Khi Thung lũng Silicon chi số tiền khổng lồ vào cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI), những gã khổng lồ công nghệ đang gặp phải một nút thắt lớn. Nếu không có nguồn năng lượng dồi dào, họ sẽ không thể xây dựng các trung tâm siêu máy tính khổng lồ có thể lưu trữ thế hệ AI tiếp theo.
CEO Mark Zuckerberg của Meta – công ty mẹ Facebook, đã mua gom một số lượng lớn chip AI từ Nvidia. Trong một podcast vào tháng trước, Zuckerburg cho biết cần tới một gigawatt điện để có thể chạy được toàn bộ số chip đó, dẫn đến khả năng sẽ cần một nguồn cung cấp điện hạt nhân chuyên dụng. “Một gigawatt cho trung tâm dữ liệu sẽ tương đương với công suất một nhà máy điện hạt nhân”, ông chủ Facebook nói.
Sự so sánh của Mark Zuckerburg không hẳn là chuyện nực cười. Cuộc chạy đua khốc liệt về năng lượng khiến các ông trùm công nghệ trên thế giới ngày càng quan tâm đến năng lượng hạt nhân. Các nhà đầu tư mạo hiểm đang trở thành nhân tố thúc đẩy năng lượng hạt nhân với niềm tin rằng đây sẽ là nguồn năng lượng để duy trì sự bùng nổ AI.
Marc Andreessen, nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng, ủng hộ mạnh mẽ các tiến bộ trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân và AI. Ông thậm chí còn gọi năng lượng hạt nhân là “viên đạn bạc” của ngành trí tuệ nhân tạo.
Elon Musk từng nói việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân là “phản nhân loại”. Tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos đã đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp hạt nhân, với các lò phản ứng mô-đun nhỏ đến nhiệt hạch.
CEO Sam Altman của OpenAI – nhà phát triển ChatGPT, là người ủng hộ năng lượng hạt nhân mạnh mẽ. Vào năm 2015, Altman đã đầu tư và đồng ý làm chủ tịch của Oklo – một công ty chế tạo các lò phản ứng vi mô tương lai. Altman cũng là nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất vào Helion khi công ty này đang tìm giải pháp phản ứng tổng hợp hạt nhân, hay nhiệt hạch.
Năm ngoái, Microsoft đã đạt được thỏa thuận mua điện từ nhà máy phát nhiệt hạch của Helion. Dự kiến, nguồn điện sẽ được cung cấp cho Microsoft vào năm 2028. Vào tháng 3, Amazon đã mua lại một trung tâm dữ liệu chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Pennsylvania. Trong khi đó, DeepMind – phòng thí nghiệm AI của Google, đang nghiên cứu công nghệ sử dụng AI để kiểm soát các phản ứng nhiệt hạch tốt hơn.
Last Energy, một công ty có trụ sở tại Washington DC đang phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ, cho biết một nửa số đơn đặt hàng của họ hiện đến từ các công ty đang xây dựng trung tâm dữ liệu, so với con số chỉ 1/4 cách đây vài năm.
Điểm mấu chốt lớn nhất là AI cần một nguồn năng lượng khổng lồ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính lượng điện mà các trung tâm dữ liệu và AI sử dụng có thể tăng gấp đôi vào năm 2026. Lượng điện cần dùng cho 1 lệnh đặt câu hỏi cho ChatGPT ước tính bằng 15 lượt tìm kiếm trên Google.
Mặc dù các công ty công nghệ đã đầu tư lớn vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng đặc tính không liên tục của chúng có thể không phù hợp với các trung tâm dữ liệu hoạt động cả ngày. Trong khi đó, năng lượng hạt nhân luôn ổn định.
Theo The Telegraph