3 tướng cấp cao Israel bị Hamas bắt giữ?
Theo hãng tin Reuters, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một đoạn clip tổng hợp dài 30 giây, cho thấy những người đàn ông mặc quân phục đưa 3 người bị còng tay ra khỏi xe.
Ở phần chú thích, tài khoản Facebook đăng tải đoạn clip này viết: "Tin nóng Israel: Một số tướng cấp cao của IDF đã bị Hamas bắt giữ" . Trong đó, IDF là tên viết tắt của Lực lượng Phòng vệ Israel.
Có thể tìm thấy những nội dung khác tương tự như vậy trên Facebook.
Mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch về việc 3 tướng lĩnh Israel bị Hamas bắt giữ.
Sau khi đoạn clip này được chia sẻ rầm rộ, hãng tin Reuters đã vào cuộc xác minh. Kết quả truy nguồn cho thấy đoạn clip gốc được đăng tải trên kênh YouTube của Cơ quan An ninh Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan (DTX). Những người đàn ông mặc quân phục trong đoạn clip đang đeo phù hiệu của DTX, còn những người bị còng tay là các cựu lãnh đạo của Nagorno-Karabakh.
Theo Reuters, đoạn video gốc là những hình ảnh tổng hợp về việc Azerbaijan bắt giữ 3 cựu lãnh đạo của khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh nhưng đã bị tuyên truyền sai sự thật thành nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas bắt giữ các tướng lĩnh Israel.
Nagorno-Karabakh vốn là khu vực mà cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền. Năm 2020, Azerbaijan phát động chiến dịch quân sự dẫn đến Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai. Họ đã nhanh chóng chọc thủng hàng phòng ngự của Armenia và giành chiến thắng trong cuộc chiến 44 ngày, kiểm soát một phần Nagorno-Karabakh.
Để ngăn chặn cuộc chiến lan rộng, Nga đã tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn. Theo thỏa thuận, Azerbaijan được trao toàn bộ lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai đến Nagorno-Karabakh để bảo vệ con đường duy nhất còn lại nối vùng đất này với Armenia có tên gọi Hành lang Lachin và xây dựng một tuyến đường mới dọc hành lang.
Máy bay Israel bị bắn hạ thảm khốc?
Cũng theo Reuters, trên mạng xã hội còn lan truyền đoạn clip về những chiếc trực thăng bị bắn rơi.
Cụ thể, trong đoạn clip, hai chiếc trực thăng đang bay trên một vùng nông thôn thì bị trúng tên lửa và rơi xuống đất. Một người dùng đã chia sẻ đoạn clip qua X (trước đây là Twitter) với chú thích: "Hai máy bay trực thăng của Israel đã bị Hamas bắn hạ" .
Đây thực chất là hình ảnh trong game Arma 3.
Reuters đã truy nguồn đoạn clip để xác minh vụ việc. Theo kết quả thu được, đoạn clip gốc lần đầu tiên được đăng tải vào ngày 3/10, trước thời điểm Hamas tiến hành cuộc tập kích bất ngờ nhằm vào Israel hôm 7/10.
Quan trọng nhất, tiêu đề của đoạn clip gốc trên YouTube có nội dung: "Hai trực thăng chiến đấu bị phòng không bắn hạ - Arma (tên một tựa game)" . Phần mô tả clip viết rằng đây là "cảnh quay trong Arma" và những hình ảnh trong clip "chỉ là mô phỏng".
Người phát ngôn của Bohemia Interactive - nhà phát triển game Arma - đã xác nhận với Reuters qua email rằng đó là cảnh dựng trong game Arma 3.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh trong game Arma được một số người dùng mạng xã hội sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch. Reuters cho biết, họ đã từng phát hiện một số trường hợp tương tự dùng hình ảnh trong game Arma 3 để tuyên truyền thông tin sai sự thật về cuộc chiến ở Ukraine.
Năm 2022, Bohemia Interactive cũng đã đăng tải một bài viết trên blog của họ việc các đoạn phim trong Arma được sử dụng sai mục đích. Công ty này đã liệt kê các cách để phát hiện cảnh quay trò chơi, ví dụ như clip sẽ có độ phân giải thấp, các hiệu ứng khói hoặc bụi nhìn thiếu tự nhiên.