Mới đây, một ngôi trường vùng cao đột nhiên trở thành "điểm nóng" trên các diễn đàn mạng khi hàng nghìn con châu chấu xâm chiếm, bâu kín từng tấc tường, khung cửa. Được biết, đoạn video ghi lại hình ảnh hàng nghìn con châu chấu bâu kín tường, cây cối lẫn mặt đường này xuất hiện tại Trường Tiểu học Thiện Hòa, huyện Bình Gia, Lạng Sơn khiến nhiều người "nổi da gà".
Nguồn: Khởi Tacxi Dù
Đàn châu chấu chi chít bậu kín mặt tường lẫn đường đi, nhìn từ xa nhiều người còn tưởng đây là "sâu róm".
Dưới phần bình luận, nhiều người đồn đoán hiện tượng châu chấu tập trung đông đảo tại 1 chỗ có thể là báo hiệu cho hiện tượng thời tiết nào đó, nhưng số khác lại nghĩ ngay tới... một "món nhậu" đặc sản mùa hè. Đó là châu chấu rang.
Nhiều năm trở lại đây, châu chấu được mệnh danh là món "tôm bay" đã trở thành đặc sản xuất hiện trên bàn nhậu mỗi khi hè đến. Cứ vào độ tháng 6 - tháng 7 là thời điểm vụ lúa ở khu vực miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa thu hoạch nên châu chấu xuất hiện rất nhiều.
Chính vì vậy, loại côn trùng "phá hoại" này cũng được nhiều đầu mối thu mua về "nâng tầm" thành đặc sản đồng quê. Còn đối với người nông dân, châu chấu là thức ăn cho gà vịt, nhưng hơn hết chúng là "ác mộng" với nhà nông.
Chẳng hạn như loại châu chấu tre lưng vàng là loài côn trùng di cư, sinh sản lớn. Mỗi châu chấu cái có thể đẻ được từ 120 đến 150 quả trứng. Khi gặp được điều kiện sinh thái thuận lợi như nhiệt độ cao, mưa nhiều, gió mạnh chúng sẽ phát sinh thành dịch cắn phá cây cối, di chuyển xa, mở rộng phạm vi gây hại. Chúng có thể bùng thành dịch gây ảnh hưởng đến hàng nghìn hecta cây trồng.
Ở châu Phi và nhiều nơi trên thế giới, nạn châu chấu đã xuất hiện từ lâu. Chúng bao phủ mặt đất và ăn mọi thứ chúng có thể tìm thấy, trước hết là thảm thực vật, cây cỏ, hoa lá... Những con châu chấu còn được cho là ăn cả những chiếc mền vải trải ra để che phủ vườn rau, vỏ xe ngựa và thậm chí cả quần áo trên lưng người dân. Với sự sinh sôi nhanh chóng của châu chấu sẽ xảy ra tình trạng "xung đột" nguồn thức ăn với các loài gia súc trên đồng cỏ. Thêm nữa, sự bùng phát mạnh mẽ sẽ kéo theo việc gián đoạn các hoạt động trồng trọt.