Những ngày lễ lớn cận kề như thế này, sinh viên hay người làm ăn xa quê là những người buồn nhất, bởi chặng đường về quê thăm gia đình của họ đầy xa xôi, gian nan. Với những ai không có điều kiện, tiền bạc không dư dả, họ phải ở lại thành phố.
Kẻ tranh thủ làm thêm kiếm ít tiền vì ngày lễ sẽ được trả cao hơn, người ru rú trong phòng trọ một mình không dám đi chơi sợ tốn kém.
Còn với những ai tranh thủ về thăm cha mẹ, anh chị em, họ hàng thì việc kiếm được một tấm vé tử tế không hề dễ. Vé mà không mua sớm, đợi sát ngày là coi như bó tay không thể mua được, hay may mắn mua được vé về thì cũng bị nhồi nhét. Cảnh chen chúc của hàng chục người trên những chuyến xe mỗi dịp lễ không còn là cảnh hiếm gặp.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện tấm ảnh 2 sinh viên ngồi vạ vật ở bến xa Nước Ngầm (Hà Nội) vì không mua được vé về quê.
Tác giả bức ảnh là bạn Đặng Trọng Đức chia sẻ: "Mình thấy 2 bạn này ngồi ở gốc cây trước cổng bến xe Nước Ngầm từ lúc mưa xong. Giờ gần 11h rồi 2 bạn này vẫn ngồi đấy. Chắc là ngồi chờ vé vớt. Nếu không mua được vé thì chắc phải quay lại chờ ngày mai. Phận sinh viên xa quê không về được nhà sớm."
Hình ảnh xót xa của 2 cô cậu sinh viên. (Ảnh: Đặng Trọng Đức - Không sợ chó)
Dưới tấm ảnh này, rất nhiều bạn sinh viên cũng chia sẻ câu chuyện không mua được vé về quê của mình, phải bám trụ lại thành phố trong những ngày đáng nhẽ ra phải đoàn tụ gia đình.
Phương Linh: "Chúng mày còn được về, tao có nhà mà không dám về đây. Ước gì được về vui vẻ với gia đình thì tao ngồi thâu đêm đợi vé cũng được."
Khánh Linh: "Khổ thế mà nhà trường có hiểu lòng những sinh viên quê xa đâu, vé có khi phải đặt trước cả tháng trời mới có, nhưng đột ngột thông báo lịch học lịch thi, chẳng biết đâu mà lần."
Xuân Trường: "Ít ra các bạn còn được nghỉ ra mua vé, bắt xe về quê, mình vẫn phải làm không có nghỉ lễ luôn."
Tuyết Mai: "Cũng muốn về mà suy đi tính lại, tiền vé các thứ tốn cả đống nên ở lại trốn trong phòng trọ vậy."
Khi được hỏi, không về quê những ngày lễ lớn như thế này có buồn không, ai cũng mạnh mẽ nói rằng: "Buồn gì đâu. Ở lại cố gắng kiếm tiền rồi bao giờ về bù một thể." Nhưng đằng sau câu nói đó là cả một sự suy tư, cô đơn vô cùng tận. Ai mà chả muốn về với cha mẹ, có ai thích 4 bức tường phòng trọ khô khan, lạnh lẽo cô quạnh đâu cơ chứ.
Ông bà sẽ đón ở ngõ, chờ xem cháu mình ra thành phố có lớn hơn tý nào không; cha mẹ mong xem con mình có gầy đi không; mấy đứa em thì chờ để được kể những điều ở phố mà ở quê chẳng có... Những điều ý nghĩa, ấm áp này, chỉ những ai ở tỉnh đi học xa nhà mới có cơ hội trải nghiệm. Vậy mà...