Khi ông chủ Khải Silk bất ngờ đưa ra tuyên bố không xử phạt Parkson dù họ vi phạm hợp đồng cho thuê mặt bằng tại Saigon Paragon, doanh nhân này nhận được nhiều lời khen về cách hành xử, không làm khó thêm đối tác lúc khó khăn.
Thế nhưng, cũng ngay sau đó, Khải Silk cũng công khai luôn lý do mà theo tính toán của ông, việc đòi tiền phạt cũng chẳng ích gì.
Thực tế, theo doanh nhân này, khi Parkson đã quá khó khăn thì việc kiện tụng để đòi được khoản tiền phạt sẽ tốn rất nhiều thời gian và trong lúc đó, Saigon Paragon sẽ bị bỏ hoang vì không thể cho ai thuê.
Thế nhưng khả năng đòi được tiền theo Khải Silk cũng không cao bởi Parkson là Công ty TNHH, nếu lâm vào thế bí họ có thể làm thủ tục phá sản thì các khoản nợ coi như không đòi được.
Cũng có người sẽ đặt câu hỏi, một khoản tiền lớn như vậy mà chỉ dựa vào phán đoán đơn giản của mình đã bỏ qua luôn mà không kiên trì đòi?
Thế nhưng, nếu nhìn vào Keangnam hiện nay thì có thể thấy tính toán của ông chủ lâu đài Tajmasago. Sau khi chấm dứt hợp đồng cho thuê trước hạn với khoản phạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng dành cho Parkson, mặt bằng của Keangnam tới giờ vẫn bỏ trống.
Và với việc ép một công ty đang thua lỗ trầm trọng và trong tình trạng cực kỳ khó khăn, phải đóng cửa ở nhiều nơi thì việc nhận được khoản tiền lớn như vậy chắc chắn mất thời gian rất dài (đó là trường hợp thành công).
Còn họ làm thủ tục phá sản như tính toán của doanh nhân Hoàng Khải thì tiền chẳng đòi được mà mặt bằng để trống còn mất thêm tiền.
Vậy Khải Silk “cần cù” đi kiện, đồng thời để Saigon Paragon bỏ hoang như Keangnam hay chọn cách tiễn Parkson sớm rồi cho người khác thuê?
Cũng vì thế, lựa chọn không phạt hơn 200 tỷ đồng của Khải Silk với Parkson thực ra là tính toán có cơ sở chứ không phải chỉ là thông cảm với đối tác.
Thế nhưng, việc quyết định nhanh và công khai đã giúp doanh nhân này ghi điểm với hình ảnh đẹp, quyết đoán và khôn ngoan.
Và như ông chủ của lâu đài Tajmasago thì điều này “làm cho hình ảnh của Hoàng Khải và Paragon trở nên thật lung linh và đón niềm vui mới vào trong đầu tháng sau!”.
Với những người làm ăn với Hoàng Khải, họ có thể nhìn thấy bài học quan trọng: nếu hai bên cùng thắng, đối tác của họ sẽ quyết rất nhanh và hợp lý.
Trường hợp bị thiệt hại thì Hoàng Khải cũng sẽ quyết thật nhanh để rủi ro là thấp nhất và có thời gian làm việc mới, thay vì cứ nấn ná bám lấy những thứ đã sụp đổ để lấy thêm ít tiền. “Chơi được!” là điều có thể rút ra từ thương vụ không phạt Parkson của Khải Silk.