Người dân chỉ còn 2 bàn tay trắng
Chưa bao giờ nỗi đau đớn vì thiên tai của người dân lại lớn đến như thế. Mất người thân, nhà cửa, hoa màu, mất cả ánh mặt trời phía trước. Khóc cạn nước mắt, cố gắng đào bới giữa đống đổ nát, rồi lại khóc lóc van xin ông trời.
Những tưởng nhiều ngày qua tại bản Tùng Nùn (huyện Quảng Bạ, Hà Giang) từ khi cơn lũ đi qua, chỉ độc một màu đen ngòm và tối tăm, y như tương lai sau này của chính con em họ.
8h sáng 29/6, con đường dẫn về xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, Hà Giang) vẫn chưa ngớt cảnh bùn đất ngổn ngang. Nằm sâu trong xã miền núi quanh năm nghèo đói này, là bản Tùng Nùn - nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất của trận lũ quét hôm 23/6.
Hỏi đường về bản Tùng Nùn, chưa bao giờ chúng tôi nhận được câu trả lời chua xót đến thế: "Tụi con đến ngã 3 đường nhựa rồi rẽ phải, lũ vẫn chưa ngớt đâu...".
Lũ trẻ theo bà đi mót từng thứ đồ còn sót lại.
Lũ vẫn chưa ngớt nơi những cánh đồng ngô bị san phẳng, đổ san sát dọc con đường.
Lũ vẫn chưa ngớt nơi những tảng đá lớn chắn ngang đường đi, vài nơi trơn trượt khúc khuỷu đến độ ngã nhào.
Lũ vẫn chưa ngớt nơi những dòng nước chảy trắng xoá từ trên đồi cao.
Lũ vẫn chưa ngớt nơi mảnh đất đè lên sỏi đá, mà trước đây từng là những căn nhà liền kề nhau.
Và lũ vẫn chưa ngớt, nơi gương mặt khắc khổ của từng người dân bản địa. Họ khóc và than cho số kiếp của mình.
Bãi đất trống hoang vu sau lũ...
Hoa màu mất sạch trơn.
Anh Lũ Mì Sính (Quản Bạ, Hà Giang) phóng con xe máy côn tay phi ào ào qua đoạn đường bùn đất. Khuôn mặt anh Sính đượm buồn, nhưng gặp người lạ, anh vẫn nhoẻn miệng cười một cái.
Chúng tôi hỏi anh đang đi đâu, đáp lời, anh Sính thưa: "Em lên gặp chú Bí thư để xin di dời nhà đến chỗ khác. Chứ em sợ lại sạt lở lần 2 thì gia đình em biết chạy đi đâu...".
Xóm nghèo tại huyện Quản Bạ của anh Sính có 4 hộ dân bị lũ quét cuốn trôi. Từ cột nhà tới cái trần, ngô các thứ và cả hoa màu, chẳng còn lại gì nữa.
"Nhà em không bị ảnh hưởng quá nặng, nhưng mà xung quanh chỉ toàn bùn đất. Nhiều người dân chẳng còn gì cả, chỉ còn lại bàn tay trắng".
Anh Lũ Mì Sính - chàng thanh niên gốc Nùng 26 tuổi với ước mơ có một căn nhà an toàn hơn.
Anh Sính bập bẹ tiếng Kinh trả lời rành rọt từng câu hỏi. Anh là chàng trai gốc Nùng 26 tuổi khoẻ mạnh và kiên cường như đồi núi.
Nhưng mỗi lần nhắc tới lũ quét và sạt lở, có cái gì đó khiến anh chau mày lại. Anh đại diện cho những người nông dân khốn đốn giữa dòng nước lũ, nơm nớp lo sợ mỗi khi đài báo thiên tai.
Anh khát khao có một nơi ở mới, mà theo anh, an toàn phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu, rồi từ 2 bàn tay trắng tụi anh sẽ lại gây dựng của cải.
"Như chị biết đấy, sạt lở đã tạo thành dòng rồi. Em sợ nó sẽ theo dòng đó, men đường cũ và lại tấn công nhà tụi em. Giờ chỉ mong cất được căn nhà ở nơi an toàn hơn" - Dứt lời, anh Sính nói câu từ biệt. Trời trưa Hà Giang đổ nắng, anh xin phép lên uỷ ban để còn tranh thủ về nhà dọn dẹp.
Nhà anh Sính, vẫn chất đầy bùn đất xung quanh đấy thôi.
Cũng như nhà anh Sính, nhiều hộ dân ở Quản Bạ nơm nớp lo sợ lũ quét và sạt lở.
Người dân ra sức dọn dẹp lại nhà cửa.
"Về nhanh đi! Vợ và con mày mất tích rồi!"
Ngày 23/6, mưa lũ bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hà Giang là tỉnh đầu tiên được dự báo nằm trong vùng nguy hiểm. Chiều tối cùng ngày, bản Tùng Nùn của xã Lùng Tám ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên.
Là một em bé bị vùi lấp dưới những xà nhà bằng gỗ đổ sập, người đầy bùn đất; là người phụ nữ ngâm mình trong dòng nước lũ, cơ thể chị lạnh toát.
Đó là người vợ và đứa con gái mới 5 tuổi của anh Lò Chính Cồ (40 tuổi, Quản Bạ)
Nhà anh Cồ bị lũ quét "lướt" qua để lại bao tầng đất bùn bên trong.
Nhìn vào căn nhà tình thương được chính quyền tặng, trên tường còn "vẩn vương" những bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ con, ai cũng ám ảnh...
Vợ và đứa con thứ 3 của anh, do không chạy kịp khi lũ về, đã bị dìm chết trong bùn. Ngày hôm đó, anh Cồ không có nhà.
Anh ở Trung Quốc làm thêm và không hề hay biết gì.
Anh Lò Chính Cồ bên đứa con gái út mới hơn 1 tuổi của mình.
Ngày 24/6 tại Quảng Đông (Trung Quốc), anh Cồ nhận được cuộc điện thoại cấp tốc từ người thân ở quê nhà.
"Về nhanh đi! Vợ và con mày mất tích rồi!".
2 ngày sau, anh Cồ về tới nơi. Khi đó, nhà anh chỉ còn là bãi đất trống giữa khoảng đất trắng đầy sỏi đá. Một cảnh tượng hoang tàn và lạnh lẽo khiến anh Cồ bật khóc. Vợ con anh đã được mai táng theo thủ tục địa phương, anh về chỉ kịp bế đứa con gái út chưa đầy một tuổi vào lòng.
"Thằng Cồ về chỉ khóc thôi, không nói chuyện được. Nhà nó có 4 đứa con, đứa lớn vừa mới về nhà chồng. Mưa lớn quá, vợ nó chỉ kịp bế đứa con thứ 3 lên gác trốn, 2 đứa kia mệt quá không lên được bị lũ cuốn nhưng may sao được người dân cứu giúp.
Đôi mắt sáng trong của đứa trẻ vừa thoát chết từ thiên tai lịch sử.
Nước từ trên đồi chảy xuống cuốn phăng 2 mẹ con về phía cột nhà rồi bay ra ngoài. Khoảng 1 tiếng sau khi nước rút, mọi người tản ra tìm người mất tích. Khi ấy có đứa nghe tiếng tiếng vợ thằng Cồ kêu.
Nhưng nó kêu một tí rồi không thấy kêu nữa. Lật lớp bùn đất lên thì nó với con chết rồi, cả cái cột nhà đè lên người" - bà Lù Thị U (50 tuổi, dân tộc Mông) sợ hãi nhớ lại giây phút tìm thấy xác 2 mẹ con.
Nhà bà U ngay bên cạnh nhà anh Cồ, cũng bị cuốn phăng sạch sành sanh, chừa lại mỗi 2 cái xô trắng đựng nước.
Bà U xót xa, đứa con út nhà anh Cồ mới hơn 1 tuổi giờ chỉ có mất sữa mẹ. Đêm đó, cả thôn Tùng Nùn khóc than cho vợ con anh Cồ. Nhà anh giờ đến mảnh gỗ cũng chẳng còn...
"Giờ đâu còn nhà nữa, về nhà nội ở hết rồi. Biết khóc chứ làm gì được đâu. Con khát sữa phải đi mua sữa hộp cho nó uống" - anh Cồ bập bẹ tiếng Kinh than khóc.
Đôi mắt anh sụp 2 mí đau đáu buồn. Người dân Tùng Nùn bảo, "Nhà nó vốn sống rất khổ, quanh năm nghèo mà. Nó về đứng ngoài cửa khóc không ra tiếng".
Sự hoang tàn in hằn trên từng đồ vật.
4 ngày sau cơn lũ đi qua, người dân vẫn sống trong cảnh mất điện
Lại chuyện nhà bà Lù Thị U. 4 ngày rồi nhà bà và mấy hộ dân còn sót lại vẫn chưa có điện. Phía công ty điện lực đã về tận bản Tùng Nùn nối dây cho người dân. Nhưng chừng mấy ngày tới mới có thể cung cấp điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con.
Sống cầm chừng trong mấy ngày đen tối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người dân ai cũng nơm nớp lo sợ.
"3, 4 hôm rồi tôi không ngủ được tí nào. Sợ lắm! Thỉnh thoảng cứ động đất. Đêm hôm thứ 2, động đất "tưng bừng", tôi phải gọi con trai về cứu" - bà U than khóc. Cái sáng nước ùa về bà không kịp dọn dẹp gì hết, giờ còn mỗi 2 cái xô trắng đựng nước.
Vựa ngô nhà bà tan hoang, giờ nằm "đắp chiếu" ngoài đường lớn. Bốn bề là vùng đất trắng xóa sỏi đá, chẳng ai nghĩ nơi đây từng có hộ dân sinh sống. Có cái xô, cái chậu, thêm vài ba cái dép và từng bao tải quần áo lăn lóc.
Người dân mất sạch trơn sau tiếng sấm rền trời như súng nổ. Đến cái biển số xe máy cũng bị nước lũ đánh bật khỏi xe, tấm ảnh chụp cả gia đình giờ chìm nghỉm giữa dòng suối.
"Lúc ấy thằng cháu tôi đi tắt nước nghe tiếng rầm lớn cứ nghĩ tiếng máy bay.
Tôi chạy ra nhìn khắp đều không thấy gì hết nhưng âm thanh đó vẫn vang lên. Rồi cháu tôi ngó lên đằng trước, nó trèo lên mỏm núi cao rồi hét lớn: "Chạy đi"".
Bà U không buồn than vãn nữa... Bà dừng câu, rồi tiếp tục lụi hụi nhặt nhạnh đồ đạc cùng 2 đứa cháu nhỏ. Một trong 2 đứa đêm qua sốt cao sau cơn lũ vừa rồi.
Tấm ảnh gia đình bị lũ cuốn trôi.
Vài ba bộ quần áo "bay" giữa cảnh hoang tàn, đổ nát,
Có hộ gia đình chỉ còn lại 2 cái xô đựng nước, còn lại mất sạch.
Giờ chỉ còn cách đưa nước vào nhà để cuốn trôi lớp đất đá.
Người dân tập trung tại trường Tiểu học xã Lùng Tám nhận hỗ trợ.