Bán cả gia tài để cứu con
Những ngày cuối năm, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Văn Thệ (49 tuổi) và bà Hoàng Thị Huệ (49 tuổi) ở thôn Nam Giảng (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn trong cảnh đìu hiu, quạnh quẽ. Căn nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng. Mái ngói bị thủng nhiều chỗ khiến nước nhỏ khắp nơi khi cơn mưa cuối đông kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Chiếc giường nhỏ nằm ở góc nhà là nơi duy nhất không bị dột mưa. Ở đó, có một cô gái trẻ đang nằm yên bất động.
"Con gái tôi nằm ở đó hơn 1 năm nay. Trước mùa mưa, vợ chồng tôi cố gắng vay mượn cũng chỉ đủ tiền để mua mấy tấm ngói lợp ở chỗ giường nó cho khỏi ướt", ông Thệ tay dựng con gái ngồi dậy, miệng giải thích với khách.
Bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Thệ, cho hay đó là cô con gái duy nhất trong 3 đứa con của hai vợ chồng. Em là Văn Thị Hải Ngọc (SN 1995). Ngọc từng là cô thôn nữ xinh xắn, giỏi giang với chiều cao gần 1,7m. Năm 2014, Ngọc tốt nghiệp THPT nhưng thiếu may mắn nên trượt đại học.
Cô gái lúc này mới 18 tuổi xin phép bố mẹ vào Đà Nẵng làm công nhân để vừa tự kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, vừa để ôn học cho kì thi năm sau.
"Nó xin được việc, làm công nhân cho 1 nhà máy nhựa ở Đà Nẵng nên chiều thứ 7 bắt xe từ Huế vô. Ngày Chủ nhật nó tìm được phòng trọ. Thứ 2 nó đi làm buổi đầu tiên. Trên đường về sau giờ tan ca, 1 chiếc xe tải đụng phải chiếc xe máy khiến Ngọc ngã xuống đường.
Vợ chồng tôi tưởng đã mất nó sau tai nạn đó rồi", bà Huệ rơi nước mắt nhớ lại lúc nhận tin báo từ bệnh viện vào 1 buổi chiều cuối tháng 7 cách đây 3 năm.
Vụ tai nạn thương tâm khiến em bị vỡ hộp sọ. Ca phẫu thuật sau đó các bác sĩ phải cắt bỏ 2/3 bộ não mới giữ được tính mạng của em. Ngọc được sống nhưng em liên tục mắc phải chứng viêm màng não.
Cô gái trẻ nằm liệt suốt 3 năm trời vì vụ tai nạn giao thông bất ngờ
"Vợ chồng tôi nghe tin mà rụng rời tay chân, bỏ hết công việc vô với con. Nhìn nó nằm bất động trên giường bệnh, xung quanh là đủ thứ dây rợ, tôi chỉ biết khóc.
Hai vợ chồng tôi lúc đó tự nói với nhau bằng cách nào cũng phải cứu con gái. Ca phẫu thuật hết mấy trăm triệu đồng, chúng tôi lấy hết tiền tiết kiệm, vay mượn, bán cả lúa non ngoài đồng để thực hiện.
May trời thương mà nó còn sống", bà Huệ xúc động nói.
Ngày Ngọc qua cơn nguy kịch cũng là lúc gia đình em bước vào cuộc chạy đua mới để hồi phục sức khỏe cho em.
19 tháng trời ròng rã, lúc thì cha, lúc thì mẹ, lúc là anh trai ruột luôn có mặt bên cạnh em ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng. Mọi người chăm em, rơi nước mắt khi em dần tỉnh lại, cử động từng ngón tay.
"Vợ chồng tôi thay nhau chăm nó đúng 19 tháng. Các bác sĩ cũng thương gia đình chúng tôi, thương cháu nên động viên cố gắng để cháu có thể hồi phục thêm mới tiến hành ghép hộp sọ được.
Ngần ấy thời gian ở viện, tiền thuốc men, tiền sinh hoạt không thể chịu nổi nữa. Cái gì bán được đều đã bán, vay được ai đã vay nên đành đưa Ngọc về nhà điều trị chờ có dịp.
Ngày đưa Ngọc về, bác sĩ cứ thuyết phục ở thêm 1 thời gian là cháu có thể phẫu thuật ghép hộp sọ mà chúng tôi không cố hơn được nữa...", người đàn bà nghèo bật khóc nói.
Không còn tiền chạy chữa
Ở làng Nam Giảng và cả xã Quảng Thái, vợ chồng ông Thệ nghèo thứ 2 thì không ai "dám" đứng thứ nhất. Ông Thệ cho biết, hai vợ chồng quanh năm suốt tháng chỉ biết làm ruộng. Hai người làm quần quật suốt ngày đêm với hơn 1,5 hecta lúa, hoa màu cũng chỉ đủ nuôi 3 người con ăn học.
Kể từ ngày Ngọc gặp tai nạn, gia cảnh của vợ chồng ông thêm phần khốn đốn. Người anh trai cả của Ngọc vừa tốt nghiệp đại học đang chật vật tìm việc làm. Cậu em út thương cha mẹ, thương chị nên bỏ dở giấc mơ đại học để đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình.
"Nó nằm 1 chỗ vậy nên vợ chồng tôi phải thay nhau ở nhà chăm sóc. Chủ yếu là ba nó ở nhà vì nó cao to, nên tôi đỡ không nổi.
Tôi suốt ngày ngoài đồng. Những lúc có việc nặng thì ba nó ra làm giúp.
Thu nhập từ hơn 1,5 hecta lúa cũng không đủ để trang trải tiền thuốc cho con. Vợ chồng tôi đã cố hết sức, nhưng bây giờ chẳng biết nói sao được nữa", người đàn bà lam lũ nén nước mắt nói.
Theo ông Thệ, mỗi tháng tiền thuốc men cho Ngọc tốn gần 3 triệu đồng. Ngọc nằm uống thuốc ở nhà nên cũng thường xuyên bị sưng phù não hơn so với ở bệnh viện.
Cô gái trẻ nằm bất động trên chiếc giường nhỏ. Đôi mắt nhìn xa xăm như đang lạc về những ký ức ngày còn khỏe mạnh. Khóe mắt em nhiều lúc ứa nước mắt nhìn cha mẹ. Giọt nước mắt chảy dài xuống gối.
Bà Huệ tâm sự: "Đưa về nhà chúng tôi cũng đỡ nó ngồi dậy, nằm xuống thường xuyên nhưng chắc không bằng ở bệnh viện. Ở đó các cô y tá làm đúng cách hơn.
Hơn 1 năm ở nhà, chân tay nó ngày càng ít cử động. Sức khỏe nó cũng yếu hơn lúc ở viện. Chúng tôi chẳng biết lúc nào dành dụm đủ tiền đưa con trở lại bệnh viện điều trị để được ghép hộp sọ.
Nhìn con như vậy, chúng tôi làm cha mẹ chỉ biết ngăn nước mắt mà khóc thầm. Tôi chỉ mong có ai đó giúp con tôi được điều trị bệnh thì vợ chồng tôi có làm trâu làm ngựa cho họ cũng được".
Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho hay, gia đình ông Thệ, bà Huệ là hộ nghèo đặc biệt của xã từ năm 2012. Hoàn cảnh của anh chị từ khi cháu Ngọc gặp nạn càng thêm bi đát.
Ông Phước cũng cho hay xã có nhiều hỗ trợ, ưu tiên cho gia đình. Chính quyền thường ưu tiên cho gia đình cháu Ngọc nhận được các phần quà vào dịp lễ, Tết hoặc khi có các đoàn hảo tâm, từ thiện về địa phương.
Tuy nhiên, ông vị Phó Chủ tịch này cũng thừa nhận chi phí điều tri cho cháu Ngọc rất lớn nên việc hỗ trợ của chính quyền địa phương chủ yếu là về mặt tinh thần. Ông cũng mong muốn có nhiều tấm lòng hảo tâm trên cả nước giúp đỡ để cô gái này có thể tiếp tục nhập viện điều trị.
"Ngọc trước đây là đoàn viên năng động của xã, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Nhìn thấy em ấy như thế, ai cũng buồn lòng", ông Phước chia sẻ.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.