Vừa qua, cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 đã diễn ra với nhiều thí sinh xuất sắc đến từ những trường đào tạo chuyên nghiệp. Trong đó, Chou Tú Ngọc (tên thật: Nguyễn Thị Minh Ngọc) là cái tên gây nhiều ấn tượng và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả cũng như ban giám khảo.
Lựa chọn ca khúc "Hà Nội đến để yêu" – một sáng tác mới mang đậm âm hưởng dân gian đương đại của nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn, Chou Tú Ngọc đã thổi một cơn bão cảm xúc bùng cháy khắp khán phòng Nhà hát Hồ Gươm, khiến ai cũng phải rùng mình trước giọng hát đầy nội lực, cá tính.
Không ai tin được Chou Tú Ngọc chỉ mới 17 tuổi nhưng đã sở hữu giọng hát vững vàng, từ học thuật tới cách tư duy, xử lý ca khúc. Nhiều khán giả sau khi xem Chou Tú Ngọc trình diễn đã liên tưởng ngay tới hình ảnh Hương Tràm tại The Voice 2012, cũng chớm 17 tuổi nhưng sở hữu giọng hát trưởng thành, nội lực và đầy ắp cảm xúc, khiến người nghe phải nổi da gà.
Giọng hát đầy nội lực và tiềm năng trở thành vocalist GenZ thực thụ
Là học trò cưng của thạc sĩ, giảng viên thanh nhạc – trung tá Nhật Huyền tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Chou Tú Ngọc được thầy mình dồn nhiều tâm huyết giảng dạy, truyền thụ mọi học thuật, kỹ năng ca hát.
Nhờ đó, dù còn rất trẻ nhưng Tú Ngọc đã sở hữu kỹ thuật thanh nhạc vững vàng, cùng giọng hát nội lực hiếm thấy và bản lĩnh sân khấu.
Nhật Huyền tâm sự: " Ngay khi mới bắt đầu đào tạo cho Tú Ngọc, tôi đã thấy ở em tiềm năng của một vocalist thực thụ. Ngọc có giọng hát bẩm sinh khỏe khoắn, âm lượng lớn, dày, vang, ít thấy ở những học trò khác tôi dạy. Bản thân Ngọc cũng có cá tính và tư duy âm nhạc tốt, dù bản năng nhưng mãnh liệt, sâu sắc.
Ngọc như một viên ngọc thô cần được mài dũa. Tôi nhìn được ở Ngọc hình ảnh mình khi còn trẻ, đầy hoài bão và khát khao, đam mê .".
Rất nhiều khán giả nhận thấy Tú Ngọc có nhiều điểm tương đồng với Hương Tràm năm 17 tuổi, cũng là một giọng hát nội lực, đầy bản năng nhưng với tố chất nghệ sĩ lớn, nhạc cảm tinh tế, với âm lượng giọng lớn, biến hóa linh hoạt và màu giọng dày, đanh chắc.
Tú Ngọc sở hữu giọng soprano (nữ cao) với âm sắc đặc trưng sáng, bay và lên cao tốt. Tuy nhiên, Tú Ngọc lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cách hát và kỹ thuật của thầy mình là Nhật Huyền – một mezzo soprano (nữ trung). Chính điều này tạo nên sự khác biệt trong giọng hát của Tú Ngọc.
Cụ thể, dù là nữ cao nhưng quãng trầm của Tú Ngọc lại rất phát triển, ngang với một nữ trung thông thường. Cô có thể xuống thấp tới E3, đặc biệt phát triển ở A3, B3, với những kỹ năng đáng kinh ngạc. Ở quãng trầm này, Á quân Tiếng Hát Hà Nội hát dày, rõ chữ, tròn vành, chắc tiếng, âm lượng lớn, không bị mờ và nhỏ như những nữ cao khác, với nền chest voice vững vàng. Thậm chí, Tú Ngọc còn vibrato đẹp ở quãng này.
Cách phát âm trên quãng trầm của Tú Ngọc được thừa hưởng và phát triển, dẫn dắt từ Giảng viên Nhật Huyền, với vị trí âm thanh đẹp, hơi hướm dựng nhẹ tiếng, tròn trịa, đẩy vòm theo lối cổ điển.
Nhật Huyền có những "bí kíp" thanh nhạc đặc biệt để phát triển chest voice ở quãng trung, giúp học trò của mình phát triển phần âm khu trung mạnh mẽ, vượt trội hơn hẳn nhiều nữ cao khác. Tú Ngọc belting A4 và B4 rất đanh, dày, push được âm lượng cực kỳ lớn, tới mức đập thẳng vào mic và rè cả loa. Ở phần quãng trung cận cao này, Tú Ngọc xử lý được nhiều sắc thái khác nhau, lúc cộng minh với độ rền, tỏa, lúc lại bạch thanh nhưng đẩy vòm đanh chắc. Độ đanh và dày là một ưu thế lớn trong giọng hát của Tú Ngọc.
Ở âm khu thấp hơn tầm C#4, D#4, E4, Tú Ngọc phát huy được hết độ đẹp trong giọng hát của mình khi chọn được vị trí âm thanh chính xác, đẩy âm lên xoang cộng hưởng, hơi dựng tiếng kiểu cổ điển, rất mở và có độ tỏa, bao trùm. Đặc biệt, Tú Ngọc có thể gằn hoặc bật thẳng âm thanh ở D#4 với độ dày, tối như một giọng tenor. Đây là điều hiếm thấy ở một giọng nữ cao châu Á, lại mới 17 tuổi. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng Tú Ngọc là một nữ trung (mezzo soprano). Thật khó tin khi một nữ cao lại có thể hát quãng trung tốt và phát triển đến thế.
Nhưng với gốc của một nữ cao, nữ ca sĩ có thể mở quãng để mixed voice tới C#5, D5 một cách dễ dàng. Cô nhấn D5 liên tục với độ mở, nảy, sáng và lực bắn mạnh. Quãng giọng của Tú Ngọc nếu dùng tới falsetto có thể hit tới Eb6.
Đặc biệt, khi bung tới D5, Tú Ngọc bộc lộ được tố chất nghệ sĩ đầy mãnh liệt, thường hay gọi là "phát tiết" trong âm nhạc, thường thấy những vocalist lớn như Thanh Lam, Siu Black… Tức là, khi hát lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và căng tràn đam mê. Họ hát như muốn "phát tiết" ra ngoài và hát để tạo bão tố, đốt lửa cảm xúc cho khán giả bằng sự mạnh mẽ của mình, giọng hát dâng trào cảm xúc, dồn nén để bộc phát ra ngoài như một cơn bão.
Chính sự "phát tiết" và bùng cháy này sẽ giúp Tú Ngọc bước tới hàng ngũ vocalist tiệm cận. Không chỉ quãng trung, Tú Ngọc còn có thể tung ra hàng loạt nốt cao đầy nội lực và bùng cháy, để khiến cảm xúc được thăng hoa trọn vẹn hơn, đồng thời phát huy hết giọng hát của mình.
Tú Ngọc là trường hợp ít thấy khi đạt tới độ dày và nặng của một nữ trung (mezzo). Nhưng khi chuyển sang mixed voice hoặc falsetto, giọng hát của cô lại sáng và bay như một nữ cao (soprano).
Quãng chuyển giọng của Tú Ngọc cũng khá linh hoạt, có màu sắc. Thông thường, cô phrase dày và tối, nhưng ở những đoạn hát treo lên tone lại pha giọng khá sáng, mượt mà.
Dưới sự chỉ bảo của Nhật Huyền, Tú Ngọc có ý thức hát rõ lời, rõ chữ. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn giữa cô nàng và những ca sĩ GenZ khác cùng thế hệ, cho thấy sự trân trọng, nâng niu tiếng Việt.
Tú Ngọc phát âm rất chắc và tách bạch, không bị dính chữ, líu ríu, hát chữ nào ra chữ đó. Việc này không chỉ là ý thức mà còn là thế mạnh của những ca sĩ có chest voice phát triển như Mỹ Tâm, Thanh Lam, Hồng Nhung… Và đồng cũng là kết quả của sự rèn luyện khi cô chuyển từ giọng miền Trung sang nói giọng Bắc, nên có ý thức hát chuẩn tiếng Việt. Đây là phẩm chất của một vocalist.
Một điểm đặc biệt ở Tú Ngọc là được đào tạo kỹ thuật thanh nhạc cổ điển nhưng lại định hướng đi theo dân gian đương đại. Vì thế, cô có cách hát pha trộn giữa lối hát mở cộng minh phương Tây và khép tiếng cổ truyền tạo nên những âm đóng rất đanh, nảy và chắc, độ nảy đặc trưng của dân ca Bắc Bộ, được xem là trải nghiệm âm nhạc thú vị ở cả ca sĩ lẫn người nghe.
"Hà Nội đến để yêu" – Màu sắc dân gian đương đại đầy phá cách
Thành công của một người ca sĩ luôn phải có bóng hình người nhạc sĩ đứng sau, như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, hay Phạm Duy và Thái Thanh, Quốc Trung và Thanh Lam…
Nhắc đến thành công của Tú Ngọc tại cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024, với danh hiệu Á quân, không thể không kể tới vai trò dìu dắt của cô giáo Nhật Huyền và nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn. Trong đó, ca khúc "Hà Nội đến để yêu" được nhạc sĩ tài hoa Tạ Duy Tuấn sáng tác đo ni đóng giày cho giọng hát của Tú Ngọc.
"Hà Nội" đến để yêu là một sáng tác mang đậm âm hưởng dân gian đương đại, nhưng được thể nghiệm và sáng tạo với những nét phá cách, phù hợp với thị trường khán giả hiện đại, đặc biệt là giúp kết nối chất liệu dân gian với thế hệ khán giả trẻ ở lứa tuổi Gen Z. Đặc biệt, nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn rất tinh tế khi hiểu được giọng hát Chou Tú Ngọc, từ quãng giọng tới tessiutra, vocal stamina để thiết kế một ca khúc thích hợp giúp Ngọc khoe được sở trường, thế mạnh của mình, từ những đoạn rất trầm tận E3 tới quãng cao D5. Ít nhạc sĩ nào dám mạo hiểm viết một ca khúc với quãng rộng như vậy, nhưng Tạ Duy Tuấn lại muốn người ca sĩ hát nhạc của mình phải thực sự có thực lực. Đó là cái tâm của một người nhạc sĩ khi sáng tác nhạc.
Trong "Hà Nội đến để yêu", Tạ Duy Tuấn thả vào nhiều cung bậc cảm xúc, tiết tấu, lúc ma mị, mênh mang, rợn ngợp, lúc lại cao trào, dồn dập, đòi hỏi người ca sĩ phải làm chủ giọng hát và có đủ độ "điên", nội lực để bùng cháy cùng âm nhạc. Và Tú Ngọc đã làm được điều đó khi thăng hoa, bùng nổ hết mình trên những quãng cao trào, thổi bão cảm xúc vào lòng khán giả. Bên cạnh đó, phần ý tưởng dàn dựng của thạc sĩ Nhật Huyền khi tái hiện những đặc trưng của Hà Nội lên sân khấu làm cho ca khúc trở nên sống động và đầy cảm xúc.
"Hà Nội đến để yêu" - Chou Tú Ngọc trình diễn tại cuộc thi Tiếng hát Hà Nội
Phần hòa âm phối khí vừa có chiều sâu lại vừa sáng tạo khi sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, đàn nhị, trống… chất liệu xẩm, chầu văn kết hợp cùng piano Tây phương, vừa lãng mạn, nên thơ, lại vừa đậm tính dân tộc. Các thanh âm được bày ra như một mâm mỗ rộn ràng, phong phú, đầy màu sắc, vẽ nên bức tranh Hà Nội xưa và nay thật sinh động với tranh Hàng Trống, hát xẩm, ca trù, 12 mùa hoa… Phần rap được chêm xen thể hiện sự hội nhập, sáng tạo và hiện đại.
Có thể nói, "Hà Nội đến để yêu" của Tạ Duy Tuấn là một ca khúc dân gian đương đại về Hà Nội khá xuất sắc trong thời điểm hiện tại, lại được thể hiện bằng giọng hát nội lực của Chou Tú Ngọc, khiến khán giả không khỏi thích thú. Đây sẽ là bài hát chắp cánh cho sự nghiệp của Chou Tú Ngọc sau này.