Khu rừng rậm tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có một cái hố tử thần khổng lồ. Dưới hố tử thần, người ta ngạc nhiên khi phát hiện thấy một hệ thống hang rộng lớn. Với diện tích sơ sơ 6,8 triệu mét khối, khiến hang được xếp hạng "tầm cỡ thế giới". Đọc tới đây, nếu các bạn có thắc mắc về hang Sơn Đoòng của Việt Nam: hang rộng 38 triệu 400 mét khối, lớn nhất thế giới cơ.
Việc thám hiểm cái hang khổng lồ tại Quảng Tây được thực hiện bởi phái đoàn của cả Trung Quốc và Anh Quốc, dẫn đầu là ông Zhang Yuanhai tới từ Viện Địa chất Karst thuộc Học viện Khoa học Địa chất Trung Hoa, kèm theo là chủ tịch Andy Eavis của Hiệp hội Thám hiểm Hang động Anh.
Trong 4 ngày từ mùng 4 cho tới mùng 8 tháng Mười, đoàn thám hiểm 19 thành viên đi xuống hố khổng lồ và tiến hành đo đạc sơ bộ diện tích hang.
"Khu vực hang lớn này được phát hiện bởi một đoàn thám hiểm Hong Kong hồi năm ngoái, được họ đặt tên là Haiting Hall. Lần này, đoàn Trung Quốc đã xác định được thể tích hang bằng công nghệ 3 chiều và cho thấy hang thuộc hạng ‘tầm cỡ thế giới’".
Cái hố tử thần rộng 100 mét, dài gần 200 mét với độ sâu 118 mét hóa ra lại là đường vào của một hệ thống hang chưa ai biết tới. Hang chứa những trần vách cao, nhưng hố lớn, đất đá vương vãi do hậu quả của vụ sập hố tử thần, những viên đá bị bào nước bào nhẵn nằm rải rác đó đây. Họ phát hiện ra hang có nối với một con sông ngầm, đưa nước cho sông Panyang gần đó.
Công nghệ quét 3D cũng đã giúp đỡ các nhà nghiên cứu rất nhiều.
"Công nghệ chỉ cho chúng tôi thấy rằng hang Haiting Hall chứa rất nhiều bằng chứng về hoạt động địa chất khu vực này, nhất là việc hình thành đá ảnh hưởng ra sao với từng đợt sụt hố tử thần. Chúng tôi thấy rõ từng bước phát triển của cái hố tử thần", ông Zhang Yuanhai nói.
Hố tử thần thường xuất hiện khi các mạch nước ngầm bào mòn lòng đất, phần đất rỗng sẽ khiến cấu trúc khu vực trở nên bất ổn, đất sẽ sập xuống và biến thành hố, với kích cỡ phụ thuộc vào lỗ hổng bên dưới có lớn hay không.
Có thể lấy một ví dụ khác ngay trên đất Trung Hoa: hố tử thần Xiaozhai – Hố Thiên Đường, hố tử thần sâu nhất thế giới - 662 mét. Phần bên dưới nó rỗng do một con sông ngầm bào mòn nhiều năm tháng. Thể tích hang bên dưới là 119.349.000 m3, có những nơi rộng tới 274.000 m2.
Hố tử thần Xiaozhai.
"Những hang khổng lồ này đều là hang tự nhiên, phần lớn đều lộ thiên khi có hố tử thần xuất hiện và thường nối liền với sông ngầm. Thế nhưng việc hình thành hang không phải chỉ cần một con sông chảy qua là xong, quá trình phát triển của nó có lẽ phải dài tới hơn 2 triệu năm", ông Zhang Yuanhai nói.
Để biết thêm về Haiting Hall, bạn có thể xem video ngắn do Euronews thực hiện , nói về quá trình thám hiểm hang.
Tham khảo ScienceAlert