giảng viên tại Đại học Kasetsart, lý giải rằng những chiếc túi nhựa này đã khiến con cá voi không thể ăn bất cứ thứ thức ăn nào để có dinh dưỡng.
Ông cho biết ít nhất 300 sinh vật biển bao gồm cá voi hoa tiêu, rùa biển và cá heo bị chết mỗi năm trong các vùng nước ở Thái Lan do nuốt phải rác thải nhựa.
Năm 2014, Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) đã công bố một kết quả nghiên cứu cũng khiến nhiều người sửng sốt. Theo đó, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác thải nhựa hay chất dẻo.
Lượng rác thải nhựa do con người thải ra nhiều đến mức IRD phải lên tiếng cảnh báo về mối nguy hại từ các "đảo rác", hay còn được biết đến như "Lục địa thứ bảy" - "Lục địa rác".
Báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho hay, rác thải chất dẻo như chai nhựa, túi nilon, hộp đựng đồ ăn... là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cá heo và cá voi.
UNEP ghi nhận, đã có nhiều báo cáo về việc sinh vật biển nuốt vào bụng các chất dẻo độc hại thường tồn tại dưới dạng các mảnh vỡ nhỏ có đường kính chưa tới 5mm. UNEP cảnh báo rằng rác thải nhựa trên đại dương đang gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới ít nhất 13 tỷ USD mỗi năm, đe dọa đời sống sinh vật biển, ngành du lịch và nghề cá.
Cuộc chiến với rác thải nhựa là cuộc chiến không hề dễ dàng nhưng chúng ta phải dũng cảm đối diện và tìm mọi cách để vượt qua. Tất cả các loại nhựa: nhựa mềm, nhựa dùng một lần,... đều là mối đe dọa chết người không chỉ với chúng ta mà còn vơi các loài sinh vật.
Nếu chúng ta muốn ngăn chặn những con chim biển chết vì nuốt phải nhựa, chúng ta cần phải giảm hoặc loại bỏ các mảnh vụn biển khỏi môi trường của chúng, đặc biệt là bóng bay.