Xuất hiện tình trạng buôn bán nam giới, trẻ sơ sinh và bào thai

Anh Thư |

Từ năm 2012-2017, các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người là nạn nhân bị mua bán, với khoảng 6,8% nạn nhân ở trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội nghị triển khai và Họp Ban điều phối dự án “Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam” ngày 14.12.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2010 đến hết quý 3.2018, toàn quốc phát hiện xảy ra 3.000 vụ mua bán người với 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân, trong đó đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai – đây là những vấn đề mới phát sinh trong nạn mua bán người.

Từ năm 2012-2017, các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người là nạn nhân bị mua bán, với khoảng 6,8% nạn nhân ở trẻ tuổi, học sinh, sinh viên.

Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng chủ yếu là: Lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài, trong đó trên 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.

Đối tượng phạm tội chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: "Trong bối cảnh tình hình mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nhu cầu về dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đang ngày càng tăng. 

Do vậy, việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam".

Đánh giá về vấn đề này, theo bà Ayumi Yuasa-Trưởng phòng Phòng Bình đẳng giới và giảm nghèo (Vụ cơ sở hạ tầng và Xây dựng hòa bình, JICA), nạn nhân buôn bán người nay đã thay đổi. 

Nạn nhân cưỡng bức lao động và nam giới gia tăng nhưng nạn nhân là phụ nữ và trẻ em vẫn chiếm chủ yếu với hơn 70%. Vì thế, JICA tập trung  hỗ trợ trẻ em, phụ nữ, đồng thời mở rộng hỗ trợ nam giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại