Anh Phùng Hữu Thành ở quận Ba Đình (Hà Nội) bị CSGT lập biên bản xử phạt hành chính 800.000 đồng do vi phạm đi sai làn đường và tịch thu GPLX. Do mất phiếu thu xử phạt hành chính, đến thời hạn nộp phạt, nhưng không đến trụ sở Đội 2 Phòng CSGT Hà Nội nộp, anh Thành không được CSGT trả GPLX.
"Do phải đi công tác, 6 tháng sau mới đến trụ sở CSGT xin lại phiếu thu nhưng không được giải quyết. Vì vậy, tôi đã quyết định sẽ đi thi lại để xin cấp GPLX mới…".
Anh Thành là một trong số hàng nghìn trường hợp lái xe bị CSGT tạm giữ GPLX nhưng đã để GPLX quá thời hạn và không nộp phạt để nhận lại.
Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết, Đội đang tạm giữ hơn 1.000 GPLX, chủ yếu là xe gắn máy, mô tô (chiếm khoảng 80% số GPLX).
Thậm chí, có trường hợp người vi phạm bị tạm giữ GPLX từ năm 2010, nhưng hiện vẫn không đến giải quyết. Mặc dù các Đội đều gửi thông báo thường xuyên tới lái xe vi phạm, tuy nhiên, nhiều người vi phạm vẫn phớt lờ.
Theo Trung tá Nguyễn Trung Thành, nhiều cơ sở sát hạch bằng lái xe ở Hà Nội và các tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều lái xe chây ì nộp phạt vì vẫn cho người vi phạm giao thông được làm GPLX mới.
"Ngoài nguyên nhân chủ quan là các lái xe thiếu ý thức nộp phạt và lấy lại hồ sơ, thì công tác quản lý nhà nước giữa các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ, chồng chéo và công tác cưỡng chế vi phạm hạn chế, chưa đủ sức răn đe", Trung tá Thành phân tích.
Còn theo Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc nộp phạt gặp nhiều khó khăn có thể cũng là một lý do khiến người vi phạm không đến lấy GPLX.
Sau khi CSGT lập biên bản và tạm giữ một số giấy tờ, yêu cầu lái xe vi phạm phải đến cơ quan chức năng nộp phạt và nhận lại các giấy tờ trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, quy trình, thủ tục nộp phạt hiện nay bất tiện, phải đi lại nhiều lần, mất thời gian, khiến người vi phạm “chây ì”.
Do đó, theo ông Trần Hữu Minh, các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước liên quan cần khuyến khích người dân thực hiện đúng quy trình nộp phạt mà không gặp nhiều bất tiện như: Có thể đóng phạt trực tuyến hoặc gửi qua ngân hàng, bưu điện với một mã số tham chiếu.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu áp dụng phạt điểm trực tiếp vào GPLX vi phạm trong hệ dữ liệu quốc gia, mà không cần trực tiếp tạm giữ GPLX…
Ông Trần Hữu Minh cho bết thêm, việc chia sẻ hệ dữ liệu quản lý GPLX giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục CSGT là hết sức cần thiết hiện nay để nâng cao hiệu quả quản lý GPLX.
Việc mỗi cơ quan quản lý xây dựng hệ dữ liệu riêng là bình thường, nhưng quan trọng nhất là cần có quy chế phối hợp, thu thập và chia sẻ dữ liệu và tùy từng đối tượng mà quyền truy cập dữ liệu sẽ khác nhau.
Nhiều ý kiến của CSGT cho rằng, việc thiếu liên kết thông tin giữa các cơ quan chức năng với cơ quan công an đã dẫn đến tình trạng lỏng lẻo trong quản lý.
Do vậy, cần phải siết chặt lại khâu tổ chức thi sát hạch, cấp GPLX. Bên cạnh việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trong việc quản lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT cần sớm ban hành các quy định có tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, tránh “nhờn” luật.
“Ngoài quy định 2 tháng xác minh nguyên nhân lái xe mất GPLX, cơ quan quản lý cấp đổi GPLX, các Sở GTVT phải rà soát, tra cứu xem người đó đã từng có GPLX chưa.
Trường hợp đã có GPLX thì lý do vì sao lại phải xin cấp lại hoặc phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xem GPLX đó bị tạm giữ ở đâu. Trường hợp vi phạm giao thông mà bỏ GPLX để trốn xử phạt thì không được cấp GPLX mới.
Quy định này sẽ giúp đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt nghiêm minh và hạn chế việc lái xe bỏ GPLX, cũng như siết chặt công tác quản lý đào tạo cấp GPLX… ”, đại diện Phòng CSGT Hà Nội đề xuất.