Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tất cả các cửa hàng không thiết yếu phải đồng loạt đóng cửa khiến doanh thu sụt giảm trầm trọng. Theo đại diện một số nhà hàng lớn, trong thời điểm này, những doanh nghiệp càng lớn thì thiệt hại và khó khăn càng nhiều.
Chính vì thế nhiều doanh nghiệp đã gia nhập liên minh F&B để hỗ trợ và trở thành nhà cung ứng cho nhau.
Đến nay, Liên minh F&B Việt Nam thời Covid-19 đã có sự tham gia của gần 2.000 thành viên gồm các đối tác cung cấp thực phẩm, quảng cáo, giao đồ ăn và các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực.
Tại đây, khi các thành viên tham gia cùng nhau chia sẻ về những vấn đề khó khăn, thắc mắc và nhận được tư vấn hữu ích từ chuyên gia hoặc các doanh nghiệp khác.
Hiện tại, vấn đề đang được các chủ doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất đó là cách quản lý tài chính, đàm phán miễn, giảm tiền thuê mặt bằng và phát triển hình thức giao hàng online sao cho hiệu quả.
"Chúng tôi đã lên ý tưởng xây dựng một liên minh F&B từ khá lâu, nhưng đến nay mới bắt tay vào thực hiện. Các chủ doanh nghiệp, nhân sự trong ngành đều hiểu và ủng hộ hết mình. Chúng tôi ý thức được rằng cần phải chủ động chung tay cứu lấy ngành, cứu lấy mình trước đại dịch", ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Khối vận hành của Tập đoàn Golden Gate cho biết.
Ông Quốc Khánh hi vọng cộng đồng liên minh F&B sẽ được duy trì và phát triển hơn nữa ngay cả khi dịch bệnh chấm dứt. "Kể cả khi dịch bệnh qua đi, cũng có thể ngành F&B vẫn gặp phải những khó khăn khác", ông Quốc Khánh nói.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Hà Linh, đồng sáng lập hệ thống 5 nhà hàng Bếp Thái Koh Yam cho hay, khi gia nhập cộng đồng chia sẻ khó khăn F&B, chị vẫn còn một chút e ngại vì nhiều thông tin bí mật của doanh nghiệp không thể chia sẻ công khai.
"Trong một cộng đồng gồm nhiều đơn vị cùng cạnh tranh trong thị trường khốc liệt như F&B, việc tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau có thể sẽ không được đảm bảo", chị Hà Linh bày tỏ quan điểm.
Mặc dù có chút e ngại, nhưng chị Hà Linh vẫn bày tỏ mong muốn liên minh này sẽ mang lại giá trị tích cực khi hỗ trợ thông tin về các dịch vụ liên quan, văn bản hướng dẫn, hay kinh nghiệm đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và nhân viên, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bàn về các doanh nghiệp có nên thành lập một liên hiệp để giúp đỡ nhau trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay không, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho biết: Để cùng vượt qua khó khăn thì vai trò của các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam rất quan trọng
Ông Hồng Anh chia sẻ: " Doanh nghiệp nên tham gia hiệp hội, vì nếu một mình chúng ta đơn thân ý kiến thì khó. Nếu tham gia hiệp hội, sau khi có sự thống kê ý kiến của các hội viên thì Hiệp hội dễ có thể ý kiến với Chính phủ và các bộ ban ngành để có chính sách hỗ trợ, thậm chí là tìm kiếm thị trường để các ngành, doanh nghiệp có thể tiếp cận kinh doanh các sản phẩm dịch vụ của mình. Với quan hệ thì Hiệp hội dễ làm vậy hơn so với doanh nghiệp", ông Hồng Anh nhận định.
Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ, ông Hồng Anh cũng cho hay, các doanh nghiệp trong hiệp hội được khuyến khích sử dụng các sản phẩm của nhau và cùng chia sẻ thông tin về các thị trường.
"Chúng tôi liên kết với đại sứ quán các nước, tìm kiếm các hiệp hội tương đồng với mình để giao lưu, chia sẻ thông tin, sản phẩm dịch vụ để mở rộng thị trường. Khi các doanh nghiệp đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua đại dịch này, ta có thể sẽ bung lại như lò xo, rất mạnh mẽ", ông Hồng Anh tự tin rằng các doanh nghiệp sẽ chung tay cùng vượt qua dịch Covid-19.
Đồng quan điểm với ông Hồng Anh, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, đại biểu Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp nên phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương hỗ và chủ động áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp để tăng năng suất và giảm chi phí.
"Giải pháp tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và với doanh nghiệp lớn là hết sức cấp thiết và khả thi. Người này có thể trở thành nhà cung ứng cho người kia và ngược lại người kia sẽ là thị trường tiêu thụ của người này", ông Thân nhấn mạnh.
Trước đó, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã đưa ra kiến nghị 5 nhóm giải pháp "giải cứu" doanh nghiệp bao gồm các giải pháp về thuế, phí, lãi vay, tín dụng, các khoản bảo hiểm xã hội và thủ tục xuất nhập khẩu.
Theo đó, sức khoẻ doanh nghiệp bây giờ tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng nữa, nên biện pháp thiết thực nhất là giảm, giãn nợ, những giải pháp này phải nhanh chóng triển khai để áp dụng ngay vào thực tiễn cứu doanh nghiệp.