Xử phúc thẩm Út ‘trọc’: Vắng mặt nhân chứng là nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Dương

Hoàng An |

Đại diện VKS Quân sự Trung ương cho rằng việc vắng mặt nguyên Chủ tịch Bình Dương không ảnh hưởng tới việc xét xử khách quan của vụ án.

Sáng 30/10, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên xử phúc thẩm theo kháng cáo của Đinh Ngọc Hệ (hay còn gọi Út "Trọc") – nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn cùng đồng phạm trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức""Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Phiên xử dự kiến diễn ra trong 2 ngày, xưng quanh khu vực xét xử, an ninh được đảm bảo nghiêm ngặt dưới sự bảo vệ của bộ đội.

Tại phần thủ tục, Chủ tọa cho biết, một số người làm chứng trong vụ án dù được triệu tập nhưng vắng mặt gồm ông Lê Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) nên xin ý kiến.

Đại diện VKS Quân sự Trung ương cho rằng, việc này không ảnh hưởng tới xét xử vụ án khách quan, đề nghị HĐXX công bố lời khai của họ nếu thấy cần thiết.

Ngược lại, bị cáo Đinh Ngọc Hệ và luật sư lại đề nghị tòa tiếp tục triệu tập nhân chứng như bà Trần Thị Tuyết Mai – Giám đốc Công ty Hải Hà và ông Lê Thanh Cung.

Được chủ tọa cho phép, thư ký phiên tòa công bố đơn xin vắng mặt của vợ ông Lê Thanh Cung thể hiện ông bị bệnh tim nặng, từng sang Mỹ mổ, hiện tại phải xuất cảnh sang Mỹ tái khám.

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2010 - 2016, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã thế chấp, cho thuê, mượn nhiều xe quân sự, xe biển xanh trong đó có nhiều xe chỉ huy giá trị lớn để thu về hơn 6 tỷ đồng. Việc này vi phạm các quy định của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Năm 2014, khi cây xăng của Thái Sơn Bộ Quốc phòng bị niêm phong do chứa hơn 20.000 lit xăng kém chất lượng, ông Hệ đã chỉ đạo Trần Văn Lâm đi gặp Bùi Văn Tiệp để nhờ ký hợp đồng khống thể hiện số xăng trên là của quân đội gửi. Gặp ông Lê Thanh Cung xin ý kiến chỉ đạo nhằm tránh bị xử phạt. 

Việc làm này đã gây thất thoát cho ngân sách gần 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ còn mua và sử dụng bằng đại học giả đưa vào hồ sơ sĩ quan để xét nâng lương, thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ.

Bị cáo Phùng Danh Thắm có trách nhiệm trong việc quản lý công ty con và quân nhân thuộc quyền. Thế nhưng, ông này không làm hết trách nhiệm được giao, không có biện pháp quản lý, giám sát quân nhân trong công ty con, tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ làm giả hợp đồng gửi xăng.

Kết thúc phiên thẩm diễn ra hồi cuối tháng 7/2018, TAQS Quân khu 7 tuyên phạt ông Hệ 12 năm tù cho hai tội danh: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức".

Các bị cáo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng giám đốc điều hành Công ty phát triển đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng) nhận 5 năm tù; Trần Xuân Sơn (nguyên Giám đốc chi nhánh Bình Dương của Thái Sơn) nhận 18 tháng tù treo; Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367) lĩnh 24 tháng tù treo cùng về tội "Lợi dụng chức vụ".

Bị cáo Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) nhận án 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm, Phùng Danh Thắm và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) cùng làm đơn kháng cáo sau phiên xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại