Ngay từ những ngày đầu lên sóng, 2 chương trình truyền hình thực tế về người mẫu tại Việt Nam hiện nay là The Face và Vietnam’s Next Top Model đã gây “bão” trên mạng xã hội khi liên tiếp có nhiều tình tiết được xây dựng, thí sinh và HLV cãi nhau “ồn ào như một cái chợ”.
Là 1 siêu mẫu kì cựu, Xuân Lan đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này cùng phóng viên VTC News.
“Truyền hình thực tế mà chỉ có cãi nhau thì sẽ không bền”
- Chào Xuân Lan, chị nghĩ sao khi The Face, Vietnam’s Next Top Model năm nay có khá nhiều tình tiết kịch tính được dàn dựng; thí sinh, HLV đối đáp "ồn ào như cái chợ” nên điều đọng lại trong khán giả là những cuộc tranh cãi chứ không phải chuyên môn của nghề mẫu?
Chúng tôi hay nói đùa: “Truyền hình thực tế, phải ở ác mới sống được lâu”, bằng chứng là người ác nhất là người bất tử - chính là các HLV và giám khảo (cười). Bạn có thấy trong phim truyền hình dài tập, vai phản diện thường sống tới cuối phim hoặc thậm chí còn được hồi sinh ở phần sau không?
Nên nhớ, kịch tính là một phần lí do mà khán giả chọn xem truyền hình, đặc biệt là truyền hình thực tế (THTT), và kịch tính đó tạo nên 90% từ vai “ác”, từ cá tính, drama, mâu thuẫn, xung đột.
THTT mà ai cũng đóng vai "Hoa hậu thân thiện" thì nhạt lắm bởi không có câu chuyện để truyền hình khai thác và báo chí mổ xẻ thì tính chất thu hút của chương trình sẽ không cao. Cho nên, các thí sinh càng muốn ở lại lâu thì càng phải thể hiện "cá tính" đặc biệt của mình. Càng bị chửi càng ở lại lâu, càng ở lại lâu càng có nhiều cơ hội.
Nói vậy để thấy chúng ta cần hiểu đúng về chữ “kịch tính” trong THTT, xuất phát từ cầu mới có cung nhưng không có nghĩa là tôi tán thành việc để “kịch tính” lấn át chuyên môn, đặc biệt với nghề mẫu.
Xuân Lan.
- Những điều đó khiến khán giả có cái nhìn không hay về giới người mẫu. Là 1 siêu mẫu kỳ cựu, lại từng làm giám khảo nhiều chương trình, chị có muốn chia sẻ gì không?
Bất cứ ai kể cả giám khảo hay thí sinh ký hợp đồng tham gia vào THTT đều cần phải nhớ, toàn bộ quyền cắt dựng và biên tập phụ thuộc vào nhà sản xuất.
Có rất nhiều câu chuyện, nhiều cung bậc cảm xúc được giám khảo, thí sinh thể hiện nhưng lên sóng được đến đâu là phụ thuộc vào quyền biên tập của nhà sản xuất.
Một chương trình hay cũng như món ăn ngon, đầu bếp là nhà sản xuất, nêm nếm bao nhiêu kịch tính thì vẫn phải nhớ nguyên liệu chính của món ăn, cho câu chuyện của mình là nhân vật, là tính chuyên môn.
Có những chương trình khai thác rất tốt sự kịch tính đồng thời không làm mất đi tính hấp dẫn của những thử thách chuyên môn, đem đến cái nhìn cận cảnh về người và nghề. Ngược lại, cũng có những chương trình sẽ sa đà vào chuyện khai thác cãi vã, kịch tính mà quên mất mình đang làm một chương trình thực tế về nghề nghiệp.
Những chương trình như vậy có thể gây sốt 1, 2 tập đầu nhưng lâu dài chắc chắn sẽ không bền. Nó giống như một món ăn được trình bày đẹp, bày biện công phu mà nguyên liệu ôi thiu, mà khán giả bây giờ thông minh lắm, đừng nghĩ sẽ qua mặt được họ nếu chương trình chỉ có ồn ào, tranh cãi.
- Chị nghĩ ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất sau những cuộc tranh cãi, ồn ào đó?
Tôi nghĩ không có gì là thiệt thòi ở đây cả. Bản thân tôi không thích đóng vai nạn nhân. Dù ở vai trò nào, giám khảo, thí sinh hay khán giả, bạn đều có lựa chọn của mình. Là giám khảo, những người “lão luyện” nhất với THTT, chắc hẳn sẽ hiểu lí do nhà sản xuất cần họ.
Giống như người ta biết rõ mời Xuân Lan ngoài khía cạnh chuyên môn, họ cũng biết họ cần một host “thét ra lửa” và đủ khả năng đóng vai ác như “trùm cuối” vậy (cười).
Thí sinh của THTT luôn đứng trước 2 mặt lợi và hại khi tham gia. Nếu thí sinh “nhạt”, chương trình “nhạt”, không ai quan tâm, vậy tham gia chương trình các em “mất thời gian” mà cũng chẳng ai biết, chẳng thêm điều gì.
Nếu cá tính, đặc sắc, hấp dẫn và chương trình được truyền thông chú ý, các em “có tiếng”, nhưng trước khi “có tiếng” phải cần “có miếng” đã, quan trọng là người ta phải nhớ tới em ở vai trò một “người mẫu” không hay chỉ là một “vai ác trong THTT”.
Với khán giả, họ có nhiều lựa chọn để xem – tương tác – bình luận và nên nhớ rằng, lựa chọn của họ mới là yếu tố quyết định đến nhà sản xuất. Khán giả càng không phải nạn nhân, khán giả mới là người nắm quyền sinh sát tối cao nhất.
- Có kiến cho rằng, lý do khiến các chương trình đi theo con đường xây dựng drama là vì mạng xã hội phát triển, khán giả càng tranh cãi về cuộc thi nào thì cuộc thi đó càng hot. Chị có chia sẻ gì về điều này?
Trên thế giới, THTT có tuổi đời lâu hơn mạng xã hội và ngay từ đầu tôi thấy đã có định hướng xây dựng sự kịch tính, yếu tố drama thông qua những hình ảnh, dữ liệu “thực tế”. Tôi nghĩ khán giả mới là yếu tố chính, mạng xã hội chỉ là công cụ.
Công nghệ hay mạng xã hội đơn thuần chỉ là phương tiện, tác nhân giúp những kịch tính trong THTT được lan nhanh và xa hơn. Các nhà sản xuất và nhãn hàng cũng căn cứ vào đó đo lường hiệu quả truyền thông của chương trình. Nhà sản xuất dựa trên các đo lường truyền thông để xây dựng nội dung sao cho đáp ứng được thị hiếu khán giả.
Chỉ có một điều mà thực tế tôi phải công nhận, đó là nếu tôi làm chương trình và phát sóng mà sau đó mạng xã hội không ai xôn xao bàn tán, đả động gì đến thì chắc cũng buồn lắm.
“Tôi mở trường chứ đâu phải làm từ thiện”
- Là 1 siêu mẫu nổi tiếng, tại sao Xuân Lan quyết định "lui về ở ẩn", mở trường đào tạo người mẫu?
Tôi đã trải qua thời gian "bán mình cho THTT" rồi. Lúc thương yêu dạy dỗ thí sinh thì không đủ thời lượng để dựng, lúc ác thì chiếu thường xuyên nên tiếng ác đến giờ vẫn phải mang (cười lớn). Đùa thôi, thật ra tôi đã chán những quy luật khắc nghiệt của THTT rồi.
Tôi muốn làm chủ hình ảnh của mình, muốn đào tạo ra người giỏi và cho họ sự tự do để phát triển nghề nghiệp. Tôi muốn nghề người mẫu được nhìn nhận, trân trọng vì chuyên môn chứ không phải vì chiêu trò “chặt chém”.
Bên cạnh đó, tôi muốn làm nhiều chương trình chất lượng để các người mẫu thoả sức thể hiện bản lĩnh và kiếm tiền, mình cũng không phải căng thẳng mệt mỏi thuyết phục nhiều người rằng ai xứng đáng hay không. Tôi bây giờ tự ý, thoải mái quyết định những điều tốt đẹp tại trường đào tạo người mẫu riêng mang tên mình.
- Người ta thường nói việc để các bé tham gia showbiz quá sớm dễ ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ, chị có sợ mình đang "vẽ đường cho hươu chạy" khi đào tạo mẫu nhí?
“Vẽ đường cho hươu chạy” là tốt đấy chứ, sao lại phải sợ. Cái đáng sợ là hươu muốn chạy mà lại không có đường, lại chạy sai thì mới khổ. Giống như các em có đam mê với nghề mẫu, lại nhìn cách trang điểm, ăn mặc, đi đứng, tạo dáng của các người mẫu thành niên mà bắt chước, đó mới là cái đáng lo.
Tôi ở góc độ một người mẫu thâm niên và một người mẹ có con nhỏ luôn tâm niệm 2 điều khi mở trường đào tạo, đó là làm sao để đào tạo được một thế hệ mẫu nhí có chuyên môn, thực sự chuyên nghiệp và bản lĩnh, là những hạt giống mới cho nghề mẫu tương lai. Hai là giữ lại cho các con sự hồn nhiên, đáng yêu đúng với lứa tuổi của mình.
- Chị nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng chị nên “mở cửa” cho tất cả các bé đều được tham gia Tuần lễ thời trang trẻ em như trước giờ chị vẫn làm thì sẽ hay hơn là gói gọn trong những học sinh của mình như năm nay?
Những bé được cha mẹ bỏ tiền ra để đào tạo bài bản tại Xuan Lan’s Model Academy sẽ có được những quyền lợi xứng đáng. Tôi mở trường đào tạo mà, đâu phải làm từ thiện! Các bé có thể trưởng thành sau 1 chương trình thời trang nhưng để trở nên chuyên nghiệp thì cần phải có một quá trình tôi luyện và cố gắng.
Vì vậy, những bé đã từng tham gia Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam hay chưa từng tham gia nhưng có đam mê với thời trang và mong muốn được theo đuổi nghề này, cần phải trải qua những khóa đào tạo bài bản thì mới có thể thực sự chuyên nghiệp trên những sàn diễn thời trang chính thống.