Xuất hiện clip "Triều Tiên kích nổ hàng loạt cây cầu” giữa lúc bán đảo nóng rực: Chân tướng đã rõ

Hữu Hiển |

Triều Tiên đã cho nổ đường bộ và đường sắt ở phía biên giới của mình nối với Hàn Quốc vào tháng 10, nhưng một video tổng hợp về "những cây cầu bị phá hủy" lại mới được chia sẻ.

"Triều Tiên đã cho nổ tung cây cầu #Triều Tiên Hàn Quốc #Chiến tranh Triều Tiên", một bài đăng bằng tiếng Trung giản thể được chia sẻ gần đây trên nền tảng xã hội Douyin - phiên bản Trung Quốc của TikTok, hãng tin AFP (Pháp) ngày 29/10 đưa tin.

Video trong bài đăng cho thấy nhiều cảnh quay về các cây cầu bị phá hủy.

 - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình bài đăng trên Douyin

Các bài đăng tương tự cũng chia sẻ video tổng hợp trên những nền tảng truyền thông xã hội bao gồm X, Douyin và NetEase -một trang web tổng hợp tin tức của Trung Quốc, thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Theo AFP, đoạn video tổng hợp được chia sẻ sau khi Triều Tiên cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt nối liền nước này với Hàn Quốc.

Trước đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, việc Triều Tiên cho nổ tung các đoạn đường nối dài tổng cộng 60 mét hôm 15/10 là "biện pháp hợp pháp và tất yếu" phù hợp với hiến pháp của nước này, trong đó "xác định rõ ràng Đại Hàn Dân Quốc là một quốc gia thù địch".

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố đoạn video cho thấy cảnh binh lính Triều Tiên cho nổ tung các đoạn đường mang tính biểu tượng sâu sắc nối liền hai miền Triều Tiên.

Theo AFP, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã xấu đi kể từ khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un xác định Seoul là "kẻ thù chính" của đất nước mình vào tháng 1/2024 và tuyên bố Bình Nhưỡng không còn quan tâm đến việc thống nhất hai miền Triều Tiên nữa.

Tuy nhiên, AFP nhận định, những hình ảnh phá hủy cầu đầy kịch tính trong video tổng hợp nói trên không có liên quan đến Triều Tiên.

Cầu Broadway, Mỹ

Tìm kiếm hình ảnh ngược các khung hình chính của video tổng hợp trên Google, kết hợp với tìm kiếm từ khóa, AFP đã tìm ra đoạn clip đầu tiên trong video tổng hợp này bắt nguồn từ một video dài hơn được đăng trên YouTube vào ngày 12/10/2016.

Video đó có tiêu đề "Thất bại thảm hại của vụ nổ cầu Broadway" cho biết vụ nổ cầu Broadway xảy ra ở Little Rock, thủ phủ của bang Arkansas, Mỹ.

 - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình so sánh giữa đoạn clip bị chia sẻ sai sự thật (bên trái) và video trên YouTube (bên phải)

Quân đoàn Công binh Lục quân Mỹ đã đăng một video tương tự trên Facebook một ngày sau đó (13/10/2016), nêu chi tiết vai trò của họ trong việc xây dựng nhịp cầu kim loại, đồng thời lưu ý rằng vụ nổ để thả nó xuống sông đã không thành công.

"Quân đoàn Công binh Lục quân Mỹ xây dựng những thứ có thể tồn tại lâu dài. Độ bền của nhịp cầu kim loại trên cầu Broadway phản ánh sự xuất sắc đó", họ nói thêm.

Các đơn vị truyền thông, bao gồm tờ The Guardian (Anh) và kênh THV11 của Đài CBS (Mỹ), cũng đưa tin về vụ nổ đầu tiên đã thất bại khi không thể phá hủy cây cầu 93 năm tuổi này.

Cầu Hulton, Mỹ

Theo AFP, đoạn clip thứ hai trong video tổng hợp được lan truyền trên mạng xã hội trên thực tế được cắt ra từ một video về cảnh phá dỡ một cây cầu ở Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, vào năm 2016.

Video đó đã được đăng trên trang trang chia sẻ video Newsflare, với mô tả cho biết cây cầu Hulton, 107 năm tuổi, đổ sập xuống sông Allegheny vào tháng 1/2016.

Hãng tin địa phương CBS Pittsburgh và chi nhánh WTAE của Đài ABC (Mỹ) đã sử dụng những cảnh quay tương tự về vụ phá dỡ cầu Hulton trong các bản tin của họ vào ngày 26/1/2016.

 - Ảnh 4.

So sánh ảnh chụp màn hình đoạn clip được chia sẻ sai sự thật (bên trái) và video của Newsflare (bên phải)

Cầu Marble Falls, Mỹ

AFP đưa tin, đoạn clip thứ ba trong video tổng hợp được lấy từ một video đăng trên YouTube vào tháng 3/2013 với chú thích rằng: "Phá dỡ cầu cũ US 281 ở Marble Falls, Texas".

 - Ảnh 5.

So sánh ảnh chụp màn hình giữa đoạn clip được chia sẻ sai sự thật (bên trái) và video trên YouTube (bên phải)

Truyền thông địa phương KXAN đã sử dụng video tương tự trong một tin tức về việc cần một vụ nổ thứ hai dưới nước để phá hủy hoàn toàn cây cầu ở Marble Falls.

Cầu Shinkawajiri, Nhật Bản

Theo AFP, đoạn clip thứ tư trong video tổng hợp được trích từ vieo do Đài truyền hình Nagoya TV (Nhật Bản) đăng tải trên YouTube vào ngày 18/11/2020.

 - Ảnh 6.

So sánh ảnh chụp màn hình giữa đoạn clip được chia sẻ sai sự thật (bên trái) và video của Nagoya TV (bên phải)

Nagoya TV đưa tin, video ghi lại cảnh nổ cầu Shinkawajiri tại tỉnh Gifu (Nhật Bản), vì cây cầu đã trở nên lỗi thời sau khi một tuyến đường tránh mới được xây dựng.

Cầu Amrutanjan, Ấn Độ

Đoạn clip thứ năm trong video tổng hợp được lấy từ video mà trang Newsflare đã đăng tải vào tháng 4/2020.

Mô tả của Newsflare cho biết, video cho thấy cảnh phá hủy cầu Amrutanjan ở Ấn Độ vào ngày 5/4/2020. Newsflare cũng lưu ý rằng cây cầu 190 năm tuổi này đã không được sử dụng trong nhiều năm.

Các hãng truyền thông Ấn Độ như The Hindu và Ten News India cũng chia sẻ những video tương tự về vụ phá cầu này trên YouTube.

 - Ảnh 7.

So sánh ảnh chụp màn hình giữa đoạn clip được chia sẻ sai sự thật (bên trái) và video của Newsflare (bên phải)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại