Một sự việc hi hữu, xôn xao dư luận đang diễn ra tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), chủ một quán cà phê bị cơ quan chức năng xử lý hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày.
Cụ thể, anh Nguyễn Văn Tấn (Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM) đã hoạt động kinh doanh buôn bán từ ngày 8/8/2015 khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Ngày 13/8/2015, Công an huyện Bình Chánh phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra quán cà phê. Ngày 18/8/2015, công an huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Tấn, số tiền 17 triệu đồng.
Một ngày sau đó, công an huyện đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 11/9/2015, anh Tấn đã đóng phạt tại Kho bạc Nhà nước huyện Bình Chánh.
Đến ngày 10/9/2015, công an huyện Bình Chánh phối hợp các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh của anh Tấn nhưng không có mặt anh Tấn.
Người quản lý quán đã tiếp đoàn kiểm tra và xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 41T8021904 ngày 19/8/2015.
Ông Tấn bên quán cà phê của mình. Ảnh: Báo Giao thông
Qua kiểm tra, xác định anh Tấn đang hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời vi phạm về kinh doanh sai địa điểm, sử dụng khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng gây hại, thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Với những kết quả kiểm tra trên, tại kết luận điều tra số 76/KLĐT (KT-CV) ngày 25/01/2016, Trưởng công an huyện Bình Chánh xác định là: “nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội…”.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói: “Tôi rất lấy làm buồn và ngạc nhiên về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi kinh doanh trái phép trong khi chủ quán cà phê chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày.
Sau đó đến kiểm tra liên tục. Tôi cho rằng căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về mặt pháp lý rất không rõ ràng”.
Ông Doanh đặc biệt nhấn mạnh, môi trường kinh doanh ảnh hưởng nhiều sau quyết định của cơ quan quản lý nhà nước.
Vị chuyên gia cho biết, ông từng trao đổi với người Việt đang làm quán ăn tại Đức được biết, khi mở quán, ngay lập tức các cơ quan quản lý đến hướng dẫn rất tỉ mỉ quy định nhà bếp, chỗ rửa, nhà kho… sau khi quán được mở ra họ tiếp tục đến xem xét và nếu như không đúng quy định họ sẽ hướng dẫn đến 3 lần.
Nếu sau 3 lần không có tiến bộ mới nhắc nhở, nếu không cải thiện sẽ phạt. “Họ không phạt khi chưa có hướng dẫn 3 lần. Nước Đức kỷ cương, kỷ luật rất nghiêm”, ông Doanh cho biết.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trường hợp của anh Tấn, nên có sự xem xét lại và đã có ý kiến chỉ đạo của Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng.
Giả sử công an Bình Chánh vẫn giữ ý kiến của mình cần cuộc trao đổi có sự tham gia của 2 bên và Luật sư, các hiệp hội để có sức thuyết phục hơn.
“Nếu cố tình thực hiện việc đưa ra toà chắc chắn sẽ gặp phản ứng tiêu cực, không chỉ riêng ở Bình Chánh mà lan rộng toàn TP.HCM và rất bất lợi cho TP.HCM.
Trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp tổ chức cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM, TP.HCM nên làm rốt ráo”, ông Doanh nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Doanh, việc các doanh nghiệp thậm chí hộ kinh doanh nhỏ lẻ bị phạt nhiều, cơ quan quản lý đến “thăm hỏi” nhiều là một trong những điều làm lo ngại.
“Báo cáo PCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp chi ngoài tăng lên, có đến 66% tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức ; trong đó, 11% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản nêu trên; 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tồn tại khá phổ biến”, ông Doanh dẫn lại kết quả điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015.