TS Lương Việt Quốc (thứ 2 từ trái sang) cùng các kỹ sư làm việc trong xưởng sản xuất drone của Công ty Real-time Robotics
Ghi tên lên bản đồ công nghệ thế giới
Công ty TNHH Real-time Robotics (RtR) Việt Nam vừa hoàn thành sản xuất đơn hàng máy bay không người lái (drone) HERA đầu tiên trị giá nửa triệu USD xuất sang Mỹ vào tháng 12-2022.
TS Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành (CEO) RtR, cho biết đây là lô hàng bán cho lực lượng cảnh sát Mỹ. RtR cũng đang xúc tiến ký hợp đồng xuất khẩu drone HERA khá lớn với một nhà mua hàng ở Anh để bán sang các nước NATO.
Drone HERA ra đời đã làm dậy sóng giới công nghệ bởi những tính năng nổi trội so với các loại drone khác dùng trong việc trinh sát, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Sản phẩm nhỏ gọn, bỏ vừa ba-lô để 1 người mang nhưng có thể nâng được 15 kg, công suất quét tìm gấp đôi, có thể thả đồ tiếp tế, phao cứu sinh ngay khi tìm thấy nạn nhân... đồng thời bảo đảm sự minh bạch và an ninh dữ liệu.
Quan trọng nhất, đây là sản phẩm của trí tuệ Việt 100%: do đội ngũ kỹ sư của RtR thiết kế, chế tạo từ thân vỏ, cánh tay, các cơ cấu để khóa, bo mạch, phần mềm điều khiển... Sản phẩm đang được nhà nhập khẩu chào bán 25.000 - 30.000 USD/chiếc (chưa kèm các tính năng phụ), cao hơn 20%-30% so với thị trường.
"Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2023 là bán hàng sang các cường quốc công nghệ, từng bước ghi tên Việt Nam vào bản đồ các quốc gia hàng đầu về sản xuất drone" - ông Quốc bày tỏ.
RtR là công ty đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) để mở nhà máy sản xuất drone vào năm 2017 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 13,5 triệu USD.
Trước khi dòng sản phẩm drone HERA được nghiên cứu sản xuất thành công, trung bình mỗi năm, công ty sản xuất vài trăm đến 1.000 drone cũng từ 100% chất xám, công nghệ Việt. RtR đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong SHTP để nâng công suất sản xuất lên gấp 10 - 20 lần.
Dự kiến năm 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RtR sẽ đạt ít nhất 10 triệu USD và tăng trưởng ít nhất 50%/năm.
Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập SHTP cuối tháng 10-2022, Công ty CP Gremsy là một trong số ít doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt tiêu biểu được chọn trưng bày, triển lãm sản phẩm.
Thiết bị chống rung cho camera của Gremsy là kết quả nghiên cứu của đội ngũ kỹ sư Việt Nam, từ khâu lên ý tưởng, thiết kế bo mạch, cơ khí chính xác, lập trình... và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.
Gremsy cung cấp các giải pháp kỹ thuật, thiết kế gimbal theo yêu cầu của khách hàng là các nhà sản xuất drone hoặc sản xuất camera như Sony, Leica, Phase One, Geosystems... Sản phẩm đã được phân phối tới hơn 60 thị trường và có hệ thống phân phối ở 30 quốc gia, trải dài khắp các châu lục.
Ông Trần Quốc Vinh, Giám đốc công ty, cho hay cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ luôn khốc liệt, vòng đời của sản phẩm rất ngắn đòi hỏi DN luôn phải cập nhật, cải tiến để đáp ứng xu hướng, thị hiếu tiêu dùng mới.
Ba năm trở lại đây, nhu cầu thế giới trong lĩnh vực này tăng mạnh đã giúp Gremsy xác lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, doanh thu tăng trưởng vượt bậc.
Sắp tới, Gremsy sẽ tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cũng như tỉ lệ nghiên cứu và phát triển (R&D) cao hơn, đồng thời tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất nhằm tạo hệ sinh thái cho sản phẩm, mang về giá trị gia tăng lớn.
Ngoài 2 DN trên, Nanogen (công nghệ sinh học), FPT (sản xuất phần mềm), DGS (vi điện tử)... cũng đã ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
Nhiều DN có dự án liên kết hoặc thương mại quốc tế thành công như: Graphenel JSC hợp tác phát triển ứng dụng graphene vào các sản phẩm cùng Jeonbuk National University (Hàn Quốc), Flextrapower Technologies (Mỹ); Phenikaa MaaS triển khai nền tảng ứng dụng BusMap tại một số đô thị lớn trong ASEAN; Gannha.com hợp tác cùng Skylight Consulting Inc tư vấn phát triển thị trường tại Nhật Bản...
Gia tăng năng lực nội sinh
Hầu hết các DN công nghệ cao tên tuổi tại TP HCM đều đang hoạt động ở SHTP hoặc có dự án trong SHTP.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT (tập đoàn Việt Nam có vốn đầu tư lớn nhất tại SHTP), đánh giá SHTP đang từng bước trở thành nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của TP HCM và là 1 trong 3 trụ cột của khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.
Hơn nữa, SHTP đang sở hữu những tiềm năng để trở thành hạt nhân đưa TP HCM tỏa sáng như một trung tâm trí tuệ của khu vực.
Theo bà Lê Thị Bích Loan, Phó Ban Quản lý SHTP, SHTP đã hợp tác với ĐHQG TP HCM cùng các viện, trường triển khai hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, DN công nghệ cao... để hình thành và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao cho thành phố.
Đến nay, SHTP đã thu hút 70 dự án sản xuất công nghệ cao, trong đó có nhiều dự án từ những tập đoàn/công ty có công nghệ nguồn, uy tín thế giới. Về hoạt động ươm tạo DN công nghệ cao, khá nhiều dự án của các DN như ACIS Technology, Gremsy, VeXeRe, Mideas, Cyfeer, Gannha.com, MiSmart, Tép Bạc... thương mại hóa sản phẩm thành công cả trong và ngoài nước.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của SHTP vẫn tăng và đạt 20,9 tỉ USD, chiếm 51,86% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Năm 2022, con số này dự kiến tăng lên mức 23 tỉ USD. "Trong giai đoạn tới, khu công nghệ cao đặt trọng tâm tập trung phát triển năng lực nội sinh" - bà Loan chia sẻ.
Về cơ hội trong tương lai, ông Trần Quốc Vinh cho biết thời điểm Gremsy thành lập 10 năm trước, dù khó khăn tiếp cận nguồn vốn, thiếu nhân lực chuyên môn sâu, thiếu nhà cung cấp phụ trợ nhưng công ty đã vượt qua tất cả để phát triển đến quy mô ngày nay.
Hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng cao, sự hoàn thiện hệ sinh thái các nhà sản xuất - gia công phụ trợ, sự mở rộng kết nối với bên ngoài về khoa học công nghệ và sự quan tâm của Chính phủ sẽ là điều kiện rất tốt để các DN Việt tự tin tham gia sâu hơn vào chuỗi công nghệ toàn cầu.
Theo TS Lương Việt Quốc, một số DN Việt đã làm chủ công nghệ và có những phát minh, thiết kế mang lại giá trị gia tăng cao.
Xuất phát điểm của sản xuất công nghiệp Việt Nam rất thấp nhưng sẽ là "tham bát bỏ mâm" nếu cứ coi công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa là đích đến trong định hướng phát triển công nghiệp. Đã đến lúc Việt Nam nhìn xa hơn mục tiêu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để tiến tới phát triển từ thành quả phát minh, thiết kế sản phẩm mới.
Kỳ vọng Chính phủ có chính sách đầu vào cho các công trình phát minh hoặc hỗ trợ sau khi phát minh đó thành công, được thương mại hóa để tạo cú hích cho doanh nghiệp” - TS Quốc đề xuất.