Báo cáo nhận định, nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý (tăng 2,35% so với tháng 12/2015); lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định.
Số doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, DN khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ (có hơn 54,5 nghìn DN đăng ký mới).
Số lượng các cuộc đình công có xu hướng giảm, tính chất không phức tạp như những năm trước (khoảng 140 cuộc đình công, giảm 16 cuộc so với cùng kỳ 2015).
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế đều đạt thấp so với kế hoạch: kế hoạch GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước, để đạt mức tăng trưởng này, 6 tháng cuối năm phải tăng xấp xỉ 7,6%, mức tăng này là khó khả thi nhất là trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong 6 tháng cuối năm.
Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước...
Việc triển khai hình thức đầu tư BOT mặc dù đã huy động nguồn lực lớn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư lĩnh vực giao thông, tuy nhiên quá trình triển khai còn nhiều bất cập, thiếu quy hoạch, quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến tổng mức đầu tư cao, mật độ trạm thu phí dày làm tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng cho xã hội, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiến độ thực hiện cổ phần hoá DN nhà nước vẫn chậm chạp làm lãng phí và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực của nhà nước. 6 tháng đầu năm chỉ có 38 doanh nghiệp nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá.
Tỷ trọng cổ phần nhà nước nắm giữ cao, quá trình cổ phần hoá vẫn gặp khó với vướng mắc lớn nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp và do người đứng đầu thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa bị xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%). Trong khi thu NSNN từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% và thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015 thì số thu từ khu vực DN nhà nước chỉ đạt 94,5% là chưa hợp lý.
Ủy ban Kinh tế cho rằng còn có nguyên nhân chủ quan dẫn đến số thu từ khu vực DN nhà nước đạt thấp và cần được Chính phủ đánh giá, làm rõ.
Bên cạnh đó, nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ ở mức cao. Việc quản lý, sử dụng tài sản công còn lãng phí, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Nợ xấu ngân hàng đến cuối tháng 4/2016 là 2,81% so tổng dư nợ, tuy nhiên thực chất ở mức cao nếu tính cả nợ chuyển bán sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến tháng 5/2016 là 246.986 tỷ đồng (chỉ khoản chuyển này tương đương gần 5% so với tổng dư nợ).
CÁC DỰ ÁN NGHÌN TỶ "ĐẮP CHIẾU"
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hoá chất đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc PVN đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động; Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai. Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp...