Xuất khẩu "chất xám" thu hàng tỷ đô, FPT soán ngôi Hòa Phát, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam

Hà Linh |

Đà bứt phá đưa FPT leo lên vị trí thứ 3 trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất Việt Nam, chỉ sau Vietcombank và BIDV. Tính trên toàn sàn chứng khoán, chỉ có thêm 2 “gã khổng lồ” do Nhà nước chi phối là Viettel Global và ACV có vốn hóa lớn hơn FPT.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên bứt phá để trở lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm chờ đợi. Bên cạnh nhóm ngân hàng, FPT là một trong những đầu tàu đóng góp đáng kể vào đà tăng của VN-Index.

Cổ phiếu công nghệ này vừa có phiên tăng 4,33% lên lập đỉnh mới 132.000 đồng/cp (tính theo giá đóng cửa điều chỉnh). Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này và là lần thứ 30 từ đầu năm FPT đưa cổ đông lên đỉnh.

Xuất khẩu "chất xám" thu hàng tỷ đô, FPT soán ngôi Hòa Phát, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Cú nhấn ga của FPT đúng vào ngày cổ đông tập đoàn "lăn chốt" để nhận cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 15%. Mặc dù nhà đầu tư mua cổ phiếu phiên 12/6 sẽ không được hưởng quyền nhưng giao dịch trên FPT vẫn diễn ra rất sôi động với hơn 11 triệu đơn vị được khớp lệnh. Giá trị giao dịch lên đến gần 1.500 tỷ đồng, cao nhất sàn chứng khoán.

Từ đầu năm, thị giá FPT đã tăng 59% đẩy vốn hóa công ty công nghệ này lên cao kỷ lục gần 193.000 tỷ đồng (~8 tỷ USD). Con số này đưa FPT vượt qua Hòa Phát để vươn lên trở thành tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam và xếp thứ 3 trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán chỉ sau bộ đôi ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và BIDV.

Xuất khẩu "chất xám" thu hàng tỷ đô, FPT soán ngôi Hòa Phát, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Xét trên toàn sàn chứng khoán bao gồm cả UPCoM, chỉ có thêm 2 doanh nghiệp do Nhà nước chi phối là Viettel Global và ACV có vốn hóa lớn hơn FPT. Đây là 2 "gã khổng lồ" chưa niêm yết với vốn hóa lên đến trên 11 tỷ USD và đều có giai đoạn bứt phá rất mạnh từ đầu năm đến nay.

Đà tăng của cổ phiếu FPT được hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn ở mức cao hàng năm. Năm 2024, FPT đặt ra mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục của năm trước.

Xuất khẩu "chất xám" thu hàng tỷ đô, FPT soán ngôi Hòa Phát, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam- Ảnh 3.

4 tháng đầu năm, FPT ước đạt 18.989 tỷ đồng doanh thu và 3.447 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ 2023. Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 9.450 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,2%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường.

Năm 2023 trước đó, FPT ghi dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài. Tập đoàn lên kế hoạch năm 2030 đạt mục tiêu 5 tỷ USD, từ đó nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD trên toàn cầu.

Xuất khẩu "chất xám" thu hàng tỷ đô, FPT soán ngôi Hòa Phát, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam- Ảnh 4.

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS đánh giá cái bắt tay với NVIDIA tạo ra cú huých lớn với FPT. Việc hợp tác toàn diện với NVIDIA để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo AI sẽ tạo động lực tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT khi AI generative đang trở thành xu thế mới trong ngành công nghệ thông tin.

Tương tự, Chứng khoán DSC cho rằng việc FPT quyết định đầu tư 200 triệu USD vào "nhà máy AI" và xây dựng lộ trình phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn trong bối cảnh dự kiến sẽ thiếu tới hơn 80% nhân lực trong 10 năm tới sẽ tận dụng triệt để được làn sóng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo AI tại thị trường nước ngoài.

"FPT sẽ đạt được mức tăng trưởng lần lượt 22% đối với mảng CNTT nước ngoài và 21% đối với mảng Giáo Dục từ năm 2025 nhờ việc đầu tư vào công nghệ mới nhất của NVIDIA hiện tại", báo cáo của DSC nhận định. Những kỷ lục tăng trưởng của FPT gần đây có thể một phần lý giải bởi chiến lược M&A mở rộng của FPT tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản.

DSC nhận định rằng những lợi ích từ M&A và đầu tư chiến lược đã phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2024, khi số lượng khách hàng đóng góp trên 1 triệu đô tăng 25% so với cùng kỳ.

Đánh giá trên việc FPT có dòng tiền đều đặn hàng năm và khả năng huy động vốn, DSC thấy rằng việc M&A sẽ tiếp diễn tại thị trường Nhật Bản để gia tăng doanh số.

Xuất khẩu "chất xám" thu hàng tỷ đô, FPT soán ngôi Hòa Phát, trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam- Ảnh 6.

Mảng điện toán đám mây của FPT vẫn đang dẫn dắt doanh thu chuyển đổi số của doanh nghiệp này trong quý vừa rồi, và sẽ tiếp tục tăng trưởng kép ở ít nhất 15% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, DSC nhận định rằng mảng cốt lõi CNTT của FPT có thể ghi nhận tăng trưởng 40% tại mảng gia công phần mềm ngành ô tô. Đây là mảng đã được nhận định là có tính cạnh tranh của FPT với lợi thế về môi trường hoạt động và nhân sự giá rẻ, cùng với chất lượng cạnh tranh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại