Xuất thân IT, theo đuổi phong cách "lạ", hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: "Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo"

Thúy Phương |

"Thất bại? Mình chưa hề có bất cứ thất bại nào đáng nhớ cả," chủ sở hữu của bức tranh trị giá 8.000 USD thẳng thắn chia sẻ. Ở một vị thế khác, mọi người có thể sẽ nghĩ, đây là lời nói ngông cuồng, tự đại. Nhưng với một họa sĩ trẻ sinh năm 2000, điều này chỉ chứng tỏ, hành trình của cậu ấy vừa mới bắt đầu.

Đưa nét hiện đại mang màu sắc tương lai, gắn với máy móc vào chính những đặc điểm đời sống thường ngày, đó là cách mà Đặng Thái Tuấn làm nên phong cách riêng cho các sản phẩm của mình. Nhờ sự khác biệt này, bức tranh "Hà Nội rong" của chàng họa sĩ trẻ đã được bán đấu giá thành công với mức giá lên tới 8.000 USD.

Chia sẻ với Trí Thức Trẻ về thành tựu đột phá này, Đặng Thái Tuấn cười bảo: "Mình nghĩ đa phần là nhờ may mắn. Chẳng biết bao giờ mới có được cơ hội như vậy lần nữa đâu."

Tuy nhiên, may mắn cũng là một phần của năng lực. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và rèn luyện từng ngày thì cơ may đến cũng không thể nắm chắc trong tay.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 1.

- Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với hội hoạ?

- Từ nhỏ mình đã bắt đầu cầm bút vẽ. Nó chỉ là hứng thú khởi nguồn từ những bộ phim hoạt hình, mỗi ngày vẽ một chút giống như sở thích.

Tuy nhiên, từ sở thích trở thành nghề nghiệp là cả một hành trình. Ban đầu, dù rất thích nhưng mình chưa có ý định sẽ làm họa sĩ vì mọi người đều cho rằng họa sĩ nghèo, khó kiếm tiền. Suy nghĩ này đi theo mình suốt một thời gian dài, khiến mình phải cân nhắc đến nhiều ngành nghề khác.

Thời cấp 3, mình bắt đầu tìm hiểu hai ngành. Một là Truyền thông đa phương tiện (NV1) vì thấy có liên quan tới sở thích thiết kế, và hai là ngành Công nghệ thông tin (NV2). Tuy nhiên, không may là thời điểm đó, mình lại trượt NV1 và trúng NV2. Số phận đưa đẩy như vậy đấy (cười).

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 2.

- Mọi người thường nói, IT là một ngành khô khan. Với dân nghệ thuật như bạn, điều này có "trái ngang" quá không?

Đúng là IT hơi khô khan nhưng lúc có hứng thú, có đam mê thì không cảm nhận gì đâu. Thời gian đầu, mình cũng khá thích cảm giác ngồi nhà gõ code mà có thể làm ra sản phẩm. Do đó, suốt năm nhất mình vẫn học hành chăm chỉ lắm (cười).

Tuy nhiên, đến giai đoạn mình bắt đầu kiếm ra tiền từ việc vẽ minh họa thì dần dần dồn nhiều tâm huyết hơn cho công việc hội họa. Chương trình học IT bị "bỏ bê" nhiều, sau đó chỉ mang tâm lý học cho biết, cho qua môn. Từ đó mới thấy IT trở nên khô khan hơn hẳn.

- Bắt đầu như một sở thích, từ bao giờ cây bút vẽ bắt đầu trở thành một phần sự nghiệp của bạn?

Trong thời gian học đại học, mình vẫn tranh thủ kiếm thêm công việc part-time để có tiền tiêu vặt, chẳng hạn như làm phục vụ, bán hàng… Sau đó, tình cờ thấy nhu cầu tuyển dụng freelancer thiết kế đồ họa, mình mới mạnh dạn ứng tuyển. Thời điểm ấy, mình chỉ nghĩ đơn giản là phát triển sở thích như một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Còn suy nghĩ trong đầu vẫn thiên về làm việc trong ngành Công nghệ thông tin nhiều hơn sau khi ra trường. Dù gì, mọi người cũng bảo làm IT giàu mà. (cười)

Ban đầu, mình nộp đơn cho không ít đơn vị nhưng đều không được duyệt. Giai đoạn đó chưa có sản phẩm thương mại để lại dấu ấn riêng, chỉ có tranh cá nhân "vẽ chơi chơi" nên chưa thuyết phục được nhà tuyển dụng. May mắn thay, có một start-up chuyên thiết kế niên yếu (yearbook) cảm thấy ưng phong cách của mình nên mới "gật đầu". Đó có thể coi là bước chập chững đầu tiên để mình biến sở thích thành công việc.

Trong thời gian làm việc tại đây, mình nảy ra ý tưởng vẽ những mẩu truyện tranh nhỏ, với nội dung hài hước và thân thiện tuổi học trò để đăng lên mạng xã hội, thu hút target customer. Sếp cảm thấy mới lạ nên duyệt luôn. Từ đó, mình dần chăm chút và đầu tư cho việc vẽ hơn. Bắt đầu từ việc mua dụng cụ, tự lên idea và content câu chuyện, sau đó vẽ nhiều hơn mỗi ngày thì mình từ từ "lên tay".

Khi bắt đầu nghiêm túc với việc trở thành họa sĩ, mình còn may mắn có được sự ủng hộ từ gia đình. Trong khi họ hàng, bạn bè đều không mấy tán đồng và cho rằng đây chỉ là công việc không hề ổn định, khó kiếm ra tiền thì bố mẹ của mình mang tâm lý rất thoải mái. Làm gì thì làm, miễn là không kiếm tiền phi pháp thôi.

Khi đã nhìn thấy những tiềm năng phát triển trong ngành, có được thu nhập ổn định, lại đúng sở thích cá nhân, tự nhiên suy nghĩ trong lòng sẽ nghiêng về công việc này nhiều hơn.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 3.

- Thất bại nào từng trải qua khiến bạn không thể quên?

Thất bại? Mình chưa hề có bất cứ thất bại nào đáng nhớ cả, vì nói "thất bại" thì có vẻ ghê gớm quá (cười).

Còn nếu nói là vấp váp thì phải kể đến quá trình mình dự thi cho một nhãn hàng beer và nhận về sự thua cuộc "tràn trề". Cuộc thi dựa trên kết quả tương tác (like, share, comment) trên Facebook nhưng sản phẩm của mình chỉ đạt được con số thấp dưới mức kỳ vọng rất nhiều. Điều đó khiến mình hụt hẫng mất một thời gian.

Đó là giai đoạn mà mình đã bắt đầu có được một vài sản phẩm mang dấu ấn cá nhân, thu hút được không ít người theo dõi và ủng hộ. Sản phẩm dự thi cũng được mình đầu tư nhiều tâm huyết để truyền tải mong muốn phá vỡ những rào cản cũ. Từng chi tiết trong bức tranh đều hướng tới việc theo đuổi cảm xúc và đam mê, nỗ lực bộc lộ hết sức mạnh cá nhân tiềm ẩn bên trong. Có thể nói, đó là sản phẩm mang ý nghĩa "deep" và đặc biệt nhất trong thời kỳ đó, vì đa phần những bức tranh khác mình chỉ vẽ ngẫu hứng chứ chưa gửi gắm thông điệp gì.

Do đó, mình đã mong chờ bức tranh sẽ đạt được một số dấu ấn nhất định. Khi kết quả không như ý muốn, mình khó tránh khỏi cảm giác buồn lòng và thất vọng, thậm chí đánh mất hết cảm hứng để cầm bút vẽ.

May mắn là sau khi tự động viên, lấy tinh thần và trở lại với một sản phẩm khác, mọi người đã đón nhận nhiều hơn. Mình cũng lấy đó làm niềm vui để tiếp tục theo đuổi con đường này.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 4.

- Vậy còn các khó khăn?

Từ trước đến giờ, mình đều tự tìm tòi, phát triển kỹ năng vẽ như một sở thích chứ chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Do đó, trong quá trình sáng tác, sẽ có không ít khó khăn xuất hiện, chẳng hạn sai bố cục, khó lột tả được những chất liệu ít sử dụng như mặt nước, mây trời, gỗ… Chính hình ảnh mặt nước trong tác phẩm "Hà Nội rong" cũng là một điểm yếu mà mình đang phải cố gắng tìm cách khắc phục.

Một trong những khó khăn nhất mà mình gặp chính là bố cục người. Mình thường phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần, tìm cách học hỏi từ người khác, tham khảo những video chia sẻ trên mạng… Khi vẽ cử động của con người, nếu như không có kiến thức về giải phẫu tỷ lệ người thì sẽ phải mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu.

- Bạn có đồng ý với nhận định: Cảm hứng là khởi nguồn của nghệ thuật?

Quả thật, không có cảm hứng thì khó mà sáng tác được. Mình cũng có không ít lần cạn kiệt nguồn cảm hứng, đặc biệt là liên quan tới những công việc nằm ngoài sở thích cá nhân. Đôi khi cũng do mình lười nữa. Lỡ mà cả hai nhân tố này cùng đến thì trong đầu chỉ muốn nằm chơi thôi. (cười)

Nhưng bù lại, có một nhân tố mang tính "kích thích" nhất, đem tới nhiều cảm hứng nhất chính là Deadline. Cứ khi nào bị Deadline dí sát lắm rồi, mình lại dạt dào ý tưởng, dạt dào cảm hứng, có thể làm việc vô cùng hiệu quả.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 5.

- Công việc hiện tại của bạn tại FPT Software có mối liên hệ như thế nào tới hội họa?

Mình hiện đang làm việc trong team Artist, chịu trách nhiệm vẽ hình minh họa dựa trên từng yêu cầu cụ thể. Công việc cũng tương đối khó nhằn, đôi khi khiến mình "cạn ý tưởng" nhưng đồng thời cũng đem tới những sự thay đổi tích cực.

Khi mà vẽ cho nhiều dự án, nhiều con người khác nhau thì đương nhiên mình cũng phải linh hoạt thay đổi style, trở nên đa phong cách hơn. Đó là lúc mình tiết chế style cá nhân lại, gia tăng phong cách của doanh nghiệp, cần sự trưởng thành và chuyên nghiệp nhiều hơn. Nhờ vậy, mình sẽ trau dồi thêm được nhiều kiến thức, dần dần phát triển kỹ năng của bản thân.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 6.

- Làm thế nào để bạn gắn ý tưởng của mình với phong cách "futuristic"?

"Futuristic" là cách mà mình tự gọi tên phong cách của bản thân thôi. Nói nôm na, đây là quá trình đưa những nét hiện đại mang màu sắc của tương lai, của máy móc gắn vào những hình ảnh bây giờ.

Để tạo ra một sản phẩm như vậy, ban đầu, mình xây dựng ý tưởng từ một hình ảnh chính. Chẳng hạn, trong bức tranh "Chợ dạo", hình ảnh chính đem cho mình cảm hứng sáng tạo nhiều nhất chính là cái làn. Sau đó, mình mới bắt đầu đi tìm những khía cạnh để "tô vẽ" cho nó độc đáo hơn.

Mình sẽ đặt câu hỏi là: Bình thường người ta xách làn đi chợ, tại sao không xây dựng một cái làn biết "xách" người đi chợ? 

Từ câu hỏi này, mình liên tưởng tới việc cái làn có thêm đôi chân để đi lại, có thêm cánh tay để mang vác đồ đạc. Con người sẽ đóng vai trò như đầu não, ngồi phía trên làn điều khiển. Rồi dần dần mình phát triển thêm những chi tiết cụ thể hơn để hoàn thiện bức tranh, biến sản phẩm cuối cùng trở nên logic hơn.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 7.

- Bức tranh "Hà Nội rong" vừa được bán với mức giá 8.000 USD cũng thuộc phong cách này?

"Hà Nội rong" cũng bắt đầu từ một hình ảnh chính, sau đó được thêm vào những chi tiết khác lạ để làm nổi bật lên phong cách cá nhân, tạo ra điểm nhấn cho tác phẩm. Thú thực, nhờ deadline mà mình hoàn thành tác phẩm "Hà Nội rong" chỉ trong khoảng thời gian 20 ngày, vừa kịp để tham gia cuộc thi vẽ "Hà Nội là…".

Muốn lột tả Hà Nội, đặc trưng thôi là chưa đủ, mình cũng phải tìm ra khía cạnh độc đáo nhất. Đó là lý do mà mình lựa chọn hình ảnh gánh hàng rong, cũng gắn liền với từng con phố Hà Nội nhưng chưa có nhiều người khai thác.

Sau khi chọn được hình ảnh chính, mình bắt đầu tự hỏi: Tại sao mình không để cô bán hàng rong gánh cả Hà Nội trên vai? Trong Hà Nội đó, tại sao không thêm vào những gì đặc trưng nhất chứ không chỉ đơn thuần là các tòa nhà cao tầng? 

Từ đó, những danh lam thắng cảnh, các quán ăn thân thuộc, hoạt động đặc trưng của người dân thủ đô dần dần được thêm vào, biến thành tác phẩm hoàn thiện như mọi người đã thấy.

- Có ý tưởng rồi, quá trình hoàn thiện của bạn có gặp khó khăn gì không?

Khó khăn đến từ chính những yếu điểm mà mình đã chia sẻ phía trên, đó là mặt nước, là bố cục tỷ lệ người… Hình ảnh cô gánh hàng rong theo ý tưởng ban đầu cũng là người thật, chứ không phải robot. Tuy nhiên, sau khi vẽ, bản thân mình cảm thấy khá "gượng". Đặc biệt mọi thứ cũng khó hơn khi mình lựa chọn góc nhìn từ dưới lên trên.

Cách ứng phó nhanh nhất lúc đó chính là "dùng sở trường để thay thế cho sở đoản". Nếu cô ấy hóa thân thành máy móc thì mình sẽ thoát được yếu điểm về bố cục người.

Thói quen của mình khi vẽ tranh là tập trung vẽ trong 1 tiếng, rồi nghỉ ngơi 30 phút, sau đó mới quay trở lại vẽ tiếp. Nếu vẽ liên tục sẽ rất mệt và không tốt cho mắt. Tuy nhiên, "Hà Nội rong" là một ngoại lệ mà mình dành nhiều thời gian liên tục hơn cả.

Sau khi hoàn thành cải biến, có một điều mình không thể ngờ tới là bức tranh đã sinh ra ý nghĩa khác hẳn so với ban đầu. Tác phẩm giờ đây giống như một thành phố di động, là sự đan xen giữa nét hiện đại, màu sắc tương lai với vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian của Hà Nội.

Xuất thân IT, theo đuổi phong cách lạ, hoạ sĩ 22 tuổi sớm có tranh bán đấu giá 8.000 USD: Vốn không định theo nghiệp cầm cọ vì sợ… nghèo - Ảnh 8.

- Sự thành công của "Hà Nội rong" đem tới những thay đổi gì cho bạn?

Cá nhân mình nghĩ những gì mà "Hà Nội rong" đạt được chủ yếu là nhờ yếu tố may mắn. Quả thật, nó vượt ngoài dự tính ban đầu nên mình thậm chí còn không nghĩ rằng, thành công này xuất phát từ năng lực cá nhân.

Ngay ý định bán đấu giá cũng đến một cách ngẫu nhiên, khi mà chính người thuộc ban tổ chức tìm tới mình và đề nghị. Mình chỉ nghĩ đơn giản lắm: "Đằng nào cũng không phải đóng thêm phí gì cả, người ta cũng nhiệt tình, sự kiện liên quan tới từ thiện nên ok, tham gia thôi." Lúc đó đâu có nghĩ gì đến tiền bạc đâu, có khi được vài triệu đồng là may rồi.

Ai ngờ giá khởi điểm đã là 3.000 USD, sau đó dần dần nâng lên và dừng lại ở mức cao nhất là 8.000 USD. Đây là khoản thu nhập cao nhất mà mình từng kiếm được. Ngay cả khi chương trình đã kết thúc, mình vẫn chưa dám tin rằng bản thân sẽ nhận được số tiền lớn như thế. Cho dù ban tổ chức chính miệng hẹn rằng, tiền sẽ chuyển đến sau vài ngày, mình vẫn chẳng thấy "real".

Đến lúc "ting ting", tiền thực sự được chuyển thẳng vào tài khoản, woa sốc luôn. Quả thật, nó không nằm trong chủ đích nên mình luôn cho rằng, đây là một may mắn hiếm có trong đời.

Thành tựu này mang tới cho mình một khoản thu nhập lớn. Sau khi dành một nửa để thực hiện từ thiện, mình vẫn còn đủ tiền để thực hiện một số dự định cá nhân. Một trong số đó chính là mua cho bản thân một chiếc xe máy mới để tiện đi lại (cười).

Quan trọng nhất là mình được mọi người biết đến nhiều hơn, có nhiều người ủng hộ và yêu thích hơn. Lúc nào cũng vậy, có thêm người đồng hành thì chặng đường mới trở nên lý thú.

- Cảm ơn Tuấn vì đã dành thời gian chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại